Vì sao Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hạch sách ĐH TÔN Đức Thắng?

Đại học Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn đã trở thành địa chỉ đầu tiên tố cáo cơ quan chủ quản của đại học này là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về chế độ ‘nộp tô’ đến 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế (có thể hiểu là phải nộp đến 30% của phần lợi nhuận ròng sau khi đã nộp thuế).

Đã đến lúc phải xem xét lại việc xóa bỏ cơ chế chủ quản và trung gian vô tích sự của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

Đáng chú ý, thư tố cáo trên đã được gửi đến các cơ quan chức năng, nhưng đó không phải ‘lưu hành nội bộ’ mà được Đại học Tôn Đức Thắng công bố cho báo chí – như một thông điệp sẵn sàng đối mặt với cơ chế đầy bất công và tham lam của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng việc buộc trường phải trích nộp cho Tổng liên đoàn 30% là khoản thu trái với thực tế quản lý và trái với quy định của pháp luật. Đại học Tôn Đức Thắng cũng cho biết Tổng liên đoàn lao động Việt Nam còn có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của nhà trường và trái với các quy định của pháp luật hiện hành như: yêu cầu nhà trường trước khi có chủ trương, quy định quan trọng của hội đồng trường, lãnh đạo nhà trường (nhân sự, đầu tư…) đều phải thông qua cơ quan chủ quản trước khi đưa ra hội đồng trường quyết định.

Đặc biệt, trong vấn đề nhân sự của nhà trường, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam còn yêu cầu nhà trường phải thực hiện phù hợp với các tiêu chuẩn chức danh của công đoàn các cấp, trong đó có vấn đề về nhiệm kỳ hiệu trưởng nhà trường.

Ngay sau phản ứng công khai trên của Đại học Tôn Đức Thắng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã trả đũa bằng cách đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét tính hợp pháp việc phong giáo sư của ông Lê Vinh Danh – hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – và tự phong giáo sư cho giảng viên của trường đại học này.

Tuy nhiên, đại diện của Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định việc công nhận chức danh giáo sư cho ông Danh đã được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng quy trình và thủ tục hiện hành.

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam bị một vố đau điếng từ thư tố cáo của một đơn vị do cơ quan này làm chủ quản. Và cũng là lần đầu tiên một đơn vị cấp dưới như Đại học Tôn Đức Thắng thấm thía về thói hư tật xấu và nạn thù vặt của giới quan chức chủ quản chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động’ là đến mức nào.

Tuy thế, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu hiểu rõ về Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – một trong 6 tổ chức hội đoàn chính trị – xã hội quá quen được ‘ăn’ – ‘ăn từ trên xuống và từ dưới lên.

Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).

Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ: “không ăn cướp thì là cái gì!”.

Nhưng cho tới nay, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vẫn chưa hề minh bạch tài chính, hay nói thẳng là chưa hề công bố con số thu hàng năm từ ‘phí ăn cướp 3%’ là bao nhiêu, chi cho những mục gì và số tiền mà cơ quan này lợi dụng để ‘ăn chơi nhảy múa’ thâm lạm đến mức nào.

Cũng cần chú ý là trùng với thời gian đòi Đại học Tôn Đức Thắng phải ‘nộp tô’, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lần đầu tiên phải đối mặt với nguy cơ ‘đa công đoàn’, hoặc tương lai hình thành công đoàn độc lập do người lao động tự thành lập mà không còn nằm trong guồng máy chi phối của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, và sẽ cạnh tranh sòng phẳng với Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

Hẳn nguy cơ hụt thu trên đã khiến Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, vốn quen ‘ăn’ và tham ‘ăn’, không còn cách nào khác là tróc nã các đơn vị thuộc quyền chủ quẩn của mình như Đại học Tôn Đức Thắng, với mức thu như thể giết người.

Đã tới lúc số thu ‘3% ăn cướp’ trong nhiều năm qua mà ‘thủ phạm’ là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam phải được kiểm toán hoặc thanh tra cấp Chính phủ.

Cũng đã đến lúc phải xem xét lại việc xóa bỏ cơ chế chủ quản và trung gian vô tích sự của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

M.Q.