Vung tiền dựng tượng Lý Thái Tông liệu có giúp ngành Tòa án giảm án oan – sai?

Trong thời điểm đất nước căng mình chống dịch, nhiều bộ ngành không những không đóng góp gì mà còn đề xuất này nọ để bòn rút ngân sách. Dư luận chưa hết nóng khi hết VN Air lines xin 12.000 tỷ để bù lỗ, thì ngành tòa án lại có kế hoạch đặt biểu tượng công lý – tượng vua Lý Thái Tông tại nhiều trụ sở tòa án. Vì sao ngành tòa án lại dựng tượng vào lúc này? Liệu việc dựng tượng có cấp thiết? Liệu khi dựng tượng có làm giảm án oan sai của ngành hay không?

Vừa qua, Phó chánh án TAND tối cao vừa ký công văn gửi TAND các cấp về việc tổ chức lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp. Sau khi lấy ý kiến đóng góp của TAND, Hội đồng phẩm phán TAND tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của TAND và hoạt động xét xử. Theo dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, kích thước chiều cao lên đến 5,3m.

Hiện người ta dự định đặt bức tượng đồng cao 5,3 mét này trong khuôn viên TANDTC ước tính tốn kém hàng trăm triệu đồng. Như vậy ngoài bức tượng ở TANDTC thì còn phải có thêm 771 biểu tượng công lý nữa (cả nước có 772 đơn vị hành chính có tòa án) đặt ở các đơn vị hành chính có tòa án. Dù kích thước nào đi nữa, thì mỗi biểu tượng cũng ngốn tối thiểu 200 triệu đồng. Nghĩa là cần 154,4 tỷ đồng.

Nhưng liệu có tượng đồng công lý nào giá 200 triệu đồng khi qua ngân sách nhà nước hay không? Khi mà máy xét nghiệm được nâng giá từ 1,5 – 2 tỷ lên thành 5-8 tỷ, thì những bức tượng của vua Lý Thái Tông ai dám đảm bảo nó không được thổi giá lên 3-5 lần? Nếu tính trung bình mỗi bức tượng là 1 tỷ đồng, thì các tượng “công lý” đặt ở các tòa án sẽ ngốn khoản kinh phí lên đến 772 tỷ đồng. Nếu ý tưởng của TAND được duyệt, thì hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của dân sẽ bị hoang phí. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, người dân phải thắt lưng buộc bụng. Ngay thời điểm này hãy dồn toàn lực, suy nghĩ, tiến hành khôi phục kinh tế, xây dựng giải pháp cứu hạn cho người dân. Còn các tượng này có thể làm trong tương lai vì hiện tại nó chưa cấp thiết.

Theo thống kê của Liên đoàn luật sư Việt Nam vừa cung cấp cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong vòng 3 năm đã có 82 vụ án có dấu hiệu oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự. Trong đó, có những vụ án được dư luận quan tâm như: Vụ án bị cáo Hoàng Trọng Nghĩa; Hàn Đức Long; Nguyễn Thanh Chấn; Đặng Thị Nga; Huỳnh Văn Nén….Thay vì khắc phục những vụ oan sai, thì ngành tòa án lại đi đầu tư tượng đài. Liệu việc đầu tư tượng đài có làm giảm án oan sai? Liệu đặt tượng đài có làm giảm bớt tiêu cực trong xét xử án không? Liệu việc đặt tượng đài có làm giảm bớt nạn chạy án không? Nói thật công lý ở trong tâm người cầm cân nảy mực, chứ không phải có tượng đài mới có công lý. Dựng nhiều tượng mà người cầm cân không có tâm thì phỏng có ích gì?

Không chỉ tồn tại nhiều án oan sai, mà ngành tòa án còn tồn tại nhiều bất cập. Trước đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót trong ngành tòa án. Đó là các vụ tạm đình chỉ còn nhiều, lên tới 22.000 vụ trong năm qua. Đặc biệt, Chánh án tòa tối cao cũng chỉ ra nhiều trường hợp viết bản án cũng có lỗi về chính tả thậm chí viết một đằng tuyên một nẻo. Hoặc có trường hợp 2 bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung khiến dư luận đặt câu hỏi về thẩm phán: “Ok thì nhẹ, không ok thì nặng”.

Đây là thách thức lớn khi sắp tới ngành tòa án sẽ công khai bản án lên cổng thông tin. Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong năm 2017, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy. Thẩm phán và thư ký toà đều là những người tốt nghiệp đại học, thậm chí còn cao hơn mà giờ còn phải học viết câu chữ và chính tả, thì không biết giáo viên nào đào tạo cho nổi? Không biết ngành tòa án đã tuyển dụng nhân viên kiểu gì mà để xảy ra những lỗ hổng chết người như thế?

Thiết nghĩ, việc cấp bách hiện nay là ngành tòa án lo xử án cho công tâm, để người dân không bị oan ức phải đánh trống kêu oan với cả tập đơn thư tố cáo trình bày cả 10 năm đi khiếu kiện. Hãy tính đến hiệu quả công việc, đến đạo đức chuyên môn của những người nắm cán cân công lý. Biểu tượng đơn giản dễ hiểu về chiếc cân công lý là quá đủ. Đừng thêm sáng kiến về tượng đài để bòn rút ngân sách trong thời điểm này, mà nên sát cánh cùng chính phủ cùng nhân dân. Thử nghĩ, mỗi ngành, mỗi nghề điều tìm biểu tượng và dựng tượng cho cơ quan mình thì ngân sách đâu mà chịu nổi?

Việc cấp thiết nhất hiện nay, nên trau dồi kiến thức pháp luật và năng lực xét xử cho nhân viên cấp dưới. Xin các cán bộ trước khi đề xuất hãy suy nghĩ tiền thuế của nhân dân có bị lãng phí không? Đừng chỉ nghĩ bòn rút bỏ túi riêng và cùng nhau chia chác. Tội dân lắm.

T.L