Nếu không nói được điều gì tử tế thì hãy im lặng
Vụ án quanh cái chết của bé Lê Hoàng Long bấy lâu nay đã và đang làm thổn thức bao trái tim của người dân chúng tôi.
Bởi thứ nhất vì chạm tới nỗi đau lớn nhất của con người, nỗi đau mà ngàn vạn triệu các nỗi đau khác cộng lại đều ko so đủ, ĐÓ LÀ NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI BỐ NGƯỜI MẸ MẤT CON. Tiếp nữa cùng thời gian còn thêm nỗi đau kêu trời trời không thấu về những bất công xung quanh vụ án.
Người dân chúng tôi bấy lâu đang cùng nhau gào thét trong nỗi đau đòi công lý, và cả trong những giọt nước mắt đớn đau vì cảm thấy mình như đang bị bất lực. Các anh chị có đọc được bên cạnh đó chúng tôi đang trông đợi vào những cứu cánh, những phép nhiệm màu có thể đến để giải tỏa cho chúng tôi nỗi đau và ức chế dồn nén bấy lâu không? Mà dân tình chúng tôi trước đó từng tưởng nhầm một trong những cứu cánh, cho nỗi đau của nhân dân sẽ là các anh chị nhà báo cùng các toà soạn có uy tín bấy lâu nay cơ đấy!
Trước đó cá nhân tôi cũng đã từng trông mong vào lực lượng báo chí rất nhiều. Vì suy nghĩ với lực lượng đông đảo, với nhiều ngòi bút có lý luận sắc bén vì chính nghĩa chắc sẽ sớm có những phóng sự điều tra góp phần lý giải thỏa đáng về vụ án. Nhưng sau đôi ba ngày đầu tiên của vụ án, báo chí hầu như im hơi lặng tiếng.
Bạn bè tôi làm trong ngành báo chí không thiếu, từ sếp tòa soạn tới các phóng viên, thậm chí là bảo vệ… Tôi đã sớm tìm hiểu và đã đủ hiểu vì sao họ phải im lặng. Trước đó khi chưa biết tới “mật lệnh no no”, tôi đã gọi điện hỏi trêu một cô bạn phóng viên khá nổi tiếng ở một tòa soạn uy tín.
Rằng sao chưa thấy cậu có nổi một lời nào liên quan tới vụ án chấn động về bé Long trên fb, chưa có chút thông tin điều tra vụ án nào trên mặt báo vậy? Bình thường cậu xông xáo lắm cơ mà?
Không lẽ lại đợi tới bọn nhà báo nghiệp dư như chúng tớ ra tay rồi các cậu lắp mô tơ chạy theo hả? Bạn đã giải thích và bảo tớ cũng thấy nhục và đau cho nghề và cho mình lắm, nhưng đành chọn cách câm lặng thôi cậu ạ. Mà có viết cho đúng lương tâm, đúng sự thật cũng chả có báo nào dám đăng đâu.
Thế rồi tiếp theo lấp ló đâu đó có vài bài báo đề cập đến vụ án, hoặc chỉ là thoang thoảng xa gần vài tin nhạt nhẽo mà dân tình đã biết thừa trước đó. Nhưng tệ hơn là có một số bài báo được tung ra từ một số toà soạn lớn, một số toà soạn uy tín lại có những thông tin trái với một trong những nguyên tắc chính của báo chí là phải phản ánh trung thực sự việc.
Tệ hại nữa là ngoài phản ánh vụ án thiếu khách quan, thiếu trung thực thì một số nhà báo cùng toà soạn chính thống đã làm cho người dân mất thêm niềm tin vào cái gọi là chính thống. Bởi khi mà ngòi bút được bẻ cong, thì sự việc cần phản ánh từ “câu chuyện” đã biến thành “câu truyện”.
Việc biến tướng sự thật vụ việc, rồi cắt gọt, chỉnh sửa, lắp ghép, thậm chí là bóp méo sự thật đã khiến “mục đích truyền tải” của các anh chị làm dân tình thêm ức chế. Bởi sau những nhào nặn qua ngòi bút của các anh chị, sự thật đã không còn là sự thật. Chính xác nó chỉ có thể tạm gọi là “cái na ná sự thật” mà thôi!
Ngày hôm qua, việc báo chí chính thống đưa tin về vụ bé 3 tuổi bị bỏ quên trên ô tô lại thêm một ví dụ xác thực nhất cho những điều tôi nói trên. Câu chuyện có thật xảy ra vào 13/9 tại Bắc Ninh, một tỉnh thành ngay sát trung tâm thủ đô. Nhưng đến hôm qua 15/9 mới có một số báo chí đưa tin về việc này.
Có vẻ gì đó là hơi “chầm chậm lại mà sống” của báo chí khiến dân thường đặt câu hỏi to tướng. Vì thường những vụ việc như này đến tai báo chí gần như là ngay tức thì, bởi như tôi đã nói rằng bạn bè tôi làm trong ngành báo không ít nên tôi càng dám khẳng định điều này. Các anh chị đã có thời gian dài hơn cần thiết để lên bài.
Khi biết đến câu chuyện bé 3 tuổi trên, không ai là không liên tưởng ngay tới vụ bé 6 tuổi Gate way. Bởi nghe có vẻ kha khá giống nhau, cùng là hình như đều bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh khi đến trường.
Dân tình thêm dịp để so sánh về 2 sự việc trên và chỉ ra rằng bé 3 tuổi cũng 9 tiếng bị bỏ quên trên ô tô như bé 6 tuổi. Rằng cứ cho là cùng bị bỏ quên trên ô tô, bé 3 tuổi còn không chết thì lý gì bé 6 tuổi bị chết? Nhất là với một bé thông minh, nhanh nhẹn và đã từng có rất nhiều hoạt động thể chất cùng kỹ năng như bé Long.
Thế là sau đó “câu chuyện” về việc bé 3 tuổi bị bỏ quên trên ô tô có vẻ lại được biến thành “câu truyện” bởi một số bài báo bị gỡ xuống, hoặc là được chỉnh sửa lại để cần cho “mục đích cần truyền tải nào đó”. Từ việc bé bị bỏ quên 9 tiếng xuống thành 6-7 tiếng. Có bài báo còn sửa lại là bé có thể bị bỏ quên 1-7 tiếng.
Rồi nào là ngày hôm đó tiết trời mát mẻ, nào là xe ô tô được để trong bóng râm. “Chi tiết đặc biệt” hơn nữa là kính ô tô được hạ xuống 10cm, hay hài hước hơn nữa là cửa xe hé mở… Dân tình chúng tớ rút kinh nghiệm vụ Gate way rồi nhé, chúng tớ không ít người chụp lại được hết các nội dung ban đầu các cậu đưa ra rồi…
Tác giả Sen Trang
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, không phải của BBT!
Những chi tiết về vụ bé bị bỏ quên trong xe ở Bắc Ninh là hoàn toàn như bạn Sen Trang viết. Khuya hôm đó bài lên thì hoàn toàn không có các chi tiết như: kính ô tô được hạ xuống 10cm, hay từ 9 tiếng rút xuống thành 6-7 tiếng….Những chi tiết đó chỉ được đưa ra sau khi cộng đồng mạng so sánh 2 vụ với nhau.