Nếu không qui định cụ thể về nồng độ cồn tối thiểu trong hơi thở và trong máu, sẽ có nhiều người bị vạ oan

Khi Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật rượu bia, một số người đã có ý kiến về việc qui định nồng độ cồn tối thiểu trong hơi thở và trong máu. Thế nhưng dường như những ý kiến này điều bị gạt phăng. Đến nay bộ Luật này có hiệu lực, thì có khối chuyện dở khóc dở cười. Dư luận cho rằng nếu không qui định cụ thể về nồng độ cồn tối thiểu trong hơi thở và trong máu mà lấy số 0 là tuyệt đối, sẽ có nhiều người bị vạ oan.

Việc tăng mức xử phạt với các hành vi uống rượu bia rồi lái xe là rất cần thiết, có như thế mới tập cho người dân thói quen biết ngại biết cân nhắc trước khi ngồi vào bàn nhậu.

Mức xử phạt cao nhất áp dụng với ô tô là 30- 40 triệu đồng, tước bằng 22- 24 tháng và mức xử phạt cao nhất áp dụng với xe máy là 6- 8 triệu đồng, tước bằng 22- 24 tháng. Thật ra mức phạt này, so với nhiều quốc gia thì chưa ăn nhằm gì…Ở Anh rơi vào khoảng 5.000 Bảng, ở Pháp rơi vào khoảng 4.500 Euro với vi phạm lần đầu, ở Singapore rơi vào cỡ 5.000 đô Sing. Phạt nặng thế này để răn đe, ngăn chặn bớt phần nào tình trạng uống rượu bia rồi lái xe. Thậm chí, nên xử phạt lao động công ích người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao cũng là điều nên làm.

Trước đó, theo Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ Số 23/2008/QH12, ngày 13/11/2008 quy định người điều khiển xê ô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn VƯỢT QUÁ 50 miligram cồn/100 mililit máu hoặc 0,25 miligram cồn/1 lít khí thở sẽ bị xử phạt theo quy định. Nhưng nay Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ra đời, chỉ cần có nồng độ cồn với người tham gia giao thông là xử phạt, thậm chí nồng độ cồn đó KHÔNG VƯỢT qua mức tối thiểu mà Luật GTĐB đã ban hành.

Thế nhưng trong thực tế là không phải cứ uống bia rượu là sẽ ảnh hưởng đến hành vi lái xe, mà cần một mức độ nhất định mới làm ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe. Chính vì điều này nên có đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới họ không áp dụng con số 0 tuyệt đối mà họ vẫn quy định một ngưỡng cụ thể mà khi nồng độ cồn đo trong máu hoặc khí thở của tài xế vượt quá ngưỡng đó thì mới áp dụng chế tài xử phạt. Ngưỡng này ở Mỹ và Anh là 0.08% máu, ở Pháp là 2g/l máu đối với người mới cấp bằng dưới 3 năm và 8g/l máu đối với người được cấp bằng trên 3 năm, ở Singapore ngưỡng này là 0.35mg/l khí thở.

Còn tại Việt Nam là số 0 tuyệt đối. Bình thường một số loại thức ăn và trái cây, sau khi ăn vào, thì hơi thở và máu sẽ có một nồng độ cồn nhất định. Còn đối với một số người, những vi khuẩn trong cơ thể cũng làm cho hơi thở và máu luôn có một nồng độ cồn nhất định. Do vậy, nếu không có những qui định cụ thể về nồng độ cồn tối thiểu trong hơi thở và trong máu, mà căn cứ vào số 0 tuyệt đối sẽ có nhiều người bị vạ oan. Sẽ có một số người, dù chẳng bao giờ đụng đến bia rượu, nhưng cứ gặp CSGT là phải chung chi, thì rất là oan ức.

Luật Giao thông đường bộ là loại luật mà cần có tương đồng rất lớn giữa các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới để công dân của quốc gia này có thể dễ dàng hòa nhập khi đi du lịch hay công tác ở quốc gia khác. Vì vậy khi xây dựng Nghị định hay sửa đổi bổ sung luật thì phải tham khảo thế giới và xây dựng theo hướng hòa nhập chứ không nên làm một mình một kiểu mà thiếu căn cứ trên cơ sở khoa học nào.

Các cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời nên tổ chức nghiên cứu ngay về việc ” ăn hoa quả hoặc uống nước có ga, có làm tăng nồng độ cồn hay không”….Từ đó có những quy định về nồng độ trong hơi thở và trong máu cho sát với thực tế. Nếu không, chắc chắn sẽ có nhiều hệ lụy…Bởi lẽ, không ai có thể chấp được khi uống lon nước có ga, hoặc ăn trái cây mà lại thành…uống bia, rượu.

Còn cái ông Vụ phó Vụ ATGT, Bộ GTVT Hoàng Thế Tùng chính là người tham mưu cho Nghị định 100 nói rằng hình phạt là cần thiết, cho dù ăn hoa quả thức ăn thì nồng độ cồn vẫn là nồng độ cồn. Ông khuyên người dân nên tìm hiểu các loại thức ăn nào có nồng độ cồn để tự điều chỉnh, thì tốt nhất ông nên nghiên cứu thêm để tham mưu bằng con số cụ thể, đừng để dân không phải mệt mỗi vì bêu rếu tên ông nữa!

Thiết nghĩ, việc ngăn chặn tác hại của rượu bia là rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay nhưng khi xây dựng luật, nghị định thì cần phải dựa theo ý kiến đa chiều, phải tham khảo các luật tương đồng ở các quốc gia khác, đặc biệt phải có cơ sở khoa học. Xây dựng luật mà chỉ dựa vào ý chí cá nhân, của một người hay một nhóm người ngồi phòng lạnh, đi xe biển xanh sẽ dẫn đến hậu quả là luật vi hiến, bị phản đối và phải sửa luật liên tục. Từ đó xã hội sẽ coi thường những người làm luật và không tin tưởng vào hệ thống luật pháp. Và đó cũng là mầm mống của thời mạt pháp.

Khánh Lâm