Đưa thông tin về giá điện vào diện “Mật” nhằm mục đích gì ?

Những ngày nhiều gia đình xôn xao vì con số nhảy vọt trong hóa đơn tiền điện tháng tư sau khi ngành điện áp giá mới. Bạn tôi đang sống ở TP HCM phàn nàn: “Anh nghĩ sao khi ngành điện nói chỉ tăng giá 8,36% nhưng hóa đơn tiền điện nhà tôi tăng gần gấp đôi, thế là thế nào?”

“Không, mức tăng đó là tăng giá bình quân anh ạ”, tôi bảo, “giá điện sinh hoạt có 6 bậc, càng dùng nhiều phải trả giá lũy tiến càng cao. Giá bình quân chỉ sử dụng làm cơ sở để tính toán giá điện bán lẻ thôi”. Bạn tôi chưa chịu: “Tôi thấy anh sai sai thế nào ấy. Nói bình quân tăng 8,36% thì trung bình phải tăng 8,36% mới phải chứ?”

Cách hiểu của anh không phải vô lý hoàn toàn. Đa số người dân dùng điện đang hiểu “bình quân” nghĩa là “trung bình”. Nhưng ngành điện không nghĩ như vậy.

Theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngành điện sử dụng “đơn giá điện bình quân” để từ đó phân bổ giá điện bán lẻ. Giá điện “bình quân” – thuật ngữ ngành điện đang dùng thực chất là giá điện cơ sở, không phải giá điện “trung bình”. Từ giá cơ sở này, ngành điện sẽ tính toán để phân bổ giá điện bán lẻ cho khối sản xuất, sinh hoạt, hành chính.

Trong khi đó, “giá điện trung bình” được hiểu là giá đồng đều của tất cả những người tiêu thụ khác nhau trong thị trường điện, bằng tổng doanh thu tiền điện chia cho số lượng điện năng sử dụng. Theo đó, “giá điện trung bình” và “giá điện bình quân” là hai con số hoàn toàn khác nhau.

Khi Bộ Công thương và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo tăng giá điện bình quân lên 8,36%, họ sử dụng giá điện bình quân mới để so sánh với giá điện trung bình của các nước và lý lẽ rằng giá điện của Việt Nam đang ở mức rất thấp. Song, vì giá điện bình quân mà ngành điện đang áp dụng hoàn toàn khác với giá điện trung bình, nên việc sử dụng nó để so sánh với giá điện trung bình của các nước là một sự khập khễnh.

Chính vì sự thiếu rõ ràng này, nhiều người dân bức xúc vì ngành điện “nói một đằng, tăng một nẻo”. Ngôn từ và cách thức truyền tải thông tin của ngành điện đến người dân đã không đầy đủ, chính xác, dẫn đến một cách hiểu không thống nhất giữa hai bên: người bán điện và người mua điện. Đó là lý do quan trọng khiến người dùng điện bất bình.

Nhưng điều đáng ngại là trong cách tư duy, Bộ Công thương mới đưa ra đề xuất “đưa thông tin điều chỉnh giá điện vào danh mục thông tin mật”. Điều này mâu thuẫn với quy định trong Luật Điện lực mà mục tiêu là xây dựng thị trường điện lực “bảo đảm tính công bằng, minh bạch”. Việc này cũng đi ngược lại tinh thần nỗ lực cải cách thể chế, nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của một chính phủ kiến tạo.

Bất chấp những vấn đề của ngành điện được nêu, người dân nhiều năm qua chỉ nhận được những thông báo cắt điện cùng khuyến cáo chi phí đóng nối điện một cách lạnh lùng nếu khách hàng lỡ đóng tiền muộn ít ngày. Họ hiếm khi được thông báo về một lộ trình giải quyết những bất hợp lý của ngành điện, thậm chí một sự giải thích ngắn gọn để hiểu ngành này đang hoạt động thế nào, cần sự chia sẻ gì từ khách hàng, nếu có, hay không.

