Tuyên không phạm tội bị toà tối cao xử lý kỷ luật
Năm 2018, Chánh án tỉnh Kon Tum là ông A Brao Bim đã điều động 3 ông Chánh án của 3 toà án huyện về TAND tỉnh chỉ để xét xử phúc thẩm vụ án 5 bị cáo cưa khúc gỗ trắc chết khô, bị toà sơ thẩm TAND huyện Đắk Hà kết tội trộm cắp tài sản.
Ngày 1-6-2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án củi khô gồm: ông Nguyễn Minh Thành (Chánh án TAND huyện Kon Rẫy), ông Phạm Hữu Luân (Chánh án TAND huyện Đăk Glei), ông Trần Phú Lợi (Chánh án TAND huyện Ia H’drai) đã thống nhất tuyên cả 5 bị cáo KHÔNG PHẠM TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN. Lý do, căn cứ theo Nghị định 157/2013 và Điều 175 BLHS thì hành vi cưa khúc gỗ trắc chết khô với khối lượng 0,123 m3 thì chỉ có thể bị xử phạt hành chính với số tiền 12 triệu đồng.
Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ
Với phán quyết trên, người dân tỉnh Kon Tum và những người trong ngành tư pháp vỡ oà hạnh phúc vì CÔNG LÝ đã được thực thi.
Niềm vui ấy chỉ vỏn vẹn đúng hơn 1 tháng, lúc này Phó Chánh án TAND Tối cao NGUYỄN TRÍ TUỆ ký quyết định kháng nghị (ký thay Chánh án NGUYỄN HOÀ BÌNH) yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử Giám đốc thẩm phải huỷ bản án của TAND tỉnh Kon Tum để xử 5 bị cáo theo hướng có tội.
Còn ông Chánh án tỉnh ABrao Bim bị điều động về làm Phó Vụ trưởng vụ thi đua khen thưởng của TAND Tối cao (được một thời gian thì ông này phải về tỉnh Kon Tum làm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ). Đưa Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang về làm Chánh án tỉnh Kon Tum thay thế ông ABrao Bim.
Rất tiếc TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã không vượt qua được áp lực chỉ đạo của TAND Tối cao nên đã huỷ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum, yêu cầu toà này phải xét xử có tội. Một ngày trước khi xét xử lại phúc thẩm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã tổ chức cuộc họp mời TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Dân nguyện của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội để bàn về vụ án.
Tại cuộc họp, Đại diện Bộ nông nghiệp, đại diện Ban Dân Nguyện và Đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa đều khẳng định chỉ có thể xử phạt hành chính 5 bị cáo, việc kết tội trộm cắp tài sản là làm oan cho họ. Chỉ duy nhất Toà Tối cao (do thẩm phán Bùi Ngọc Hoà thay mặt lãnh đạo toà Tối cao dự cuộc họp) vẫn bảo lưu rằng có tội.
Dưới áp lực của TAND Tối cao, ngày 12-8-2019, TAND tỉnh Kon Tum xét xử lại phúc thẩm, Phó Chánh án tỉnh Đỗ Thị Thu Hương làm chủ toạ, đã xử theo kháng nghị của TAND Tối cao tuyên cả 5 bị cáo gồm: Phan Tiến Dũng, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình phạm tội trộm cắp tài sản với mức án từ 6-12 tháng tù (3 người được hưởng án treo, 2 người án tù giam).
Ngay lập tức, 3 ông Chánh án từng tuyên không phạm tội đã bị TAND Tối cao yêu cầu xử lý kỷ luật. Trong đó, ông Chủ toạ Nguyễn Minh Thành từ Chánh án huyện bị mất hết chức vụ, điều động về làm thẩm phán của toà tỉnh, ông Phạm Hữu Luân từ Chánh án huyện Đăk Glei bị giáng chức qua làm Phó Chánh án TAND huyện Ngọc Hồi (cách nhà 50km), ông Trần Phú Lợi dù vẫn giữ được chức Chánh án huyện nhưng lại bị yêu cầu xử lý về mặt Đảng. Dĩ nhiên cả 3 ông này đều bị xếp vào diện không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2019.
Còn người xét xử sơ thẩm kết tội 5 bị cáo là bà Phạm Thị Hường – Phó Chánh án TAND huyện Đăk Hà được điều động về làm Phó Chánh án TP Kon Tum. Ngày mai, 13-5, TAND Tối cao bổ nhiệm Phó Chánh án tỉnh Đỗ Thị Thu Hương (người kết tội 5 bị cáo tại phiên phúc thẩm ngày 12-8-2019) làm Chánh án tỉnh Kon Tum.
Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10-2019, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng là ông Nguyễn Bá Sơn đã chất vấn Chánh án Nguyễn Hoà Bình. Tuy nhiên ông Bình giải trình không đúng quy định pháp luật và cũng chỉ hứa sẽ xem xét lại 1 cách cẩn trọng.
Trong vụ án này, tại hai cuộc họp của Uỷ ban Tư pháp, đã có tới 2 lần Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga yêu cầu Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí giải trình về vụ án. Bà Nga khẳng định: “Hành vi của 5 bị cáo sai đến đâu thì xử lý đến đó. Không thể chỉ bị xử phạt hành chính mà lại đi xử lý hình sự”.
Đáng buồn là cả hai lần ông Bình đều giao cho cấp dưới đi giải trình vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm có tội. Riêng Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí hứa sẽ có những động thái xem xét lại vụ án.
Ngay sau đó VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã yêu cầu TAND tỉnh Kon Tum chuyển hồ sơ vụ án để đơn vị này xem xét kháng nghị Giám đốc thẩm. Thế nhưng Viện này đã chậm chân hơn, TAND Tối cao đã nhanh chóng rút hồ sơ từ toà tỉnh lên và ôm luôn hồ sơ. Không rút được hồ sơ chính, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng không thể ban hành kháng nghị Giám đốc thẩm được.
Nhà báo Nguyễn Đức