Nhiệm vụ chính trị là độc quyền sách mà được thua lỗ, là giáo viên phải đi hầu rượu quan chức cấp cao?
Không rõ từ lúc nào, cụm từ “nhiệm vụ chính trị” được sử dụng rồi thành phổ biến trong giới quan chức ở Việt Nam gần đây. Thú thật, nghe quá chói tai! Nội hàm của nó thật quá mơ hồ. Trên thực tế, rất nhiều quan chức đã tùy ý diễn đạt nó theo ý đồ của họ. Điều này rất tai hại vì vô hình trung nó đã tạo ra một công cụ lạm dụng quyền lực cho không ít người.
Đơn cử gần đây nhất là câu chuyện một vị lãnh đạo NXB giáo dục lý giải việc độc quyền sách giáo khoa rồi lỗ 40 tỷ mỗi năm là do nhiệm vụ chính trị. Nhiệm vụ chính trị nào yêu cầu phải ôm độc quyền rồi được phép thua lỗ? Theo quy luật kinh tế, lĩnh vực nào mà độc quyền thì kèm theo đặc quyền và đặc lợi, lỗ là điều không tưởng. Lỗ thì sao không xoá độc quyền, cho đấu thầu, nhiều thành phần kinh tế cùng cạnh tranh in và phát hành SGK? Lỗ mà sao NXB Giáo dục vẫn “ôm cứng” mảng này và lãnh đạo doanh nghiệp thì vẫn ung dung tại vị?
Nhiệm vụ chính trị nào quy định, in nhiều lỗ nhiều như các ông báo cáo, nhưng các ông lại in bài tập để học sinh làm trong sách giáo khoa, đưa đến tình trạng sách năm trước năm sau không dùng được. Mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng phải biến thành giấy vụn. In thì lỗ mà các ông tìm mọi cách để năm nào cũng in thêm. Mâu thuẫn thế? In nhiều lỗ nhiều thì sao in lắm vậy? Đấy là nhiệm vụ chính trị bắt buộc các ông phải tuôn theo sao? Quy định ở chỗ nào, ai quy định, xin các vị chịu khó đưa ra các văn bản để dân đen chúng tôi có thể mở rộng tầm mắt.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ngành giáo dục nhắc đến cụm từ nhiệm vụ chính trị này. Nó dường như thay cho cụm từ “ĐÚNG QUY TRÌNH” mà ngành này dùng để lý giải cho tất cả các sự việc cần lách luật, hay cần một lý do để bao biện. Tôi tự hỏi cái mũ “Nhiệm vụ chính trị” là gì mà nó mang quyền lực ghê gớm thế. Nó có thể ép nhà trường và giáo viên thu đủ tiền bảo hiểm của học sinh 100%, mặc dù trong đó vẫn ghi là tự nguyện bằng không ít công văn cấp trên gửi về từng trường học nhấn mạnh “Đây là nhiệm vụ chính trị nên các trường phải vận động thu đủ”. Hay nó có khả năng điều động hàng loạt cán bộ nữ tham gia hầu rượu (công việc vốn của những người bán thân nuôi miệng) tại các dịp lễ lớn của ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
Chẳng biết người ta dựa vào đâu để bắt giáo viên đi hầu rượu trong khi căn cứ vào điều lệ của trường tiểu học thì giáo viên chỉ có nhiệm vụ làm công tác giáo dục. Đó là trực tiếp giảng dạy và giáo dục đạo đức học sinh. Tự khi nào các cô giáo phải gánh nhiệm vụ của những nhà chính trị vậy? Cũng chẳng có quy định nào buộc các thầy cô phải đi tiếp khách ngay cả khi địa phương có các hội nghị hay các lễ hội lớn…Việc các cô giáo phải đi tiếp rượu khiến tôi liên tưởng tới một cái động mại dâm mà trong đó đứng đầu là ông Trưởng phòng giáo dục Hà Tĩnh và ông Chủ tịch UBND Hà Tĩnh.
Để rộng đượng dư luận và khai thông não trạng cho dân đen không biết những vấn đề vĩ mô, tôi tha thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ giáo dục giải thích sứ mạng của cái gọi là “nhiệm vụ chính trị” mà ngành Giáo dục đang gánh trên vai là gì?
Hiên Anh