Vụ sửa điểm Hà Giang: Liệu có dám “động đến” Bí thư Triệu Tài Vinh

Chẳng thể nào có thể nói phát hiện sai phạm ở Hà Giang là một tin vui hay tin buồn với ngành giáo dục. Vui vì đã phát hiện ra những lỗ hổng trong cơ chế tổ chức thi hiện tại và tìm ra sự tiêu cực tồn tại bao lâu nay. Buồn vì ngành giáo dục đã đánh mất niềm tin cho nhân dân cả nước và những “vị” là con ông cháu cha trước đó đã “chui lọt lỗ kim”, thì đất nước lại có thêm một người không đủ năng lực vào được cơ quan nhà nước.

Tại sao những thí sinh được sửa điểm lại thuộc con ông cháu cha?

Sau ngày 17/7, khi Hội đồng chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với Bộ Công an công bố “điểm thật” của 114 thí sinh đã cho thấy được màn “hô mưa gọi gió” vô cùng khủng khiếp của Phó phòng Khảo thí, ông Vũ Trọng Lương.

Vụ sửa điểm ở Hà Giang cơ quan công an đã tiến hành khởi tố vụ án để tìm ra những sai phạm

Điều đáng nói ngay sau đó là dư luận đã đặt ra câu hỏi rằng những thí sinh được sửa đổi điểm này là ai? Tại sao 114 thí sinh lại được ưu ái đến mức cán bộ Sở phải đích thân sửa điểm cho thí sinh? Và động cơ là gì mà phải sửa điểm chênh lệch tới mức từ 1 điểm thành 8,75 điểm?.

Sau một số câu hỏi đã được đặt ra, thì ngay sau đó báo chí đã mở rộng điều tra thêm thông tin và phát hiện rằng trong số 114 thí sinh được nâng điểm, có nhiều thí sinh là con em của một số lãnh đạo đương nhiệm tỉnh Hà Giang.

Có thể kể đến một số con cháu của cán bộ, lãnh đạo đang công tác tại các phòng ban, cơ quan nhà nước trên địa bàn Hà Giang như: Có một thí sinh là con lãnh đạo phòng GD – ĐT huyện Vị Xuyên; một con em hiệu trưởng trường THPT trên tỉnh; một con của chủ doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn;…

Đặc biệt hơn cả, đó là có 3 thí sinh là con em của Bí thư tỉnh ủy Hà Giang – ông Triệu Tài Vinh, cụ thể thì có con gái ông Vinh học chuyên Anh Văn và 2 cháu gái ruột của ông, hiện gia đình 2 cháu và gia đình ông Vinh đều sống gần nhau.

Trả lời báo chí về vấn đề này, sáng ngày 19/7 ông Vinh đã chia sẻ rằng thông tin con mình được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua ở Hà Giang là có thật, nhưng ông hoàn toàn không biết và ông luôn tin tưởng vào kết quả học tập của con mình.

“Cháu học như thế nào thì trường biết, lớp biết và mọi người biết cả. Báo chí có thể vào trường chuyên Hà Giang để nắm thông tin. Nếu, cháu nó học kém, hoặc tôi phải chạy vạy vào trường chuyên, tôi chịu trách nhiệm. Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”, Bí thư Hà Giang nói.

Ông còn khẳng định sẽ cùng với cơ quan điều tra để vào cuộc và thống nhất xử lý vụ việc. Bên cạnh đó, ông mong rằng báo chí sẽ nhận định được xem các cháu học tập như thế nào, không thể lấy hình ảnh các cháu là con cán bộ mà nói xấu.

Ông Vinh nói: “Các cháu không có lỗi gì cả. Con tôi năm nay thi tốt nghiệp như thế này không phải lỗi của cháu, không phải lỗi của tôi. Báo chí cần định hướng tốt để dư luận có cái nhìn tốt nhất, con lãnh đạo nói chung chất lượng học có đúng như thế không mới là quan trọng”.

Có thể nói, mặc dù các bước, các khâu trong kỳ thi THPT quốc gia là vô cùng chặt chẽ, nhưng lãnh đạo, cán bộ tỉnh Hà Giang đã cố tình phá vỡ, tìm ra lỗ hổng và sửa chữa những kết quả thi của những thí sinh.

Đây là một trong những điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thể lường trước được, khi mà thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trực tiếp ở địa phương, thay vì các kỳ thi cụm như trước đây.

Cứ tưởng, đây đúng là một “Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng”, như những gì Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nói.

Mà thực chất tính đến thời điểm nay, kỳ thi THPT quốc gia đã không hề “an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng” một chút nào. Bởi không những lần đầu tiên phát hiện vụ bê bối về sửa điểm lớn nhất trong kỳ thi THPT quốc gia của nước ta trong nhiều năm qua, mà vụ việc còn có thể diễn ra trên diện rộng khi hiện nay một số nghi vấn đang cần phải làm rõ ở cả Sơn La, Hòa Bình…

Vụ sửa điểm cho con cháu Bí thư tỉnh ủy có liên quan đến câu hỏi “cả nhà làm quan”?

