Việt Nam mất trắng 500 triệu USD ở Venezuela, ai chịu trách nhiệm?

Sau một thời gian dài khó khăn và chìm trong khủng hoảng vì quản lý kinh tế sai lầm, Venezuela – một quốc gia nhiều dầu mỏ nhất thế giới vừa bị công ty xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor cho biết đã chính thức vỡ nợ. Đất nước Nam Mỹ này sa lầy, nhưng cũng kéo theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi phiêu lưu đổ hàng trăm triệu USD trong một dự án siêu liên doanh góp vốn 1,8 tỷ USD để khai thác dầu tại Venezuela.

Năm 2007, PVN xin Chính phủ đàm phán với Tổng công ty dầu khí Quốc gia Venezuela về việc thành lập một liên doanh giữa 2 nước. Được chấp nhận, PVN giao cho một công ty con là Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) trực tiếp làm việc với Công ty dầu khí Venezuela (thành viên của Tổng công ty dầu khí quốc gia Venezuela).

Tháng 6/2010, tại thủ đô Caracas của Venezuela, ‘Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2” chính thức ra mắt (Venezuela có trữ lượng dầu lên tới hơn 200 tỷ thùng, tuy nhiên phần lớn ở dạng nặng và siêu nặng, rất khó khai thác và tốn kém). Tổng mức đầu tư được công bố lên tới 12,4 tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu rót 8,9 tỷ USD, giai đoạn sau là 3,5 tỷ USD. Cũng theo báo cáo mà PVN trình Chính phủ, nhờ quy mô và tiềm năng của dự án có sản lượng dự kiến 200.000 thùng dầu/ngày, với tỷ lệ góp vốn 40%, PVN có thể thu về 4 triệu tấn dầu/năm – tương đương với 70% sản lượng của Vietsovpetro (liên doanh với Nga), dự kiến hoàn vốn sau 7 năm. Không rõ tại sao PVN đã quá lạc quan và hấp tấp trong vụ đầu tư này, mà thiếu đi những nghiên cứu đánh giá tiền khả thi dự án, cũng như bỏ ngoài tai những khuyến cáo của giới chuyên môn, cùng các bộ, ngành về những bất ổn tiềm tàng tại Venezuela như lạm phát, chênh lệch giá, … (dưới thời của Tổng thống Hugo Chavez)

Trong giai đoạn một, vốn được thu xếp như sau: Liên doanh vay 60% vốn tương đương với 5,8 tỷ USD, 40% còn lại do các bên đóng góp tức 3,1 tỷ USD. Phần vốn mà Việt Nam phải đóng, ứng với 40% trong hợp đồng là 1,241 tỷ USD. Ngoài ra, nếu tính cả “chi phí tham gia hợp đồng” (bonus) thì tổng số tiền mà phía Việt Nam phải thu xếp là 1,825 tỷ USD.

Thương vụ đầu tư này có rất nhiều điểm không phù hợp với quy định của Pháp luật Việt Nam. Cụ thể, theo nghị quyết 49/2010 của Quốc hội Khóa 12 nêu rõ: Với những dự án đầu tư ra nước ngoài có quy mô từ 25.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước chiếm hơn 7000 tỷ đồng, thì đều phải trình Quốc hội quyết định chủ trương. Trong khi đó, tổng vốn góp của PVN trong dự án này, ước tính lên tới 956 triệu USD và ra mắt từ tháng 6/2010. Tại sao PVN lại không trình xin chủ trương của Quốc hội?

Mất hàng trăm triệu USD vô lý, ai phải chịu trách nhiệm?

Trong vụ ném tiền sang Venezuela này, PVN đã chấp nhận một điều khoản cực kỳ phi lý: Phía Việt Nam phải trả cho Venezuela phí “tham gia hợp đồng” là 1 USD/thùng dầu, và trong vòng 30 tháng, bất kể có dầu hay không, PVN vẫn phải nộp đủ phí này là 584 triệu USD bằng tiền mặt. Ba đợt thanh toán cụ thể như sau: ngày 12/5/2011 (đợt 1) chuyển 300 triệu USD, ngày 12/5/2012 (đợt 2) chuyển tiếp 142 triệu USD và ngày 12/5/2013 (đợt 3) chuyển tiếp 142 triệu USD nữa. Thậm chí, 15 ngày sau thời hạn này, nếu không nộp đủ tiền, toàn bộ cổ phần của PVN trong liên doanh sẽ “tự động chuyển dịch” cho đối tác Venezuela, phía PVN/PVEF cũng sẽ “không được quyền thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư” ở mỏ Junin 2.

Và chuyện gì phải đến cũng đã đến, năm 2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện nốt cam kết, vì nếu có đóng tiếp 142 triệu USD thì cũng không đảm bảo chắc chắn sẽ thu được dầu, chấp nhận mất 442 triệu USD tiền “phí tham gia” và 90 triệu USD tiền góp vốn ban đầu, cùng hàng loạt các chi phí nghiên cứu, tham dò, thuê tư vấn ban đầu, mà cho đến nay vẫn chưa khắc phục xong hậu quả, thậm chí vụ án có nguy cơ bị dấu nhẹm hẳn đi. Và ai phải chịu trách nhiệm về việc làm thất thoát một khoản vốn nhà nước khổng lồ như vậy, trong khi đất nước còn nghèo? Tại sao lại có khoản phí bonus tham gia hợp đồng vô lý này? Câu hỏi tới nay vẫn chưa có lời đáp, hoặc đã bị cố tình dấu nhẹm hẳn đi.

Nên nhớ, chúng ta cũng chỉ đòi được Formosa bồi thường 500 triệu USD cho toàn bộ những thảm họa môi trường mà họ gây ra dọc ven biển miền Trung, tuy nhiên ưu đãi về thuế mà chúng ta giành cho họ cũng trong nhiều năm cũng đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.

(Theo but Danh)