Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nếu cao tay thì nên làm đơn xin từ chức!
Nếu như có chuyện xe công ra thẳng cầu thang máy bay rước phu nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh như báo chí nói, và nếu có cái công văn của Bộ Công thương đề nghị cho Bộ này được đưa xe ra thẳng chân cầu thang máy bay rước Bộ trưởng như báo chí nêu nhưng thay vì rước Bộ trưởng lại rước vợ Bộ trưởng, thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nên làm đơn xin từ chức.
Có thể Bộ trưởng không yêu cầu cơ quan ông làm việc này, nhưng chí ít là ông cũng có lỗi khi để chuyện nịnh bợ mình diễn ra trắng trợn ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt một đề án trong đó có việc “cấm nịnh bợ” trong cơ quan nhà nước. Mà chuyện nịnh bợ nói trên ở Bộ Công thương không phải là “ton hót” khơi khơi mà là sự lừa dối cơ quan an ninh để sử dụng phương tiện công phục vụ cho công cuộc nịnh bợ, tức là nịnh bợ bất chấp pháp luật. Dù cái lỗi này của Bộ trưởng không đến mức phải xin từ chức, nhưng nếu Bộ trưởng không xin từ chức thì vết nhơ kia vô cùng khó rửa.
Tại hạ nghĩ rằng, làm đơn xin từ chức trong trường hợp này mới là cao tay, chỉ thấy lợi mà không thấy hại. Vì thứ nhứt, với một khuyết điểm không lớn lắm, Thủ tướng chắc sẽ không để cho ông từ chức. Nếu Thủ tướng không đồng ý mà ông vẫn xin từ chưc thì Thủ tướng sẽ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại hạ nghĩ rằng với cái lỗi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không nỡ để ông từ chức. Cho nên, ông không những giữ được chức mà được tiếng là thành khẩn không tham quyền cố vị. Thứ hai, chỉ với một lá đơn xin từ chức của ông, lập tức báo chí và mạng xã hội sẽ đưa ông lên tận mây xanh, không những vết nhơ bị rửa bỏ hoàn toàn mà ông còn trở thành tấm gương sáng chói ngập tràn trên báo chí và facebook, địa vị của ông do đó mà sẽ được củng cố vững chắc trước công luận.
Tại hạ chỉ hiến cho ông một kế chuyển bại thành thắng, chỉ e rằng ông không dám cao tay. Còn xử lý như thế nào đối với đám nịnh bợ kia thì Bộ trưởng hãy tự nghĩ ra đi, tại hạ chưa bao giờ làm Bộ trưởng nên không biết cách.
Nhân đây, nhớ lại một câu chuyện lịch sử. Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung ngày xưa có công khai sinh ra triều Trần. Nói như giáo sư Trần Quốc Vượng, khi bà làm hoàng hậu nhà Lý, họ Trần đã “bám váy” bà vào triều đình để sau này dựng nghiệp. Khi nhà Trần thay nhà Lý, bà trở thành phu nhân của thái sư Trần Thủ Độ nhưng là nhạc mẫu của vua Trần Thái Tông, sau này là bà ngoại của vua Trần Thánh Tông. Bà cũng có công rất lớn trong tổ chức hậu cần cho cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông. Dù công trùm thiên hạ như thế, nhưng có lần bà đi kiệu vô tình vào vùng cấm trong cung, bị một người lính giữ lại không cho đi. Sử sách ghi rằng bà bực mình quá về mách với thái sư Trần Thủ Độ, nhưng tại hạ nghĩ rằng bà chỉ thuật lại một câu chuyện vui thôi chứ tầm cỡ như bà chẳng thể bực mình mình vì một chuyện như thế. Trần Thủ Độ cho gọi người lính ấy lên hỏi chuyện. Sau khi nghe người lính thành thật thuật lại đầu đuôi, Trần Thủ Độ nói, ngươi chức vụ thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì ngươi được nữa. Bèn trọng thưởng cho người lính đó.
Làm lãnh đạo và làm phu nhân lãnh đạo nên đọc đi đọc lại câu chuyện này. Xin hết ạ.
(Theo Hoang Hai Van)