Vinh có nhất thiết dùng hơn 4.000m2 đất để đặt tượng đài lãnh tụ ở tận trời tây?

Để đánh dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk – Liên bang Nga, mới đây TP. Vinh đã triển khai xây dựng nơi đặt tượng đài Lê Nin. Câu hỏi đặt ra ở đây là tượng đài Lê Nin ở Nga đã dỡ bỏ, sao Nghệ An vẫn dựng để tưởng nhớ? Vinh có nhất thiết phải bày tỏ lòng biết ơn với lãnh tụ ở tận trời tây trong khi người dân còn đói nghèo?

Theo thông tin từ báo Nghệ An, chính quyền tỉnh Ulyanovsk đã trao tặng cho tỉnh Nghệ An bức tượng Lênin được đúc bằng đồng, có chiều cao 3 mét, được chế tác tại Nga, sau đó vận chuyển về Việt Nam đến TP.Vinh, để tô thắm thêm tình hữu nghị giữa 2 tỉnh. Sau một thời gian nghiên cứu, UBND thành phố Vinh quyết định chọn khu đất gần 4.300m2 để đặt tượng đài. Trong đó, chỉ riêng khu vực tượng đài đã có diện tích lên đến 3.000m2. Lạ là tỉnh Ulyanovsk tặng tượng cho Nghệ An nhưng tại tỉnh này không đặt mới tượng đài LêNin, liệu họ tặng tượng cho Nghệ An hàm ý là muốn buông bỏ gánh nặng?

Nhiều người tự hỏi, trong khi Nghệ An là tỉnh nghèo năm 2019 phải xin gạo cứu đói, nhưng dành hàng nghìn mét vuông giữa trung tâm thành phố để làm nơi đặt bức tượng có vốn đầu tư 12 tỷ đồng, liệu có quá lãng phí? Sao không dành tiền này đầu tư cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho người dân bớt nghèo bớt khổ.

Ở trong nước từ Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Trị, Bình Định,… ở đâu cũng thấy những công trình tượng đài, quảng trường trăm tỷ, nghìn tỷ được xây bằng tiền ngân sách, mà nói trắng ra là tiền thuế của người dân còng lưng đóng góp. Thì liệu có nên đặt thêm tượng đài Lênin cho dân ngắm để bớt đói nghèo?

Chưa kể, tượng đài Lênin đã được khắp nơi trên thế giới đập bỏ từ 30 năm nay. Ngay tại nước Nga, người dân đã nhiều lần đòi hỏi phải đưa Lê Nin ra khỏi lăng. Nhưng ông Putin vẫn giữ Lê Nin lại trong lăng, vì như ông nói, còn có người có quá khứ liên quan đến Lê Nin. Nga đã loại tượng đài Lên Nin ra khỏi đời sống đã từ hàng chục năm nay, họ xem Lê Nin là nguyên nhân đau thương cho nước Nga, nhưng Vinh lại dựng tượng thế này há chẳng làm khó cho ông Putin và nhân dân Nga?

Không chỉ Nga mà 14 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây bao gồm Ukraina một quốc gia đồng sáng lập ra nơi sinh ra LêNin, cũng đã dỡ bỏ tượng đài ông. Chính quyền Ukraina ráo riết đấu tranh với những di sản của thời Xô-viết, phá bỏ các tượng đài di tích, đổi tên đường phố và các điểm dân cư. Hầu hết các nước trên thế giới đều đập bỏ tượng Lê Nin, giờ Nghệ An dựng tượng đài Lênin, liệu có đi ngược với xu hướng của toàn thế giới?

Trong khi dân Nghệ An còn nghèo, nghèo đến mức nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng cao Nghệ An mang thai đến thời kỳ sắp sinh vượt biên sang Trung Quốc bán con nơi xứ người, bởi cuộc sống khó khăn. Thì lãnh đạo TP.Vinh lại nghĩ đến tượng đài, phải chăng tượng đài quan trọng hơn cuộc sống của người dân?

Dân thì nghèo đói, chính quyền thì xin gạo cứu đói, giờ lại dựng tượng đài, xin thưa, dân không thể nhìn tượng đài mà họ làm việc và cống hiến hết mình cho đất nước. Vì thế thay vì xây dựng nơi đặt tượng lãng phí, thì dùng tiền ấy giúp dân thoát nghèo. Khi đã có cuộc sống ổn định, có đủ cơm ăn áo mặc thì họ sẽ chuyên tâm phụng sự cho đất nước.

Nghệ An nên vì dân mà nghĩ lại, nếu tỉnh thành nào cũng muốn có tượng đài, có công trình vĩ đại thì chắc chắn bầu sữa ngân sách sẽ cạn kiệt. Nhiều lãnh đạo tài ba trên thế giới hầu như họ không muốn tạc tượng mình sau khi qua đời. Điển hình là ông Fidel Castro cũng để lại di chúc không xây tượng đài bất cứ ở đâu. Thiết nghĩ, chỉ có tượng đài trong trái tim của con người mới bền vững, còn tượng đài bằng sắt hay đồng thì cũng phai mờ theo năm tháng mà thôi.

Khánh Lâm