Có hay không đường dây “vượt biên” qua đường chuyên cơ lãnh đạo?

Dư luận dậy sóng trước thông tin 9 người đi cùng đoàn đại biểu cấp cao sang Hàn Quốc bỏ trốn, nay dư luận càng dậy sóng hơn khi ông Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng 9 người bỏ trốn chỉ là “đi nhờ”.

Theo báo Thanh Niên dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội: “9 người này không thuộc thành phần đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam mà thuộc đoàn của Diễn đàn đề nghị đi nhờ chuyên cơ sang kia”.

Theo ông Phúc, những người bỏ trốn “không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không được cấp visa ngoại giao”. “Toàn bộ sinh hoạt đi lại, ăn ở khách sạn chúng tôi cũng không biết vì đều do Bộ KH-ĐT lo”, ông Tổng thư ký cho biết thêm.

Khi bị lôi vào cuộc chơi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, trong cùng ngày, trả lời với báo giới rằng Bộ này đã “làm hết trách nhiệm” trong việc chọn lọc những người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội.

Trước thông tin trên, doanh nhân Lê Hoài Anh, người từng có kinh nghiệm tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trong một chuyến công tác sang Nhật cho rằng: “Đó là chuyên cơ chứ có phải tàu chợ đâu mà nói thế. Nếu là chuyên cơ thì từng người một đều mang danh nghĩa là thành phần của đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc. Tôi nghe như thế thì thấy rất buồn cười. Không thể nào nói như vậy được. Rất coi thường dư luận”.

Theo bà Hoài Anh các doanh nhân muốn đăng ký đi tháp tùng nguyên thủ phải là những gương mặt nổi bật trong các lĩnh vực thương mại liên quan tại quốc gia điểm đến, và họ phải đóng tiền mua vé máy bay như khi đi máy bay thương mại.

Không phải ai cũng có thể lên chuyên cớ tháp tùng cùng lãnh đạo, quá trình xét duyệt khá chặt chẽ. Phải đăng ký tham gia vào đoàn tháp tùng đều phải trải qua các thủ tục quy định về kiểm tra lý lịch và an ninh, vốn do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI phụ trách. Rồi thêm sự quản lý của Bộ KHĐT. Như vậy tại sao qua các vòng xét duyệt như thế mà vẫn còn tình trạng “con voi lại có thể chui qua lỗ kim”?

Trước những lời giải thích trên của người đại diện QH, nhiều người cảm thấy nghi ngờ và không thiết phục. Dư luận nghi ngại có hay không một đường dây “vượt biên” qua đường chuyên cơ, và đâu là động cơ thực sự của những người đã bỏ trốn?

Thiết nghĩ chẳng có một quan chức, một tuỳ tùng nào lại chấp nhận sống chui tại nước bạn. Bởi vì đã có mặt trên chuyến bay cấp ngoại giao quốc gia, đương nhiên họ có cuộc sống tốt đẹp hơn hàng triệu con người.

Như vậy có nghĩa là kẻ nào đó đã lũng đoạn, mượn Quốc Hội làm phương tiện để đưa người sang nước bạn. Kẻ nào đó đã đặt một đường dây “buôn người” ngay trong cơ quan quyền lực tối thượng nhất của quốc gia. Để hôm nay quốc gia gằm mặt nhục nhã với thế giới. Nếu đúng là có đường dây như thế, thiết nghĩ các cơ quan chức năng phải điều tra thật kỹ vụ này, để chấm dứt ngay đường dây làm nhục quốc thể này. Còn nếu đây không phải là đường dây “xuất khẩu người chui” mà là chiêu cài cắm tình báo của nước ta, thì xin bái phục. Bái phục.

(Nguồn: Bão lửa)