Những doanh nghiệp tư nhân nào đủ cơ để thâu tóm nhiều khu đất công ở trung tâm TP.HCM rồi khiến dư luận im bặt?
Sau cơn bùng phát dữ dội như bão quét qua dư luận, Thủ Thiêm trở thành điểm nóng như lửa đốt. Rồi bão im bặt như mắc nghẹn! Bản kết luận thanh tra vùng đất đẫm máu cưỡng chế này được hứa hẹn vẫn biệt tăm. Điều này cũng chẳng lạ gì, bởi bấy lâu nay nào chỉ mắc ở Thủ Thiêm, vô số tiếng khóc xé ruột ở các khu đất công ở TP HCM cũng bị cái mạng nhện lợi ích nhóm giam hãm. Cái nhóm lợi ích nó đan xen chằng chịt, từ quan chức địa phương đến các doanh nghiệp sân sau, thì chuyện làm cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan là điều có thể thấy được.
Lâu nay, thủ đoạn quen thuộc giúp các công ty sân sau dễ dàng thâu tóm nhiều khu đất công ở trung tâm TP.HCM là góp vốn với công ty Nhà nước, rồi sau đó “bỗng nhiên” được cho thuê đất thuộc sở hữu Nhà nước trong nhiều năm với giá rẻ bằng nửa giá thị trường thông qua các quyết định không thông qua đấu thầu. Cuối cùng công ty tư nhân bắt đầu thâu tóm công ty liên kết sở hữu “đất vàng” và sau khi tăng vốn thì cổ đông Nhà nước trở thành thiểu số. Khi ấy cũng là lúc những miếng đất xương máu của dân bị thâu tóm trắng trợn với giá đền bù rẻ bèo được tung ra bán với giá hàng nghìn tỷ. Biến người nghèo trở nên bần cùng như Thị Nở, Chí Phèo đương đại, còn những doanh nghiệp sân sau vẫn ung dung tìm những mảnh đất khác để ăn nhậu chia chác trong nhung lụa. Riêng ở TP HCM hiện nay tồn tại không biết bao nhiêu loại công ty như thế này, có một số vẫn được che chắn kĩ vì cây cổ thụ sau nó đang xanh tốt, có một số bắt đầu lộ diện, nhất là sau vụ Thủ Thiêm vừa qua.
Theo một nguồn được tiết lộ trên mạng xã hội mới đây, sau khi cây cổ thụ ở Thủ Thiêm bị bới rễ, hàng loạt các công ty sân sau đã được phơi bày.
Đầu tiên là phải kể đến, Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương. Không biết thế nào mà chỉ mới thành lập được 6 tháng nhưng Nguyên Phương đã được ưu ái giao cho 14,8ha đất tái định cư ở phường An Phú, dưới hình thức chủ đầu tư BT (đổi đất lất hạ tầng) không qua đấu giá dự án đường song hành (từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2).
Kế đến là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21( QTTK21) được phù phép giao cho 32,14 ha đất tái định cư tại hai phường Bình Khánh và An Phú (quận 2) để đầu tư kinh doanh trục lợi với đủ thứ ưu đãi. Mặc dù trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo về khả năng tài chính cũng như năng lực của công ty QTTK21 do có quá nhiều lần xin điều chỉnh giấy phép kinh doanh. Thậm chí, trước đó, dự án “Khu du lịch văn hóa giải trí quốc tế” do Cty QTTK21 làm chủ đầu tư, cho thấy: Gần 6 năm qua (9/2002 – 7/2008) không có bất cứ một hoạt động nào có thể coi là DA triển khai, kể cả việc giải tỏa đền bù cho dân. Và kết quả không ngoài cảnh báo, dự án này được giao triển khai từ năm 2002 thế nhưng sau 15 năm, tới 2017 mới thấy doanh nghiệp này rục rịch triển khai. 15 năm không phải là một thời gian ngắn, việc kéo dài thời gian thi công đồng nghĩa kéo dài thời gian 60.000 nhân khẩu phải sống trong cảnh tạm bợ. Thậm chí, diện tích đất được giao tại địa điểm đắc địa có giá trị rất lớn (khoảng 95,6 triệu USD), gấp nhiều lần so với tổng vốn đầu tư! Liệu có lấy của công ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp tư nhân ở đây?
