Mặc sai phạm ngổn ngang ở BOT và cao tốc, Bộ trưởng Thể xuống đường tuyên truyền đội nón bảo hiểm!
Thời điểm kết thúc năm 2018 đã cận kề, những vấn đề nóng rẫy của ngành giao thông vẫn chưa được vi tư lệnh ngành xử lý triệt để, liệu Bộ trưởng có tâm tư?
Sáng 24/12, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp “xuống đường”, gặp những phụ huynh chở con tới trường không đội mũ bảo hiểm tại ngã tư Nguyễn Thái Học – Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) để tuyên truyền việc đội mũ bảo hiểm.
Tôi không thể quên được hình ảnh Bộ trưởng Thể đứng cạnh các vị phụ huynh, các em học sinh tuyên truyền việc chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ, tặng cho họ phiếu mua mũ bảo hiểm đạt chuẩn, và hướng dẫn sử dụng mũ đúng quy cách để đảm bảo an toàn. Và xung quanh – không thể thiếu – là hàng chục máy ảnh, máy quay phim…
Hình ảnh tư lệnh ngành Giao thông sẽ thật đẹp, nếu tôi không bất chợt nhớ đến những điểm nóng của ngành năm qua. Nếu người dân được bình chọn 10 sự kiện đáng chú ý nhất của ngành – có sự kiện nào tươi sáng?
Cách Hà Nội hơn 1.800 km, BOT Cai Lậy – Tiền Giang thành điểm nóng khi hàng trăm tài xế tụ tập, đếm từng đồng tiền lẻ 500 đồng, 200 đồng, 100 đồng để phản đối việc thu phí qua trạm. Tròn 1 năm qua đi từ khi Bộ trưởng Thể khẳng định “không tư túi ở BOT Cai Lậy”, mọi phương án xử lý đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chủ đầu tư trót bỏ tiền làm đường giờ đành “ngậm đắng”, người dân vẫn nơm nớp gom giữ đống tiền lẻ, lo sợ một ngày trạm thu phí trở lại. Chắc Bộ trưởng Thể ít về Tiền Giang, nên quên mất “việc năm nay chớ để năm sau”.
Cách Hà Nội hơn 1.700km, tuyến Metro số 1 ở TP.HCM được phê duyệt đầu tư cách đây cả thập kỷ đến nay vẫn trơ khung sắt, từng khối bê tông lừng lừng treo trên đầu người dân, đội vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến cả đại sứ Nhật Bản cũng đã viết tâm thư gửi các cấp chính quyền, tiết lộ số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11).
“Các doanh nghiệp Nhật sẽ dừng thi công dự án metro Bến Thành – Suối Tiên nếu Việt Nam không thanh toán tiền cho một số hạng mục đã hoàn thành” – vị đại sứ cảnh báo. Chắc do khoảng cách hai đầu Bắc – Nam, Bộ trưởng Thể chưa có thời gian xử lý.
Cách Hà Nội gần 1.000 km, cao tốc 34.500 tỷ Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa thông xe đã đầy rẫy ổ voi, ổ gà, cứ vá xong lại thủng. 15 bác nông dân chạm tuổi lục tuần ròng rã 4 năm trời ôm đơn đi kiến nghị điều tra sai phạm của chủ thầu thi công mà không ai thấu. 15 chữ ký – chỉ có 3 chữ ký nhìn có vẻ của người thường xuyên cầm bút, còn 12 nét vẽ nguệch ngoạc – ắt hẳn từ bàn tay của những con người thường cầm cày, cầm cuốc ngoài đồng. Đau lòng đến chừng nào, khi được hỏi lý do vì sao đơn kiến nghị lại đánh máy 2 mặt, lại gần tràn ra mép giấy, họ chỉ nói “do đơn gửi đi nhiều nơi nên phải tiết kiệm”. Chắc Bộ trưởng ở xa nên không nhận được đơn.
Ở giữa Thủ đô Hà Nội, tưởng chừng mọi chuyện sẽ khác.
Nhưng mấy ngày nay, cách trụ sở GTVT chỉ chừng 20km, hàng chục người dân phải dựng lán trại ngay cạnh trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài chỉ vì câu chuyện muôn thuở: Phản đối thu phí. Chủ đầu tư là Vietracimex đã trải qua điệp khúc “thu – xả” liên tục từ hơn một tuần qua, “cầu cứu” Bộ cử thanh tra giao thông đến để đảm bảo việc thu phí.
Dân bức xúc, chủ đầu tư cầu cứu, nhưng Bộ trưởng Thể đang bận xuống đường tuyên truyền việc đội mũ bảo hiểm, chỉ có thể chỉ đạo các cấp dưới, chủ đầu tư phải đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 25/12.
Thời điểm kết thúc năm 2018 đã cận kề, những vấn đề cần giải quyết ngay của Bộ trưởng vẫn còn chất đống, liệu Bộ trưởng có tâm tư?
Còn nhớ, khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh hồi cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể là một trong 2 người có chỉ số tín nhiệm thấp nhất trong danh sách 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Xuống đường nhắc đội mũ bảo hiểm e rằng khó khiến chỉ số này tăng lên…
Một công dân thường xuyên đội mũ bảo hiểm.
(Theo Nguoi Dua tin)