Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và quyền… đ ầu đ ộc???

Bản chất của việc cho phép Công ty An Nông tiếp tục phân phối các loại thuốc diệt cỏ có chứa paraquat đến tháng chín năm nay, cho dù lệnh cấm kinh doanh các loại thuốc diệt cỏ chứa paraquat đã có hiệu lực trên toàn quốc kể từ tháng hai (1), chính là gia hạn hoạt động nỗ lực đầu độc cộng đồng. Chẳng lẽ Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và rộng hơn là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Bộ NN PTNT) có quyền đ ầu đ ộc?

Paraquat là tên một hợp chất hữu cơ chuyên dùng diệt cỏ. Paraquat hữu hiệu vì có thể khử oxy hóa trên tất cả các loại mô thực vật, hủy diệt các mầm sống, không chỉ có thế… Với con người, nếu muốn chết, chỉ cần “nhấp” 10 ml đến 15 ml paraquat là y học bó tay. Đó là lý do nhiều bệnh viện ở Việt Nam từng liên tục cảnh báo về vấn nạn sử dụng các loại thuốc diệt cỏ có chứa paraquat để tự tử càng ngày càng trầm trọng (2).

Không muốn chết nhưng vô tình hít phải, chạm phải, ăn uống thực phẩm nhiễm paraquat cũng có thể đối diện với những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng. Các nghiên cứu khoa học đã xác định, paraquat trong các loại thuốc diệt cỏ hết sức nguy hại cho hệ hô hấp, tim, gan, thận, có thể là một tác nhân dẫn tới Parkinson. Cộng đồng châu Âu đã cấm dùng paraquat từ 2007, Hoa Kỳ thì qui định muốn dùng paraquat phải xin phép.

Năm 2017, chuông cảnh báo về tình trạng sử dụng paraquat nói riêng và lạm dụng các loại thuốc BVTV nói chung tiếp tục ngân lên giòn giã khi giới hữu trách công bố nguyên nhân khiến 60 học sinh trường Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đột nhiên cùng nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa phải đưa đi cấp cứu là vì… hít phải paraquat do một nông dân cư ngụ gần trường phun thuốc diệt cỏ trong vườn của ông (3).

Thuốc BVTV là mỹ từ do Việt Nam sáng tạo để gọi các sản phẩm diệt cỏ, côn trùng có hại cho cây cối. Tuy bảo vệ được thực vật nhưng tất cả những loại thuốc BVTV đã và đang được sử dụng tại Việt Nam đều là thuốc độc đối với con người và môi trường. Cục BVTV nói riêng và Bộ NN PTNT nói chung thay mặt hệ thống công quyền Việt Nam cho phép hoặc ngăn cấm nhập cảng, sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV.

Cách nay vài thập niên, gần như toàn bộ châu Âu đã cùng lắc đầu với các loại thuốc BVTV chế tạo từ hóa chất. Tuy chưa thể lắc đầu như châu Âu nhưng nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã giới hạn các loại hóa chất trong thuốc BVTV ở phạm vi từ 400 đến 600 loại. Riêng tại Việt Nam, số hóa chất được phép sử dụng trong thuốc BVTV lên tới… 1.700 loại. Sự dễ dãi đó khiến thuốc BVTV tại Việt Nam… cực độc!

Việt Nam đã trở thành “thiên đường” cho đủ loại thuốc BVTV và các loại hóa chất để chế tạo thuốc BVTV tìm đến. Trong bốn năm từ 2011 đến 2015, mỗi năm, Việt Nam chi hơn 400 triệu USD để nhập các chất độc loại này, phần lớn đến từ Trung Quốc. So với giai đoạn trước năm 2010, kim ngạch nhập cảng thuốc BVTV và hóa chất chế tạo chúng dù đã tăng mười lần nhưng vẫn còn tiếp tục tăng vùn vụt.

Các chuyên gia cả của Việt Nam lẫn quốc tế từng thực hiện một số cuộc khảo sát và cảnh báo, tại Việt Nam có tới 80% thuốc BVTV dùng không đúng cách, thành ra mỗi năm, có từ 150 đến 200 tấn thuốc BVTV dư thừa, thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước khiến cả đất, nước lẫn nông sản cùng bị nhiễm độc, môi trường sống bị ô nhiễm, sức khỏe của cộng đồng và nhiều thế hệ bị hủy hoại.

Thực tế môi trường và thực trạng sức khỏe cộng đồng của người Việt đã trở thành sức ép, buộc hệ thống công quyền Việt Nam phải hành động. Tháng 2 năm 2017, Bộ trưởng NN PTNT ban hành một quyết định (278/QĐ-BNN-BVTV), chính thức loại bỏ hai loại hóa chất: Paraquat và 2,4 D ra khỏi “Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam”.