Bởi thực chất, EVN cũng là doanh nghiệp của dân. Theo nguyên tắc “nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thì những doanh nghiệp nhà nước như EVN là công ty mà mỗi người dân – người đóng thuế – được xem như một cổ đông. Về lý thuyết, những “cổ đông” này có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, được giải thích và chất vấn nếu có bức xúc về doanh nghiệp.

Khi chuyển về nhà mới tại Vancouver, Canada, năm ngoái, việc tôi làm đầu tiên là đăng ký sử dụng điện. Tôi không phải đến chi nhánh điện lực, ngồi chờ giao dịch với nhân viên để được điền vào đơn đề nghị lắp đặt công tơ, hay trình chứng minh thư, sổ hộ khẩu, sổ đỏ photo công chứng, cũng không phải nói với ai “phiền chị, phiền anh giải quyết sớm vì nhà có trẻ nhỏ”. Chỉ cần 5 phút, tôi đã được tạo một tài khoản trên website của Công ty điện lực BC Hydro.

Bất cứ khi nào tôi cũng có thể vào xem rất chi tiết về lượng điện tiêu thụ và tiền điện theo ngày, hay tổng tiền điện lũy tiến trong kỳ của gia đình. Tài khoản cũng có tính năng so sánh lượng điện tiêu thụ giữa các tháng, cũng như dự báo tổng tiền điện trong kỳ. Mọi thông tin, thông báo đều rõ ràng, chi tiết, tôi không bao giờ phải gọi tới đường dây nóng hay đến gặp nhân viên ngành điện để phàn nàn.

Đầu tháng ba vừa rồi, Công ty điện lực BC Hydo thông báo tăng giá điện ở tỉnh bang British Columbia, hiệu lực từ đầu tháng tư. Họ nêu ra lộ trình rõ ràng, rằng trong vòng 5 năm tới, giá điện sẽ tăng tổng cộng là 8,1% để người dân và doanh nghiệp có kế hoạch ngân sách cho tiêu thụ điện trong dài hạn.

Để được phê duyệt mức tăng giá này, BC Hydro phải trải qua nhiều vòng chất vấn, phải giải trình đầy đủ thông tin về doanh thu, chi phí, hiệu quả kinh doanh và lý do tăng giá trước một hội đồng độc lập do chính phủ tỉnh bang lập ra. Hội đồng này có trách nhiệm kiểm soát giá cả của những doanh nghiệp độc quyền trong ngành năng lượng, đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa người tiêu thụ và nhà cung cấp. Tất cả những thông tin của BC Hydro giải trình với hội đồng đều công khai trên mạng cho dân đọc.

Thế giới không thiếu những doanh nghiệp đã từng độc quyền trong các dịch vụ công như điện, nước, viễn thông. Và nhiều nước cũng không thiếu kinh nghiệm quý báu để giúp những doanh nghiệp này trở nên thân thiện với thị trường.

Tôi cũng hiểu vướng mắc về cơ chế và một số nhiệm vụ chính trị với một doanh nghiệp như EVN là có thật, và chúng ta khó mà có ngay thị trường điện cạnh tranh như mơ ước. Nhưng điều đó không có nghĩa là cách ứng xử với dân chúng, những khách hàng của ngành điện không thể cải thiện.

Xoá bỏ việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt, minh bạch hóa thị trường điện là hai điều đã ghi trong Luật Điện lực. Truyền thông ngành điện với thái độ tôn trọng, cầu thị không khi nào là thừa để tạo ra một sự đồng thuận, thấu hiểu ngành điện thay vì những bất bình không đáng có. Cách giao tiếp ấy tất nhiên không có việc “đưa giá điện vào danh sách thông tin mật”.

Người dân không ngại phải trả tiền điện theo giá thị trường. Vấn đề là giá họ nhận được phải thể hiện đầy đủ đặc tính của thị trường đúng nghĩa: hợp lý, công bằng và minh bạch.

Nguyễn Đăng Anh Thi (Chuyên gia Năng lượng và Môi trường)