Một tỉnh như Hà Giang có tổng cộng thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 là hơn 5.500 thí sinh, vậy mà có tới 114 thí sinh được sửa điểm. Con số như vậy là quá nhiều, nếu mở rộng quá trình điều tra và phát hiện những “ông bố bà mẹ” đứng phía sau là cán bộ lãnh đạo của tỉnh, thì liệu rằng Bộ Giáo dục sẽ sử trí như thế nào? Đường dây sửa điểm quy mô lớn như vậy thì sẽ bị xử lý ra làm sao?

Chẳng biết đúng hay sai, thực hư ra như thế nào về mối liên hệ giữa những “cậu ấm cô chiêu” được sửa điểm kia có phải là con lãnh đạo, được hỗ trợ về mặt điểm số để bước đi nhẹ nhàng vào con đường “đồng chí này con đồng chí nào” hay không.

Nhưng có một điều có thể dư luận sẽ đánh giá, đó là gia đình nhà Bí thư tỉnh ủy Hà Giang – Triệu Tài Vinh. Người lãnh đạo mà trước đây đã có những ý kiến không tốt của dư luận và nhân dân địa phương về việc dòng họ nhà ông này có nhiều người làm lãnh đạo, cán bộ, giữ vị trí quan trọng của tỉnh.

Ông Triệu Tài Vinh – Bí thư tỉnh ủy Hà Giang có 3 người là con em trong gia đình được sửa điểm lần này

Trong bộ máy cơ quan nhà nước của tỉnh Hà Giang hiện nay, ngoài ông Vinh giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, thì còn có vợ ông bà Phạm Thị Hà, giữ chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang; Ba em trai ông Vinh cũng được bố trí làm lãnh đạo, là Chủ tịch, Phó chủ tịch huyện và một là Giám đốc sở; em gái ông cũng là Phó Giám đốc Sở; em rể ông làm Phó Giám đốc Công an TP. Hà Giang… Ngoài ra còn có một số chức danh khác cũng thuộc “người trong nhà” của ông Vinh.

Và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, thì có 3 người là con cháu ông Vinh được sửa điểm, vậy thử hỏi liệu có mối quan hệ nào trong đường thăng tiến của những cá nhân này sau khi từ đại học đến lúc làm việc trong cơ quan nhà nước?.

Nếu động cơ tạo cơ hội cho con cháu vào các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam như hiện nay, thì làm sao tỉnh Hà Giang có thể phát triển nếu chỉ “ngồi mát ăn bát vàng” và “há miệng chờ sung” chờ ngân sách, chờ những đợt cứu trợ từ Trung ương.

Một tỉnh có những hành vi không hề trung thực, khách quan một chút nào, thì liệu rằng những vị bác sĩ trường y tương lai có thể cứu người hay sẽ giết người? Những chiến sĩ công an tương lai trường an ninh, cảnh sát sẽ bảo vệ người dân hay tìm cách im lặng khi họ gặp nguy hiểm?…

Những thí sinh nằm trong các trường đại học hàng đầu Việt Nam hiện nay, có bao nhiêu người là “tự lực cánh sinh” bằng sự vươn lên của bản thân?. Hay chỉ là những con người có trình độ không những kém cỏi mà phẩm chất còn quá yếu.

Còn nhớ, năm 2014 nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận người đứng đầu ngành giáo dục đã phát ngôn rất thẳng thắn rằng: “Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức Nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”.

Là một người đứng đầu ngành giáo dục khi đó, ông đã rất can đảm khi nói nên điều này, vì sự bất cập trong việc “chạy” của một số người từ khâu đầu vào là trường đại học có cơ hội việc làm, cơ hội làm trong nhà nước cao, cho đến những tồn tại trong việc tuyển chọn công chức hiện nay.

Chắc chắn, trong vụ sửa điểm ở Hà Giang lần nay đã có những “bàn tay nhúng chàm”, đã có “lợi ích nhóm” và vì thế cũng phải cần có những “chiếc lò nóng” để loại bỏ những kẻ đã lập nên đường dây, chạy chức, chạy quyền “từ trong trứng”.

Một xã hội muốn phát triển, một Hà Giang muốn đẩy mạnh kinh tế đưa 2 huyện nghèo nhất của cả nước vươn lên, muốn có ngân sách tự chủ để xây trụ sở… Thì chắc chắn, nếu có những kẻ được “chạy đại học” đi đến “chạy chức” và “chạy quyền” thì cần phải loại bỏ. Nếu Hà Giang không thể làm được, cứ mãi trơ trơ, lấy lý do để bao bọc cho cái sai… thì dư luận mong rằng Trung ương sẽ vào cuộc.

(Theo But Danh)