Bộ trưởng NN&PTNT ông Nguyễn Xuân Cường.

Cho dù thừa nhận, hai loại hóa chất vừa kể “gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường…” nhưng có thể vì thông cảm sâu sắc với những doanh nghiệp đã nhập cảng, đã sản xuất các loại thuốc diệt cỏ có chứa paraquat và 2D, Bộ NN PTNT cho phép các doanh nghiệp này thêm hai năm để tổ chức tiêu thụ cho hết chất độc. Cũng vì vậy, lệnh cấm này chỉ thực sự có hiệu lực từ ngày 8/2/2019.

Đáng lưu ý là đến giờ (tháng 7 năm 2019), nửa năm sau khi lệnh cấm các loại thuốc diệt cỏ chứa paraquat và 2,4D đã có hiệu lực vẫn còn một doanh nghiệp – Công ty An Nông – đang tổ chức khuyến mãi, thúc đẩy việc gia tăng tiêu thụ thuốc độc đã bị cấm. Đại diện Công ty An Nông giải thích với tờ Tuổi Trẻ rằng Cục BVTV có cho Công ty An Nông một… văn bản, gia hạn thời gian kinh doanh thuốc độc đã bị cấm đến tháng 9!

Tờ Tuổi Trẻ chỉ thắc mắc rằng tại sao Cục BVTV lại “đặc cách” cho Công ty An Nông và Bộ NN PTNT “nới tay” cho riêng Công ty An Nông kinh doanh thuốc độc đã bị cấm? Đặt vấn đề như thế không thỏa đáng! Từ thực tế môi trường và thực trạng sức khỏe cộng đồng của người Việt phải chất vấn hệ thống công quyền Việt Nam rằng, có “chặt đầu, lột da” những kẻ tạo điều kiện cho Công ty An Nông đầu độc cộng đồng hay không?

Do áp lực của dư luận, tháng 2 năm nay, Bộ NN PTNT Việt Nam quyết định loại bỏ hai hóa chất chlorpyrifos ethyl và fipronil ra khỏi danh mục hóa chất được phép sử dụng trong thuốc BVTV tại Việt Nam. Giống như paraquat và 2,4 D, Bộ NN PTNT cho phép các doanh nghiệp tiếp tục nhập cảng, sản xuất các sản phẩm có chứa chlorpyrifos ethyl và fipronil đến năm sau (2/2020) và buôn bán cho đến năm sau nữa (2/2021) (4).

Bộ NN PTNT giải thích, việc vạch “lộ trình” vừa kể nhằm “không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và kinh doanh”. Cơ quan này nói riêng và hệ thống công quyền nói chung không bận tâm đến thiệt hại của môi trường sống và sức khỏe cộng đồng: Chlorpyrifos là một trong những thủ phạm tạo ra quái thai vì làm suy giảm nội tiết tố sinh sản, tác động đến hệ thần kinh trung ương và thực vật của bào thai, khiến chu vi vòng đầu của trẻ sơ sinh nhỏ hơn bình thường, trẻ sơ sinh nhẹ cân, chưa kể nhiễm chlorpyrifos có thể dẫn tới ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt. Còn fipronil nguy hại cho nội tạng (tuyến giáp, thận, gan,…) và vì tồn đọng rất lâu trong đất, khi thẩm thấu vào cây thì phân hủy chậm nên tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn tự nhiên, đặc biệt trong động vật thủy sinh sẽ dẫn đến ngộ độc mãn tính cho các động vật, trong đó có con người.

Sang tháng ba, Bộ NN PTNT công bố thêm quyết định cấm glyphosate – một loại hóa chất hiện diện trong nhiều sản phẩm thuốc BVTV tại Việt Nam đã được các quốc gia xác định là nguyên nhân khiến ung thư gia tăng. Giống như chuyện cấm paraquat, 2,4D, chlorpyrifos ethyl, fipronil, việc cấm glyphosate cũng có… lộ trình vì phải theo “thủ tục và thông lệ” (5).

Người Việt có thể mất rất nhiều thời gian trong việc tìm thực phẩm “sạch, an toàn” cho mình và gia đình, thường xuyên thở dài, hoang mang khi càng ngày càng nhiều thân nhân, thân hữu, người quen qua đời vì quái bệnh, kể cả khi còn rất trẻ, sống rất lành mạnh. Tuy nhiên rất ít người Việt bận tâm đến thuốc BVTV và cung cách quản lý thuốc BVTV. Bàng quan như thế nên Cục BVTV, Bộ NN PTNT, chính phủ mới như thế.

(Nguồn FB: Trân Văn)