Rút tiền túi Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh: Khó cũng cứ làm!

Bộ Nội vụ hiện đang lấy ý kiến dự thảo nghị định thay thế nghị định 21/2010 và nghị định 110/2015 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức từ nay đến ngày 7/2/2019. Trong dự thảo, quy định người đứng đầu phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng số biên chế công chức đang thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.

“Cụ thể hóa bằng tiền” trách nhiệm của người đứng đầu trong tinh giảm biên chế

Quy định nói trên được cho là xuất phát từ rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội rằng tình trạng vượt biên chế thường xuyên xảy ra nhưng trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng vượt biên chế như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ.

Từ đây, Bộ Nội vụ đã đề xuất thêm quy định người đứng đầu phải bồi hoàn kinh phí vượt biên chế ngoài việc chỉ xử lý kỷ luật cán bộ như trước đây.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị quy định trách nhiệm của bộ trưởng, quản lý ngành, lĩnh vực trong ban hành thông tư hướng dẫn xác định định mức biên chế công chức trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thuộc phạm vi quản lý ngành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ. Việc này nhằm phù hợp với thực tế và rõ trách nhiệm của bộ quản lý ngành.

Rõ ràng, nếu dự thảo lần này được thông qua, đây sẽ là một bước tiến lớn trong quyết tâm tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy của Nhà nước.

Thực trạng kỷ luật chưa đủ sức răn đe!

Trước hết, phải khẳng định rằng mọi vấn đề phát sinh liên quan đến biên chế, nhân sự của một cơ quan, tổ chức đều phải thông qua sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó. Dù ít, dù nhiều, lãnh đạo cơ quan, tổ chức không trực tiếp chỉ đạo thì cũng phải xuất hiện tên trên mục chữ ký tại văn bản tuyển dụng, bổ nhiệm.

Tuy nhiên, thực tế là tại nhiều nơi, nhiều chỗ, người đứng đầu rất thiếu trách nhiệm trong việc sắp xếp, tổ chức cán bộ tại cơ quan mình. Thậm chí, một số cán bộ lãnh đạo còn dùng quyền lực của mình để làm sai lệch công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ nhằm tư lợi cá nhân.

Hãy nhắc đến tỉnh Thanh Hóa, một địa phương “có tiếng” với hiện tượng “lạm phát cấp phó” và “nâng đỡ không trong sáng”. Nhiều cơ quan tại tỉnh Thanh Hóa rơi vào tình trạng thừa biên chế nghiêm trọng mà chung quy cũng chỉ do lãnh đạo đứng đầu.

Chưa hết, tình trạng ấy tiếp diễn nhiều năm không thể chấm dứt lại vì một lẽ, tỉnh này có kỷ luật cũng gần như không! Hãy xét đến trường hợp ông Ngô Văn Tuấn – cựu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa – sau khi bị cách hết chức vụ vì để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng. Tháng 4/2018, ông Tuấn lại được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phân công về làm việc tại Ban chỉ đạo về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Ban chỉ đạo) với chức danh Tổ trưởng, ủy viên trực Ban chỉ đạo. Một người từng bị kỷ luật, cách hết tất cả chức vụ nay lại được làm lãnh đạo ở một Ban chỉ đạo mới thành lập như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Như thế bảo sao công tác cán bộ của Thanh Hóa xảy ra nhiều tiêu cực. Dường như, mọi hình thức kỷ luật đều thiếu tính răn đe với những cán bộ nơi đây.

Phải đánh vào tiền túi…

Vẫn là câu chuyện “lạm phát cấp phó” hay “nâng đỡ không trong sáng” của Thanh Hóa. Nếu trong những trường hợp như vậy, ngoài việc xử lý kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền, những người vi phạm phải đền bù thiệt hại cho ngân sách thì mọi chuyện có thể đã khác.

Thử nghĩ xem, ngân sách đang phải “gồng gánh” trả lương sai cho biết bao nhiêu cán bộ cấp phó bị thừa, trả lương “khống” cho những trường hợp được ưu ái nâng đỡ không trong sáng thì thật vô lý. Những người trực tiếp, gián tiếp gây ra lỗi sai thì vẫn ung dung hưởng lương, bị kỷ luật thì rồi vẫn có cách “đi đường vòng” trở lại làm lãnh đạo. Đã đến lúc những người như thế phải tự bỏ tiền túi của mình ra để bù đắp cho lỗi sai của họ.

Đánh vào tiền túi lãnh đạo như vậy, trước mắt mỗi lãnh đạo là gánh nặng phải đền bù tiền ngân sách thiệt hại cho tất cả những trường hợp thừa biên chế, tuyển dụng sai quy trình,… thì hẳn là đố ông cán bộ lãnh đạo nào dám thiếu trách nhiệm được nữa. Cứ thiếu trách nhiệm là ảnh hưởng đến lương, ảnh hưởng đến tài sản cá nhân. Làm được như vậy, là đã đánh trúng vào tư tưởng tư lợi cá nhân của nhiều người.

Chắc chắn rằng, quy định đánh vào tiên túi của những người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu để xảy ra vi phạm về biên chế sẽ nhận được những phản hồi nhất định từ phía đội ngũ cán bộ lãnh đạo hiện nay. Tuy nhiên, một quy định thấy trước được hiệu quả lớn như thế, thì khó mấy cũng phải hiện thực hóa.

Chưa dừng lại ở đó, nếu có thể phân tích cụ thể, chi tiết từng trường hợp, việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại các cơ quan, tổ chức không chỉ do người đứng đầu mà có sự tham gia của bộ phận tham mưu, tổ chức cán bộ. Nếu trực tiếp đánh vào trách nhiệm của tất cả những nhóm người này, buộc họ chịu trách nhiệm chung thì lại càng tạo được sức răn đe lớn hơn.

Cuối cùng, trước sự cấp thiết của thực tế biên chế càng tinh giảm, càng phình to, thì mọi biện pháp mạnh tay càng phải được hiện thực hóa. Sớm ngày nào, nhanh ngày nào càng hiệu quả tốt ngày ấy…

(Theo But Danh)