Buồn thay “Con ông cháu cha” khó xử lý chỉ vì lý do “chẳng bao giờ đụng chạm đến ai”

Tổng Giám đốc Đà TP-TH Hà Nội đã phải thốt lên thực trạng của đơn vị mình quản lý: “Có đến 40% nhân sự của Đài thuộc diện con ông cháu cha, con ông nọ cháu bà kia. Họ không làm được việc nhưng không có lý do gì để sa thải chỉ vì họ chẳng bao giờ đụng chạm đến ai”.

Trong thực tế chúng ta đều nhìn thấy là bộ máy nhà nước đã phình to, cồng kềnh, nhưng kém hiệu quả. Nhưng không phải lúc nào việc nhìn thấy cũng cho thấy có thể xóa bỏ, tinh giảm trực tiếp những đối tượng đó. Như ở Đài TH-HN là một minh chứng, có tới 40% cán bộ, nhân viên là “con ông, cháu cha” có năng lực yếu kém trong cơ quan, nhưng rất khó để xóa bỏ được.

“Chữ tài liền với chữ tai một vần” còn ở cơ quan nhàn nước thì chữ con lại gắn với “ông nọ, bà kia”

Ngày 3/7, phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành đảng bộ TP. Hà Nội, Tổng giám đốc Đài PT-TH Hà Nội Tô Quang Phán đã phải nói lên trăn trở trong lòng bao lâu nay: “Trong cơ quan này, hiện có hơn 719 người, gồm hơn 500 biên chế, 200 hợp đồng. Trong 500 biên chế ấy có gần 140 người là cán bộ chủ chốt. Trong hơn 700 người làm tại Đài PT-TH Hà Nội chỉ có khoảng 60% đủ năng lực làm việc tốt, còn lại 40% yếu kém. Trong 40% cán bộ này cũng không bỏ được, không loại được vì là con ông này, cháu bà kia từ T.Ư trở xuống thành phố”.

Thực tế ở nhiều cơ quan nhà nước trên các tỉnh, thành phố, khâu nhân sự đang là một vấn đề vô cùng khó giải quyết, bởi luôn có sự “gửi gắm”, “tấm chắn” và can thiệp của những bàn tay vô hình. Vậy nên, tình trạng bổ nhiệm con cái, cháu chắt vào các chức danh quan trọng, dù cho năng lực và phẩm chất vô cùng yếu kém.

Hơn hết, việc “nhồi nhét” người này người kia vào “cửa quan” đã cho thấy việc miệng thì nói tinh giảm, nhưng thực chất thì bộ máy nhà nước, cơ quan công quyền chỉ có phình to chứ hoàn toàn không nhỏ lại.

Một vấn đề khác, cũng được Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội nêu lên, đó là số lượng cán bộ của cơ quan có bằng cấp thì nhiều, thậm chí có thể được nói là vô cùng “hoành tráng”, nhưng khi đi vào làm việc thì hiệu quả chẳng ra sao.

Ông Tô Quang Phán nói: “Có những người đi học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có ba bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được gì… Tôi thấy ở cơ sở xuất hiện lớp lãnh đạo rất nhiều bằng nhưng không biết làm gì cả”.

Câu chuyện “tú tài hư danh” không chỉ có riêng ở Đài PT-TH Hà Nội là ngoại lệ, mà đây cũng là chuyện của không ít trong cơ quan, đơn vị nhà nước từ trung ương tới địa phương. Một vấn đề không hề mới, bởi từ lâu nay, trong bộ máy nhà nước có ít nhiều cán bộ, công chức nhà nước là những người không đủ năng lực làm việc, làm việc không hiệu quả thỏa sức “tồn tại” kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Vì sợi dây móc nối quan hệ họ hàng, người thân trong một cơ quan tồn động quá lớn mà sẽ dẫn đến tình trạng “anh giúp con tôi, tôi giúp cháu anh”. Do đó, muốn đuổi việc một người không làm được việc, thiếu tránh nhiệm thì người quản lý sẽ rơi vào cái bẫy “vuốt mặt nể mũi”, “ô dù” che đỡ cho nhau.

Ngại đụng chạm, nên người có trách nhiệm quản lý rất khó có thể có đủ dũng khí để thực hiện những điều mà Đảng, Nhà nước và pháp luật đã đề ra, quy định cụ thể, rõ ràng.

Cuối cùng, người chịu thiệt nhất lại chính là nhân dân, khi người dân phải làm việc với những “ông quan, bà quan” thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém. Ngân sách nhà nước sẽ phải chịu một khoản gánh nặng lớn, trong khi hiệu quả thì chẳng có một chút xứng đáng với đồng tiền đó.

Công chức, viên chức địa phương yếu kém thì nhân dân biết “nương nhờ” vào ai?

Thực tế thì, tại Khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp Viên chức có 2 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ.

Nhưng thực tế thì ở cơ quan nhà nước hiện nay vẫn xảy ra tình trạng “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Rồi vấn đề là có ai dám làm hay không, khi sờ vào đâu cũng thấy “đụng chạm”, vướng mắc mối quan hệ. Còn nếu loại bỏ những người tài giỏi, có năng lực, làm được việc, thì hiệu quả công việc nhà nước sẽ dành cho ai? Cho những người mà “nhiệt tình cộng ngu dốt” thì Lê-nin gọi đó chỉ là những kẻ “ăn tàn phá hoại”.

Từ con đường quan lộ được “bệ đỡ”, “nâng đỡ” mà một số cán bộ trẻ hiện nay đã có sự trưởng thành “thần tốc” giống như “diều phải gió” một cách kinh ngạc. Để rồi mới đây thôi, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề quan trọng là: Làm thế nào để “khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền hay thân quen, cánh hẩu?”.

Nỗi trăn trở của người đứng đầu hệ thống Đảng có phải bây giờ mới được đặt ra, mà trong hơn 20 năm qua thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII về “chiến lược cán bộ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và những Nghị quyết về luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý đã được thực hiện liên tục qua các năm.

Hiệu quả thì cũng có, cũng đạt được những thành tựu tích cực, nhưng sự hạn chế, yếu kém thì cũng không phải là ít. Nhất là khi ở những cơ quan nhà nước, những cán bộ, lãnh đạo cố tình phớt lờ đi những Nghị quyết đó, để bổ nhiệm người nhà, người thân quen vào bộ máy.

Hội nghị Trung ướng 7 đã kết thúc bằng việc nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Đây có thể được xem là nguyên tắc quan trọng trong đường lối cán bộ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; là cơ sở xây dựng được đội ngũ cán bộ không những “vừa hồng”, “vừa chuyên” mà còn “có đức”, “có tài”, để đóng góp cho bộ máy nhà nước và đất nước.

Đã đến lúc Nghị quyết Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp cần đi vào hoạt động sâu rộng. Và cũng “Đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại công tác bổ nhiệm, đừng để xã hội phải giễu cợt bằng “5c” (con cháu các cụ cả) và “6 ệ” (tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ)”, như Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã nói.

Một quốc gia phát triển và thịnh vượng, thì phải có sự bình đẳng cho mọi người, cơ chế đào thải tự nhiên sẽ được đánh giá bằng năng lực cán bộ, chứ không phải là bằng người đứng sau là “ông nọ, bà kia”. Cơ quan nhà nước phải là nơi “đầy tớ” phục vụ nhân dân, chứ không phải là nơi nhân dân quy phục “đầy tớ” và là nơi họ hàng, người thân “gặp nhau”…

Theo Bút Danh