Ai đã khiến người dân Hà Nội phải trả giá đắt như thế?

Những ngày qua Hà Nội ô nhiễm đạt mức kỷ lục. Ai đã gây ra thảm cảnh này, để hôm nay người dân thủ đô phải gánh chịu hậu quả?

Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí miền Bắc của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội ở ngưỡng tím (rất xấu, rất có hại cho sức khỏe mọi người) và ngưỡng đỏ (ngưỡng có hại cho sức khỏe mọi người). Người ta lý giải là do người dân dọn nhà cuối năm, quét dọn đường làng ngõ xóm nhưng sau đó gom rác đốt, làm gia tăng ô nhiễm không khí. Liệu việc dọn nhà dịp tết có khiến không khí ô nhiễm trầm trọng như thế không? Năm nào cũng có tết vậy sao năm trước không ô nhiễm như năm nay?

Ở đây người viết không bàn về nguyên nhân gây ô nhiễm, nhưng thiết nghĩ nếu còn 6.700 cây cổ thụ ở khắp mọi nơi trong nội thành thì tình trạng không đến mức tồi tệ như hôm nay. Ai đã ra lệnh chặt hạ hàng ngàn cây cổ thụ hủy diệt LÁ PHỔI xanh của thủ đô, để Hà Nội hôm nay chỉ còn lại bầu không ngột ngạt khói bụi, nắng rát thịt da?

Còn nhớ năm 2014, khi Hà Nội ra tay chặt hạ 500 cây suốt dọc đường Nguyễn Trãi để phục vụ cho đường sắt trên cao, nhiều người đã phản đối quyết liệt. Nhưng người ta vẫn quyết đốn hạ, để rồi đến nay đường sắt mà chúng ta phải đánh đổi bao nhiêu tiền thuế của dân, đánh đổi trực tiếp bằng hơn 500 cây xanh vẫn còn nằm bất động. Sau đó, Hà Nội tiếp tục chặt hạ hàng ngàn cây khác nữa. Nhìn những thân cây đốn hạ được cắt xẻ thành từng khúc, ở mặt cắt của những thân cây, từng hàng nhựa cây chảy ra như những giọt nước mắt ai oán đắng cay và đau đớn. Có lẽ phải mất cả nửa, thậm chí cả 1 thế kỷ mới có một lứa cây như thế.

Khi ấy nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc chặt hạ hàng loạt cây xanh không những gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người mà còn làm mất cân bằng hệ sinh thái. Ngoài ra, cùng lúc mất đi số lượng lớn cây lâu năm, tán rộng sẽ khiến cho nhiệt độ thành phố tăng lên, có khi tăng đến 2 – 3 độ C. Thậm chí khi cây không còn, khiến tình trạng ngập lụt vào mùa mưa ở Hà Nội trầm trọng hơn.

Không chỉ thế giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng cây di sản, cho rằng việc chặt hạ hàng ngàn cây xanh có thể sẽ khiến các tuyến phố của Hà Nội lâm vào cảnh ô nhiễm không khí nặng nề hơn. Những lời cảnh báo năm xưa giờ đã linh ứng, chỉ sau 5 năm Hà Nội phải trả giá quá đắt khi QUY HOẠCH đô thị không hợp lý, ăn xổi, làm vội, chỉ nhìn lợi ích trước mắt mà không tính đến tương lai.

Khi quy hoạch đô thị không tính toán kỹ lưỡng, nhất là yếu tố “thay thế” về cảnh quan, môi trường, thì chúng ta phải trả giá, có điều, cái giá phải trả đến quá sớm. Những người chỉ đạo chặt cây đã bị kỷ luật, họ đã về vườn, nhưng cho dù họ có lãnh hậu quả thế nào đi nữa, thì người dân thủ đô cũng phải gánh chịu bầu không khí ô nhiễm từ nay cho đến hàng chục năm nữa. Tham nhũng thì bắt dân gánh nợ giờ chặt cây ăn, bắt dân phải hít thở bằng khí ô nhiễm còn gì tàn ác hơn nữa?

Đối với Hà Nội, từ trước đã được cộng đồng thế giới biết đến là thành phố xanh với nhiều dãy cây cổ thụ được trồng cách đây cả trăm năm. Chính các cây xanh này cũng đã góp phần tạo nên một Hà Nội thanh lịch, hài hòa giữa thiên nhiên và môi trường. Giờ thì vẻ đẹp ấy chỉ còn lại bầu không khí ô nhiễm có thể không nhìn thấy nhau nếu đứng cách xa nhau vài mét. Vậy ai đã gây ra thảm cảnh này bắt dân phải trả giá? Rất mong câu trả lời đích đáng.

(Nguồn: Tâm bão)