Xin hỏi có phải công ty QTTK21 là doanh nghiệp duy nhất trong toàn thành phố, kể cả trong nước và đầu tư nước ngoài, có khả năng triển khai yêu cầu đáp ứng số lượng căn hộ phục vụ tái định cư, đền bù, giải tỏa của DA “khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Và chỉ có công ty QTTK21 mới xây dựng được khu nhà ở có chất lượng và môi trường sống tốt, đạt tiêu chuẩn quy phạm, hài hòa với “khu đô thị mới Thủ Thiêm”? Công ty QTTK21 có kinh nghiệm thực tiễn gì để được thành phố giao một dự án quan trọng và có ý nghĩa này?
Được biết, Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 được thành lập 100% vốn nước ngoài, thời hạn hoạt động là 50 năm. Tháng 6/2015, Công ty này phát hành thêm cổ phần cho các cổ đông để tăng vốn điều lệ từ gần 1,281 tỷ đồng lên 2,613 tỷ đồng và trở thành Công ty cổ phần. Nếu không bị phát hiện sau vụ Thủ Thiêm thì có lẽ sau lần lột xác thành công ty cổ phần này và tiến tới là chuyển nhượng thì công ty QTTK21 sẽ có thêm nhiều khu đất mới “cướp được” từ dân!
Cũng chiêu thức chuyển nhượng cổ phần mà Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương (Saigon Diamond Corp) đã thành công thâu tóm dự án SJC Tower nằm tại khu tứ giác vàng Lê Thánh Tôn – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực. Hồi tháng 9/2017, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của UBND TP.HCM và lúc đó đang sở hữu 40% cổ phần của Sài Gòn Kim Cương đã công bố bán đấu giá số cổ phiếu tương đương 15% cổ phần công ty này. Lý do HFIC đưa ra là do HĐQT Sài Gòn Kim Cương đã thông qua kế hoạch phát hành 121,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.800 tỷ đồng (hơn gấp 3 lần vốn điều lệ ban đầu). Mục đích đợt phát hành này là bổ sung vốn để đầu tư xây dựng tháp SJC Tower.
Sau khi HFIC bán đấu giá thành công 15% cổ phần Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương thì thu được 252 tỷ đồng nhưng tỷ lệ cổ đông Nhà nước tại dự án SJC Tower chỉ còn 25%. Với tỷ lệ cổ phần thiểu số như vậy thì chắc chắn quyền lợi của Nhà nước trong dự án SJC Tower đã hoàn toàn đứng sau Sài Gòn Kim Cương dù xuất phát của khu đất này hoàn toàn là đất công? Một thủ thuật chuyển vốn nhà nước sang tư nhân quen thuộc! Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, gây lãng phí trong việc sử dụng đất vàng. Trong nhiều năm, khu đất này được dùng để cho thuê làm bãi giữ xe.
Ngoài khu đô thị Thủ Thiêm, thì dự án quy hoạch Khu Y tế kỹ thuật cao của chủ đầu tư là công ty TNHH y tế Hoa Lâm – Shangri-La còn cướp đất của người dân trắng trợn hơn cả. Năm 2008, UBND TP.HCM duyệt đồ án quy hoạch Khu Y tế kỹ thuật cao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích là “khu nhà ở, căn hộ để phục vụ Khu Y tế kỹ thuật cao”. Tuy nhiên, sau đó không biết móc ngoặc, đi đêm thế nào, mà công ty Hoa Lâm đã biến Giấy chứng nhận đầu tư từ “Khu nhà ở căn hộ phục vụ nhu cầu của Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” thành “Xây dựng và kinh doanh khu nhà ở căn hộ”. Đất công vốn được lấy ra để phục vụ cán bộ y tế nay nghiễm nhiên biến thành đất tư để Hoa Lâm – Shangri-La thoải mái xây căn hộ bán kiếm lời. Không chỉ có vậy, đất công được phù phép bởi Hoa Lâm còn dễ dàng sang tay buôn bán phi pháp mà không bị bất cứ cơ quan chức năng nào can thiệp. Đơn cử như Công ty Aseana (thuộc Hoa Lâm – Shangri-La) đã bán 1,23ha đất tại Dự án này với giá 5,5 triệu USD cho Công ty Tư vấn Đầu tư Tiến Phát để thu lời. Hoa Lâm – Shangri-La cũng đồng ý bán Công ty HLSL 6, đang sở hữu 1,19ha đất dự án này cho Công ty Tư vấn Trí Hạnh với giá 7,7 triệu USD.
Đất công không phục vụ xã hội mà trở thành cơ hội để những kẻ đầu tư kiếm chác, chua chát là vậy mà có ai dám lên tiếng? Bao giờ các công ty sân sau này mới bị “sờ gáy”. Chắc điều đó còn phụ thuộc vào những cây đại thu đứng đằng sau nó!
Thiên Anh