Vĩnh Long có dám đảm bảo Bảo tàng Nông nghiệp 400 tỷ không rơi vào tình trạng vắng như chùa bà Đanh?
Văn hóa đi tham quan bảo tàng là một xu thế du lịch văn minh ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật… Còn ở Việt Nam mặc dù có 165 bảo tàng, 3 triệu tài liệu hiện vật, 120 hiện vật là báu vật quốc gia thì hình thức du lịch này vẫn chưa phổ biến. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao bảo tàng nước ngoài nô nức khách du lịch, còn bảo tàng Việt Nam thì như chùa bà Đanh?
Du lịch bảo tàng được xem như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Ở nước ngoài việc đi tham quan bảo tàng là thói quen, sở thích, học tập, hay tìm kiếm cảm hứng nghệ thuật cho bản thân, vì thế lúc nào những nơi trưng bày hiện vật ấy đều nô nức khách du lịch.
Ở Phần Lan, có rất nhiều bảo tàng lịch sử tự nhiên với các cách trưng bày rất hấp dẫn và thực sự thu hút khách du lịch. Còn tại bảo tàng Cố Cung (Trung Quốc) có đến 40% tổng số lượng khách đến ở độ tuổi dưới 30 và 24% là từ 30-40 tuổi. Tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan tại Mỹ đón khoảng hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Bảo tàng lớn nhất thế giới Lourve – Pháp cũng thu hút 10 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước, được đánh giá là một điểm đến không thể thiếu với mỗi tour du lịch tới Pháp.
Nhìn người ta mà ngẫm lại mình, thật ngao ngán. Tuy có hơn 160 bảo tàng nhưng hầu như đều trùm chăn để đó, không có du khách tới xem và không ai chăm sóc. Điển hình là Bảo tàng Hà Nội lừng lẫy 5 châu, dành 54.000 m2 đất với vốn đầu tư lên đến 2.300 tỉ nhưng 10 năm nay bỏ hoang. Còn với Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình có diện tích 2.500 m2 chi phí đầu tư 34 tỷ, dù được xây dựng 15 năm, nhưng bảo tàng này vẫn đang đóng cửa như không hoạt động.
Không chỉ bảo tàng bị đắp chiếu, mà nhà hát rồi trung tâm triển lãm cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự. Bị phản ánh trên khắp các mặt báo đó là nhà hát 117 tỷ với diện tích 7.100m2 khởi công xây dựng vào cuối năm 2012, sau 2 năm thì dừng hẳn và đắp chiếu từ đó đến nay do… thiếu vốn. Còn siêu bảo tàng Lịch sử Quốc gia 11.277 tỷ, thì chỉ xây được vỏ bảo tàng và chưa bao gồm việc xây dựng nội dung trưng bày bên trong. Đó là bảo tàng, còn Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP.HCM trị giá 800 tỷ đồng sau 5 năm triển khai vẫn là một khối bê tông gắn khung sắt, nằm trơ trọi giữa những lô đất trống ở Thủ Thiêm.
Bao nhiêu là dự án bỏ hoang, nhưng mới đây UBND tỉnh Vĩnh Long lại phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL với quy mô 400 tỷ đồng, trên diện tích hơn 11 ha, từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL không hợp thời điểm. Nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước đang bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.
Bảo tàng được xây dựng với kinh phí dự kiến 400 tỷ đồng, số tiền này không phải nhỏ so với ngân sách một tỉnh như Vĩnh Long. Dù được huy động bằng xã hội hoá hay ngân sách nhà nước thì đều là nguồn lực của xã hội. Chính vì vậy, việc sử dụng nguồn lực xã hội cần phải cân nhắc tính toán sao cho phù hợp. Thay vì đầu tư 400 tỷ xây bảo tàng, Vĩnh Long nên dành ngân sách đó chi cho công tác nghiên cứu giúp dân có được những giống cây trồng năng suất, vật nuôi chất lượng. Đặc biệt, trong bối cảnh nông dân miền tây đang phải gồng mình chống hạn mặn, số tiền 400 tỷ xây được nhiều hồ trữ nước ngọt, kênh mương, đê đập,… có thể giúp đời sống người dân bớt khó khăn đi.
Xây Bảo tàng nguy nga nhưng cuộc sống của người dân không được cải thiện, năng suất cây trồng không tăng, dân cứ phải chống hạn từ năm này qua năm khác, thì xây bảo tàng có ý nghĩa gì? Chả lẽ bắt người dân tham quan bảo tàng để vượt qua khó khăn. Chưa kể, hầu hết các bảo tàng trong cả nước rơi vào tình trạng hoang hóa, đắp chiếu, hoạt động thì không hiệu quả, ai ám đảm bảo rằng Bảo tàng Nông nghiệp không rơi vào tình trạng tương tự?
Nhìn bảo tàng nhà người ta hoạt động hiệu quả làm sao, còn bảo tàng nhà mình cũng đầu tư hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn m2 đất và hàng chục ngàn tỷ nhưng vẫn bỏ hoang. Thật chua xót. Có ai tự hỏi vì sao ta lại đầu tư không hiệu quả? Phải chăng bảo tàng nhà người ta là nơi gìn giữ trưng bày những giá trị văn hóa lịch sử. Còn ở ta, nó chỉ là cái để giải ngân, là nơi “khai quật” tiền thuế dân một cách hợp pháp, nên mới vắng như chùa bà Đanh?
Tâm bão