Chua xót khi nghe cán bộ giáo dục nói “Ai cũng gù, thẳng lưng là khuyết tật”: Khi điều đúng bị coi là khuyết tật!

“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” là câu nói của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình. “Thẳng lưng” được hiểu là những điều đúng, điều tốt, những người tốt mà lại bị coi là dị biệt, là khuyết tật thì quá đau xót.

Đau xót hơn, cái tư duy “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” lại xuất phát từ một số người làm trong ngành giáo dục với sự nghiệp trồng người. Nếu những học sinh, thế hệ trẻ cũng bị “đầu độc” bởi tư duy này thì còn ai dám làm người tốt, còn ai dám sống “thẳng lưng”.

Tư duy “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” cũng khiến cho góc nhìn về những điều tốt bị lệch lạc. Đó là câu chuyện về những hộ dân tình nguyện trả lại tiền hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ lẽ ra phải được nhanh chóng biểu dương thì cũng bị cho là “có vấn đề” để rồi Chính quyền xã phải lên tiếng khẳng định không hề có chuyện ép buộc hay vận động lấy thành tích.

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên nói tại toà: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng thành khuyết tật. Ảnh Công an cung cấp

Khi cái tốt bị coi là khuyết tật, cá biệt cũng khiến người dân e dè trong việc tố cáo những tệ nạn, hành vi xấu trong xã hội. Đó là câu chuyện về đường dây giang hồ Đường Nhuệ lộng hành tại Thái Bình nhiều năm trời, gần đây mới bị bóc gỡ. Hay đường dây Loan “cá”, Tuấn “cá” tiến hành bảo kê, trấn lột các tiểu thương ở chợ tạm tại Đồng Nai trong một thời gian dài dưới sự im lặng của chính những tiểu thương vì ít người dám “thẳng lưng”.

Làm một việc gì đó cần nhờ vả, giúp đỡ thì nghĩ ngay đến cái phong bì. “Nếu không đưa phong bì thì tự thấy có điều gì sai sai, không đúng”. Đó là nghịch lý nhưng có thật trong xã hội, một việc làm đúng (không hối lộ, đút lót) lại bị nghĩ là sai chính bởi tư duy “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” kia.

Nguy hiểm hơn tư duy “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” tạo môi trường dung dưỡng cho tham nhũng, tiêu cực và phạm pháp. Điển hình là “lợi ích nhóm” hay hàng loạt những vụ thông đồng trục lợi như vụ CDC Hà Nội nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 hay nghi vấn thông đồng, trục lợi trong ký hợp đồng dự trữ gạo khiến 7 cán bộ Chi cục dự trữ gạo tại các tỉnh bị kỷ luật.

Khi những điều tốt, những người tốt mà lại bị coi là dị biệt, là khuyết tật còn rất nguy hiểm cho công tác chọn cán bộ. Đó là không dám phê phán những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, đó là không dám chọn những cán bộ ngay thẳng…

Thậm chí tư duy “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” sẽ tác động đến “chạy chức chạy quyền” vì nghĩ rằng nếu không “chạy” thì sẽ bị văng ra khỏi guồng máy.

Sách Cổ học tinh hoa ghi câu chuyện về Khuất Nguyên làm quan đại phu cho đời Hoài Vương nước Sở, bị kẻ sàm báng mà phải bãi chức. Mặt mũi tiều tuỵ, hình dong khô héo, Khuất Nguyên vừa đi, vừa hát trên bờ đầm. Khi được ông lão đánh cá hỏi: Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy? Khuất Nguyên nói: “Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh; bởi vậy nên ta phải bị bãi chức”.

Ông lão đánh cá nói: “Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tuỳ thời. Có phải cả đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu, để cho đến nỗi phải phóng khí?”.

Khuất Nguyên nói: “Tôi nghe: Mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ”.

Khuất Nguyên được ca ngợi là bậc cương trực nhưng ngày nay, có ý kiến cho rằng việc “thà trẫm mình xuống sông Tương còn hơn còn hơn lấm bẩn”, là vui về ở ẩn không phải là thái độ tích cực. Ngược lại, phải có thái độ chống lại cái đục, chống lại cái say mới là trượng phu.

Cũng như, không thể coi “ai cũng gù” là một hiển nhiên của xã hội, là thứ không thể đổi thay. Điều quan trọng là phải cải tạo việc này như thế nào, phải chủ động chống lại cái xấu, để điều tốt, người tốt không bị coi là dị biệt, khuyết tật.