Lương-giáo đoàn kết thì sao gọi là nịnh bợ!

Đại lễ Phật đản (Vesak 2019) khai mạc sáng 12/5 và kéo dài đến 14/5 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đang được các thế lực thù địch ra sức lợi dụng để xuyên tạc, chống phá tình đoàn kết lương-giáo, hòa hợp dân tộc nước nhà.

Bức họa “Đạo pháp và Dân tộc” bỗng dưng trở thành đề tài cho các nhà “dân chủ rởm” bình luận râm ran. Đáng chú ý, trên trạng mạng Việt Nam thời báo mới giật cái tít “Cổ động Phật Giáo để nịnh bợ Đảng Cộng sản”. Trong đó có đoạn ‘sự sáng tạo ấy không hề đồng nghĩa với chuyện ‘mượn tranh tôn giáo’ để nịnh bợ đảng cộng sản như bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” mà ông Hà Huy Thanh và thượng tọa Thích Thanh Quyết đã đặt hàng cho nhóm họa sĩ Ngô Hải Yến thực hiện.

Rõ ràng về bức họa “Đạo pháp và Dân tộc”

Vesak 2019, có 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó nhiều vị tăng vương, tăng thống, lãnh đạo giáo hội, nhà nghiên cứu… Hơn 20.000 đại biểu là phật tử, nhân dân trong nước cùng dự. Sự kiện năm nay được tổ chức quy mô hơn những năm trước với nhiều quốc gia tham dự nhất, nhiều tham luận nhất.

Song song với các hoạt động của Vesak 2019, tại Học viện Phật Giáo Việt Nam, toạ lạc tại Sóc Sơn (Hà Nội), đã diễn ra nghi thức trang trọng, linh thiêng của Đại lễ kính mừng Phật Đản, và giới thiệu bức tranh “Đạo pháp và Dân tộc”. Bức tranh được họ thực hiện theo đơn hàng để đón chào 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5) và dịp Lễ quốc tế Phật Đản được tổ chức tại Việt Nam.

Bức tranh có chiều cao 2m, chiều ngang 4,2m, tổng diện tích 8,4m, được thực hiện trên chất liệu sơn mài với nguyên liệu sơn ta của Việt Nam và vàng thật 100%, đã được 6 hoạ sĩ miệt mài thực hiện ngày đêm suốt hơn 1 tháng qua.

Trước nhiều ý kiến gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng màu sắc và cách sắp xếp bố cục của bức tranh không hợp lý khi một bên là Phật Thích Ca Mâu Ni, một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân. Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ đây là một bức tranh nhiều ý nghĩa. Bức tranh có bố cục trọng tâm là bánh xe chuyển pháp luân nói lên sự vận động của quy luật nhân quả, sinh diệt, một bên là Đức Phật Thích ca Mâu Ni biểu trưng cho “đạo pháp”, một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho tinh thần dân tộc.

Bức họa “Đạo pháp và Dân tộc” được các thế lực lợi dụng để xuyên tạc

Năm nay ngày sinh của Đức Phật và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại trùng nhau, ngày 19/5. Còn việc nhiều người nói màu sắc nham nhở tôi nghĩ chưa đúng, bản chất bức tranh là đẹp. Vì là tranh sơn mài, càng mài càng bóng, mọi người chỉ nhìn bức tranh qua ảnh chụp nên việc màu sắc không như thực tế là điều không tránh khỏi. Thêm vào đó, các hoạ sĩ vẫn đang hoàn thiện, chưa xong nên chưa thể chê xấu đẹp” – Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ.

Đáng trách ở chỗ, ngay cả những Phan Đăng, Thành Lộc mang danh là một nhà báo, một nghệ sỹ, học rộng hiểu nhiều và là người của công chúng mà không ngộ ra được triết lý sống tương đồng bên trong Đạo Phật và Tư tưởng Hồ Chí Minh mà có nhiều nhận định, bình phẩm “lệch lạc” về nội dung, ý nghĩa của bức họa này

Đúng với tinh thần “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật Giáo

Xin được nhắc lại rằng, đây là bức tranh đặc biệt có ý nghĩa, Đức Phật tổ Thích Ca và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những vị cứu tinh của nhân loại. Một vị tạo nên một minh triết về sự sống và một vị tạo nên biểu tượng về tinh thần dân tộc bất diệt. Càng có ý nghĩa hơn khi đúng với tinh thần của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là “Đạo pháp và Dân tộc”.

