Ba vấn đề lớn từ một chiếc thẻ lên tàu rất nhỏ
Cách đây mấy ngày, tôi nhìn thấy trên facebook của thầy giáo tôi, thầy Nguyễn Tích Lăng, những tấm biển chỉ dẫn các nhà ga của tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh. Tôi sững sờ. Trên các tấm biển chỉ dẫn đó ghi 2 thứ tiếng: Trung và Việt. Tiếng Trung ở trên và tiếng Việt ở dưới.
Tôi mò vào tìm đọc thông tin này thấy một tờ báo online chính thống nói thông tin từ Ban quản lý (phía Việt Nam) giải thích đó là lỗi của nhà thầu (phía Trung Quốc) chứ không phải của Ban quản lý và lý do họ đề tiếng Trung Quốc vì để cho các chuyên gia Trung Quốc đang giúp vận hành thử tàu. Tờ báo cũng nói những biển chỉ dẫn đã được tháo bỏ. Vì thế tôi không định bàn về việc đó nữa.
Nhưng tối qua tôi thấy trên một số facebook đưa chiếc “thẻ lên tàu” cũng in 2 thứ tiếng Trung và Việt. Và tiếng Trung vẫn in trên phần tiếng Việt. Đến lúc này, câu chuyện ngôn ngữ đã cho thấy ba vấn đề quan trọng.
Vấn đề thứ nhất: Đó là nguyên tắc sử dụng song ngữ trong các văn bản, biển hiệu, tên các công trình, các khu du lịch, địa điểm văn hóa….Khi sử dụng song ngữ hay nhiều ngữ trong một văn bản thì tiếng của nước sở tại (ở đây là Việt Nam) phải được đưa lên đầu tiên. Đấy là văn hóa, là chủ quyền quốc gia. Mọi sự là khác đi là vô tình (có thể hữu ý) xúc phạm đến chủ quyền của nước sở tại cho dù chỉ là vấn đề ngôn ngữ. Sau này khi nhà ga chính thức họa động thì hai thứ tiếng được sử dụng đầu tiên là Việt và Anh. Nếu thêm các tiếng khác thì phải tính đến các nhu cầu cần thiết và hợp lý của ngôn ngữ đó cho sinh hoạt và kinh doanh.
Vấn đề thứ hai: Đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh được làm bằng tiền vay của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nhưng Việt Nam vay tiền thì Việt Nam phải trả nợ. Có những món nợ bằng tiền mà người ta đôi khi phải trả bằng cả vận mệnh của cả quốc gia. Và nhà thầu Trung Quốc chỉ là một người làm thuê không hơn không kém cho dù bởi bất cứ lý do nào. Vì thế, Trung Quốc không được quyền quyết định tùy tiện các văn bản đang sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam nếu không được luật pháp của Việt Nam cho phép. Đặc biệt đơn vị quản lý dự án này phải hiểu và yêu cầu nhà thầu (người làm thuê) chấp hành các qui định của nước sở tại. Câu chuyện về biển chỉ dẫn các nhà ga và chiếc thẻ lên tàu diễn ra cách nhau có mấy ngày. Như vậy không hề có sự “rút kinh nghiệm” của Ban quản lý và nhà thầu. Chính điều đó làm cho người dân thấy một điều gì đó không bình thường ẩn sau những biển chỉ dẫn nhỏ và cái thẻ lên tàu còn nhỏ hơn.
Vấn đề thứ ba: Cho dù tuyến đường sắt trên cao đang trong thời gian vận hành thử và tiền xây dựng tuyến đường này là vay của Trung Quốc thì các nguyên tắc, qui định… vẫn phải được chấp hành nghiêm túc như treo một cái biển nhà ga. Nếu không thì với một ít tiền thôi chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất lòng tự trọng hay nói rộng hơn là đánh mất chủ quyền của một quốc gia trong một việc làm tưởng như nhỏ nhặt. Vấn đề Trung Quốc từng bước lấn chiếm chủ quyền một số biển đảo của chúng ta lâu nay không cho phép người Việt Nam nhìn nhận mọi hành vi của Trung Quốc với con mắt bình thường được nữa. Người Việt có câu “một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc từ thời phong kiến đến nay đã có hàng ngàn sự bất tín với Việt Nam. Việc lấy lại lòng tin của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc quả là một thách thức giống như tát cạn biển Đông vậy.
Lời kết, việc vận hành thử cho dù do các chuyên gia Trung Quốc tiến hành nhưng họ đang thực hiện việc đó trên lãnh thổ Việt Nam, có sự tham gia của các chuyên gia GTVT Việt Nam và dưới sự giám sát của Ban quản lý. Vậy mà khi các biển chỉ dẫn của hầu hết các nhà ga từ Hà Đông đến Cát Linh được treo lên mà Ban quản lý không hay biết cho đến khi báo chí có ý kiến. Rồi tiếp đến các “thẻ lên tàu” lại tiếp tục sử dụng ngôn ngữ như các biển chỉ dẫn nhà ga. Tuyến đường sắt trên cao là quá xấu, quá đắt, thi công quá chậm như báo chí và dư luận công chúng đã từng lên tiếng. Một tuyến đường xấu có thể đập đi làm lại, nhưng khi lòng tự trọng dân tộc, chủ quyền của dân tộc bị đánh mất thì hàng trăm năm chưa chắc đã giành lại được.
(Theo Facebook NT Nguyễn Quang Thiều)