Vụ ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD hối lộ – Chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?

Vụ mua bán AVG vừa có kết luận điều tra, nhưng đây chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Nguyên bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD, nguyên bộ trưởng và kẻ từng rao giảng đạo đức Trương Minh Tuấn nhận hối lộ 200.000 USD. Đó mới chỉ là một phần của sự thật, vì những khoản hối lộ – nhận hối lộ khủng khiếp hơn đã không được điều tra và công bố.

Vào năm 2014, Nhà xuất bản chính trị quốc gia từng xuất bản công trình nghiên cứu mang tên “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp” trong đó khẳng định rằng : “Những biểu hiện của lợi ích nhóm tiêu cực đã được xã hội tổng kết thành các hành vi “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương”. Và dư luận xã hội đã tổng kết muốn có chức quyền, lợi ích phải có “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ”. Tiếc rằng, công trình nghiên cứu này đã không được công chúng biết đến.

Trên thực tế, lợi ích nhóm ở VN đã xuất hiện từ rất lâu và trở thành căn bệnh trầm kha, ăn sâu vào máu thịt VN khó thể nào tách rời. Hãy bắt đầu chỉ với vụ án thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ, còn có tên là Vũ “nhôm”.

Trong 2 ngày 8 và 9-1-2019, báo chí đồng loạt thông tin rằng, cơ quan điều tra Bộ công an đã xác định với sự giúp sức của một số cán bộ có vị trí cao, Vũ “nhôm” đã thâu tóm 7 khu đất “vàng” tại TP.HCM và Đà Nẵng rồi chuyển nhượng để thu lời bất chính, gây thiệt hại 1.159 tỉ đồng.

Liên quan đến vụ án Vũ “nhôm” thâu tóm đất vàng đã có nhiều tướng công an bị khởi tố, riêng hai tướng Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành sẽ đối diện với mức án 3-12 năm tù.

Vụ án Vũ “nhôm” là minh chứng thực tế có sức thuyết phục để khẳng định rằng, tư bản thân hữu ở Việt Nam là một câu chuyện có thật, là một hiện trạng nhức nhối. Khi vụ án Vũ “nhôm” bục vỡ, nhiều ý kiến cho rằng, trên đất nước này có hàng ngàn Vũ “nhôm”.

Theo các học giả quốc tế, quyền lực chính trị do các quan chức kiểm soát có thể nhanh chóng biến thành vô vàn của cải nếu có các đối tác cấu kết trong khu vực kinh tế tư nhân. Ở Việt Nam, vụ án Mobifone mua AVG đang trên bờ vực phá sản với giá trên trời là điển hình cho việc dùng công quỹ để mua đắt tài sản tư nhân.

Thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG được thực hiện từ cuối năm 2015 với giá gần 8.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc mua bán cổ phần này đã gây ra nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó có khoản thiệt hại 1.134 tỉ đồng do mua nợ phải trả của AVG.

Trong đại án Mobifone mua AVG, số phận của hai cựu lãnh đạo Bộ thông tin- truyền thông là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đang như chỉ mành treo chuông. Dư luận cho rằng, đằng sau sự vụ mua bán bất thường này là sự “lại quả” khủng khiếp mà AVG giành cho các quan chức. Nếu không được “lại quả” khủng khiếp làm sao vụ mua bán này có thể diễn ra?

Hai đại án Vũ “nhôm” và Mobifone mua AVG là ví dụ điển hình cho đặc trưng “Sự cấu kết chặt chẽ giữa quan chức và doanh nhân để hai bên cùng thu lợi khủng bất chính”. Vụ án ngân hàng Oceanbank chi lãi ngoài khủng cho các quan chức trong Tập đoàn dầu khí Việt Nam dẫn đến hàng chục quan chức cao cấp của tập đoàn này vướng vòng lao lý, mà gần đây nhất bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam bị công an bắt vào ngày 06-01-1019 là ví dụ điển hình cho đặc trưng “Tham nhũng cấu kết trong doanh nghiệp nhà nước để ăn cắp tài sản của nhà nước”. Vụ án Năm Cam diễn ra vào năm 2000 là ví dụ điển hình cho đặc trưng “Sự cấu kết giữa lực lượng thực thi pháp luật với tội phạm có tổ chức để thu lợi bất chính”.

Ba đặc điểm trên đều mô tả cho các đặc trưng điển hình của “tư bản thân hữu”. Một trong những điều đang đẩy nền kinh tế Việt Nam xuống vực thẳm.

Trong khi VN chưa bao giờ lên tiếng cảnh báo thảm họa tư bản thân hữu một cách đầy đủ và liên tục, thì người đứng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình liên tục chỉ rõ thảm trạng. Ngày 16-10-2014, ông Tập nói: “Tham nhũng trong công tác nhân sự là một vấn đề nghiêm trọng, vi phạm nguyên tắc trong bổ nhiệm cán bộ rất phổ biến. Hệ thống quản lý cán bộ chỉ để phô trương. Trong một số lĩnh vực, vấn đề hối lộ lấy phiếu bầu, chạy chức chạy quyền, và mua quan bán chức rất trầm trọng”.

Rõ ràng, tư bản thân hữu đã mang đến cho nhiều người ở Việt Nam và Trung Quốc những tài sản khổng lồ, nhưng đồng thời cũng gieo rắc cho hai quốc gia những tuyệt vọng khủng khiếp.