Bức họa đúng với tinh thần “Đạo pháp – Dân Tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Nói đến Phật giáo Việt Nam, không thể không nhắc đến một yếu tố làm nên bản sắc riêng, tinh thần riêng, khiến Phật giáo Việt Nam mang đậm tính cách của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, không bị hòa tan trong truyền thống Phật giáo, vốn dĩ cũng có bề dày lịch sử như Phật giáo Trung Quốc, Lào, Campuchia…, đó chính là mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Thật vậy, những thành tố văn hóa dân tộc như ngôn ngữ, tư tưởng, niềm tin, tập quán, văn học, nghệ thuật…, không đâu là không có dấu ấn Phật giáo. Trong suốt hơn hai ngàn năm qua, Phật giáo đã hòa quyện vào lòng dân tộc, dung hợp với tín ngưỡng bản địa cũng như các tư tưởng khác, tham gia vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước, từ đó hình thành cho mình một nền văn hóa phong phú, sinh động, đậm đà bản sắc dân tộc, có ảnh hưởng lớn lao đối với dân tộc đến nỗi có thể nói nền văn hóa Phật giáo là nền văn hóa dân tộc.

Cả cuộc đời Đức Phật Thích Ca là đi tìm sự giác ngộ, là luôn hướng đến mục đích cuối cùng, cốt túy nhất, căn bản nhất của Đạo Phật là “Vô ngã vị tha, cứu khổ cứu nạn, từ bi hỉ xả”. Tôn chỉ mục đích của đạo Phật là nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm – ấy là Đạo pháp.

Còn, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói “muốn làm 1 cậu học trò nhỏ” của Đức Phật Thích Ca, vì vậy trong nhân sinh quan, thế giới quan, phương pháp luận của Hồ Chí Minh hàm chứa rất nhiều giáo lý, triết lý nhà Phật!

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng, học thuyết của Khổng Tử, Thiên chúa giáo của Giêsu, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên và chủ nghĩa Mác đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Do vậy, trong quan niệm và hoạt động thực tiễn của mình. Người luôn tôn trọng vai trò của các tôn giáo; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp nhân dân; phát huy các giá trị mang tính nhân văn trong các tôn giáo để tiến tới xây dựng một nước Việt Nam đoàn kết, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Người Việt Nam, dù theo tôn giáo, tín ngưỡng hay không theo tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng có chung một dân tộc, đều là con cháu của dòng dõi Lạc Hồng. Do vậy, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề tất yếu, là nhân tố quyết định thành công của cách mạng. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do, và nhân dân chỉ có thể được tự do khi đất nước độc lập. Điều này là ước nguyện của mọi người dân, dân tộc bị áp bức, kể cả đồng bào có đạo” – Bác Hồ nói.

Mặt khác, việc xác định tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới, năm 1990, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 24/NQ-TW, về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đoàn kết Lương Giáo, đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Những quan điểm này được tiếp tục thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (1991); Văn kiện Đại hội VII, VIII, IX. Tiếp đó là trong các Nghị quyết của các Đại hội Đảng về sau cũng khẳng định rõ điều đó.

Có thể nói, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo là một nội dung quan trọng, nhất quán trong các văn kiện của Đảng và pháp luật của nhà nước Việt Nam. Đây là một bài học mang tính lịch sử. Giai đoạn nào chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo được thực hiện tốt thì đất nước thái bình, các thế lực ngoại bang cũng ít nhòm ngó.

Quan trọng hơn, bức họa “Đạo pháp và dân tộc” đúng với tinh thần đạo pháp của giáo hội Phật Giáo Việt Nam, làm sao có thể gọi đó là một sự nịnh bợ! Hơn nữa, nó cho thấy Phật chưa bao giờ xa rời dân tộc, vẫn là một thực thể, một phần trong văn hóa, tình cảm, tín ngưỡng của mỗi người dân. Phật Giáo chỉ có thể lớn mạnh, vững bền trong một dân tộc lớn mạnh, vững bền, và ngược lại sự vững mạnh của Phật giáo sẽ góp phần làm nên sự vững mạnh của cả dân tộc.

Sông Trà