Hiệu trưởng THCS Bạch Đằng: Ai cũng gù, mình thầy thẳng lưng nên thầy khác biệt?
Cộng đồng mạng mới đây đã phải trầm trồ thán phục thầy Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng, nơi cây đổ đè chết 1 học sinh vì thầy đã thẳng thắn nhận “Cây đổ trong trường là trách nhiệm của tôi” dù vẫn có thể loanh quanh, né tránh. Chuyện thầy Phúc nhận lỗi nhẽ ra là bình thường bỗng trở nên “bất thường” là vì lý do gì? Vì người ta đã quá quen với kiểu “đổ lỗi, đổ thừa” trong xã hội quá nhiễu nhương của hiện tại? Nên việc thầy Phúc thẳng lưng giữa một đám người gù, khiến thầy thật khác biệt và đáng kính?
Nói nào đâu xa, cũng mới đây thôi, khi cháu Mai Tuấn Thiên Thanh, học sinh lớp 1, trường tiểu học Quang Trung (Hải Phòng) phải đứng ngoài trời nắng như đổ lửa, không được vào trường vì không học bán trú. Mặc dù nhà trường sau đó đã thừa nhận hành động sai nhưng cuối cùng, lãnh đạo của tỉnh và nhà trường lại đổ vấy vấy hết trách nhiệm lên cô bé mới có 6 tuổi: “cháu tự ý đi ra ngoài cổng trường đứng giữa trời trưa hè nắng oi nồng bức bối!?”. Chưa cần biết rốt cuộc có hay không chuyện mẹ cô bé dàn dựng vụ việc, nhưng việc những người thầy, lãnh đạo đổ hết tội đồ lên một đứa trẻ đủ hiểu họ vô trách nhiệm, vô nhân tính như thế nào.
Hai câu chuyện một về đổ cây ở trường Bạch Đằng và một về sao đỏ đuổi học trò phơi nắng của một trường ở Hải Phòng. Dù chuyện phơi nắng không quá lớn nhưng cách hành xử của những người đứng đầu trường cho thấy từ chuyện nhỏ nhặt nhất họ cũng cố “cãi chày cãi cối” cho bằng được, vậy chuyện lớn hơn họ sẽ đùn đẩy thế nào?
Vụ học sinh tử vong lại nhắc nhớ đến trường hợp thương tâm của bé Lê Hoàng Long học tại trường quốc tế Gateway. Dù là học sinh của trường, người ta chưa một lần thấy Hiệu trưởng Gateway lên tiếng, hay cùng lắm là “lên tiếng để đùn đẩy trách nhiệm” cũng không. Một sự im lặng vô cảm đến đáng sợ. Để rồi cuối cùng, chỉ những con người thấp cổ bé họng đứng mũi chịu xào toàn bộ trách nhiệm, trong khi người nhẽ ra phải chịu trách nhiệm lại không một lần thấy mặt.
Còn thầy Phúc, thầy chỉ nói một câu đủ thấy cái tâm của ông dành cho học sinh và nhân cách chính trực của một người thầy, một người đứng đầu trước vụ việc đau lòng: “Trách nhiệm thuộc về nhà trường, ở đây với tư cách hiệu trưởng tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất”.
Hình ảnh khuôn mặt méo mó đầy đau xót và phát ngôn của thầy thật sự gây sốc. Sốc cũng phải thôi, bởi người ta còn nhớ như in trong đầu hình ảnh chủ mưu Nguyễn Quang Vinh (Cựu Trưởng phòng khảo thí, Sở GDĐT Hòa Bình) rạng rỡ giơ cao ngón tay chữ V (Victoria = Chiến thắng) sau khi rời phòng xét xử dù vừa bị tuyên 8 năm tù trong vụ nâng điểm thi ở Hòa Bình, khoảnh khắc phản ánh trần trụi nhất toàn bộ vụ bê bối. Cùng nhiều gương mặt rạng rõ, những nụ cười, mang còng số 8 vẫn vẫy tay như người hùng của những người làm giáo dục như muốn thách thức, nhạo báng hệ thống luật pháp!
Bởi vậy, việc thầy Phúc đứng ra chịu trách nhiệm lẽ ra sẽ là điều hết sức bình thường trong một xã hội văn minh và quan chức tử tế. Nhưng lại trở thành bất thường vì lâu lắm rồi, đặc biệt quá khi người thầy nhận ngay trách nhiệm về cái chết thương tâm của trò mình khi mà ông có thể viện nhiều lý do khác. Có lẽ ” Ai cũng gù, mình thẳng lưng” lại thành khác biệt!
Không chỉ giáo dục mà khá nhiều lĩnh vực, người ta luôn trốn trách trách nhiệm khi thất bại hay lỗi lầm. Bởi vậy khi một người đứng ra nhận trách nhiệm tất cả cho một việc nhẽ ra mà họ không hề liên quan đủ thấy ông ấy dũng cảm như thế nào. Phải chăng lòng tự trọng của người lãnh đạo, người thầy không chỉ có trách nhiệm dạy con chữ mà cả nhân cách, không cho phép ông thoái thác chối bỏ! Tin rằng, những học sinh dưới mái trường của thầy cũng là những mầm non sáng giá của tương lai.
Hình ảnh của thầy Phúc thật sự đã vớt vát đi phần nào những thất vọng, xua tan đi những đám mây u ám đang bủa vây không chỉ ngành giáo dục mà nhiều bộ ngành khác. Nhận lỗi, nhận trách nhiệm thôi đã là đi ngược với đám đông rồi, có lẽ trong con mắt của người dân thầy Phúc thật đáng nể, đáng kính, nhưng trong mắt nhiều quan tham, nhiều người thầy biến chất, thầy Phúc quá dị thường, và những người như thầy không thể đứng chung một hàng ngũ? Thế mới nói, thầy Phúc không chỉ can đảm một, mà là can đảm mười, bởi ông quá khác biệt!
Theo Tâm bão