Tượng đài và sự khốn nạn!
Quảng Trị một tỉnh nghèo bậc nhất quốc gia vừa khánh thành Tượng đài ông Fidel Castro lãnh tụ Cuba 115 tỷ. Một số tiền không nhỏ để xây hàng trăm cây cầu cho vùng sâu xa để học sinh không còn treo lơ lửng tính mạng khi băng suối tới trường hoặc hàng trăm căn nhà cho người nghèo có nơi che mưa nắng….
Chính Lãnh tụ Fidel Castro trước khi chết đã dặn chính quyền Cuba không được đặt tên đường hay xây lăng, dựng tượng mình. Sau khi ông qua đời năm 2016, em trai của Lãnh tụ Fidel Castro khẳng định: “Sẽ không có tượng đài nào, tượng toàn thân hay bán thân về Fidel, không đường phố nào, công viên nào đặt tên theo đồng chí ấy, bởi vì đó là điều mà đồng chí mong muốn: không sùng bái cá nhân”. Ấy vậy mà, sau khi ông mất, tỉnh Quảng Trị, dù vẫn thường xuyên xin gạo cứu đói hàng năm, lập tức đã bỏ ra 100 tỷ đồng chỉ để xây cụm công viên với điểm nhấn là bức tượng bán thân (chân dung) của ông. Hành động này khiến người ta nghĩ ngay đến câu nói, “Nhà bên cạnh có người mất, mà hàng xóm làm giỗ to nhất làng”.
Ý nghĩa ngoại giao thông qua bức tượng đài này là gì? Là bày tỏ sự tưởng nhớ của Việt Nam đối với người anh em CuBa? Nhưng liệu tôn kính không, trong khi ngay cả nguyện vọng cuối đời của họ chúng ta vẫn cố tình làm trái? Cả nước CuBa nhất nhất làm theo tâm nguyện của ông Fidel Castro, chỉ có mỗi Việt Nam là đi ngược lại, vậy có nực cười hay không? Chả nhẽ điều cố tình này sẽ tốt hơn cho quan hệ bang giao giữa hai nước? Tôi không biết lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã suy nghĩ thế nào khi quyết định xây tượng đài này? Hay nói đúng hơn là động lực để cố ý làm trái này là gì?
Dư luận từng biết đến câu nói nỗi tiếng của GS NGô Bảo Châu khi Sơn La xây tượng đài 1.400 tỷ – “Số tiền này đủ để xây toàn bộ trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm , sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.
Ý nghĩa lịch sử của tượng đài dường như không còn là yếu tố chính thúc đẩy triển khai Dự án nữa, mà yếu tố thúc đẩy chính là Nhà thầu xây dựng với đa phần là nhà thầu sân sau của quan chức.
Tôi tin rằng, nếu đưa dự án ra công khai cho tất cả các nhà thầu trên toàn quốc dự thầu sòng phẳng thì chắc chắn Tỉnh ủy Quảng Trị sẽ không thực hiện Dự án tượng đài Fidel Castro, bởi 19 tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Đinh Dậu 2017 mới đây có cả Quảng Trị (Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Nông).
Sự khốn nạn trong các Dự án tượng đài là sự thể hiện nổi bật của bất công xã hội.
(Theo But Danh)