Từ chuyện 7 hiệp hội “khóc ròng” với Thủ tướng nghĩ về việc xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay

Câu chuyện 7 hiệp hội “khóc ròng” với Thủ tướng vì gặp vướng mắc về quy định trong sản xuất, kinh doanh đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, đi tìm nguyên nhân của sự “khóc ròng” này, người ta mới ngã ngửa vì trước đó Chính phủ đã đồng ý sẽ bãi bỏ quy định gây vướng mắc – nghĩa là Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp. Vậy nhưng buồn thay, những vướng mắc này vẫn tiếp tục hiện diện, tiếp tục gây khó khăn chỉ vì Bộ chủ quản chậm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thay thế văn bản cũ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đồng loạt gửi đơn “kêu cứu” đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì những vướng mắc trong Nghị định 09/2016/NĐ-CP Quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đáng chú ý, những vướng mắc này không phải đến bây giờ mới phát sinh. Từ năm 2017, Cơ quan chủ quản (Bộ Y tế) đã có tín hiệu “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp bằng cách yêu cầu đơn vị cấp dưới không kiểm tra những nội dung liên quan đến quy định gây vướng mắc. Tiếp đó, hồi tháng 5 năm nay, Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong Nghị quyết này, Chính phủ đã nghi nhận những vướng mắc trên và đưa ra chủ trương sẽ xóa bỏ các quy định gây vướng mắc. Vậy nhưng sau nhiều tháng, dù được Chính phủ đồng ý nhưng Bộ Y tế vẫn quá thờ ơ trong việc xây dựng Thông tư mới thay thế cho Thông tư cũ. Điều này khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Trên bảo, dưới chẳng quan tâm: lỗi nằm ở đâu?

Tình trạng trên “bật đèn xanh” nhưng dưới “giữ nguyên đèn đỏ” đang là vấn đề gây ra không ít rào cản cho doanh nghiệp. Có thể nói, thời gian vừa qua, Chính phủ đã hết sức quyết liệt trong việc gỡ khó cho doanh nghiệp. Vậy nhưng trên thực tế, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt vẫn vô cùng nhiều. Sự việc 7 hiệp hội cùng nhau “khóc ròng” và đồng loạt gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể trên là một minh chứng vô cùng rõ ràng.

Vấn đề Chính phủ đồng ý gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng các cơ quan phía dưới cứ nhềnh nhàng, chậm chạp trong việc hiện thực hóa “ý chí” của Chính phủ thành các quy định mang tính pháp lý cho thấy thực trạng “trên bảo, dưới… không nghe” đang là rào cản lớn nhất khiến cho Chính phủ và doanh nghiệp chưa bắt tay được với nhau.

Để tình trạng trên diễn ra, vấn đề thứ nhất khiến chúng ta băn khoăn là khả năng điều hành, quản lý của Chính phủ. Rõ ràng, khi mà cấp dưới thờ ơ với những chỉ đạo của cấp trên thì đó là một sự thất bại của người lãnh đạo. Nó cho thấy “sức nặng” trong chỉ đạo của người quản lý là hầu như không có. Mặt khác, nó cũng cho thấy việc cấp trên điều hành nhưng không kịp thời, sâu sát trong kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng tạo khoảng chống trong việc đưa sự chỉ đạo biến thành thực tiễn.

Ngược lại, khi mà phía trên chỉ đạo nhưng bên dưới chẳng quan tâm thì cũng đã đến lúc chúng ta phải xem xét đến việc có nên cho phía dưới tiếp tục tồn tại nữa hay không. Bởi rõ ràng, cấp dưới làm không được việc, thậm chí là có thái độ hững hờ với những gì cấp trên chỉ đạo thì đây không phải là một người cấp dưới tốt.

Suy cho cùng, để xảy ra tình trạng trên bảo dưới chẳng quan tâm như trên, trách nhiệm đến từ cả phía Chính phủ (với tư cách là người chỉ đạo, điều hành phía trên) lẫn Cơ quan giúp việc phía dưới (đối với trường hợp này là Bộ Y tế). Qua đây, cả hai bên đều phải nghiêm túc xem xét, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của chính mình để tìm cách giải quyết hợp lý nhất.

Từ vụ viêc trên nghĩ về chuyện “làm luật” ở nước ta

Cũng từ vụ việc này, có thể thấy một hạn chế rất lớn của chúng ta là vấn đề xây dựng pháp luật. Có những quy định người dân, doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi nhưng mãi chẳng được ra lò. Ngược lại, có không ít quy định chưa thực sự “chín muồi” nhưng người ta vẫn vội vàng đưa ra thông qua. Đây là môt nghịch lý đang khiến cho nhiều mâu thuẫn, bức xúc nảy sinh.

Pháp luật là một bộ phận thuộc kiến trúc thượng tầng nên trong không ít trường hợp, nó luôn đi sau so với thực tiễn đời sống. Chính vì vậy, khi các vướng mắc nảy sinh, cơ quan làm luật cần nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi để quy định được đưa ra phù hợp với tình hình. Cùng với đó, việc xây dựng quy định cũng phải mang tính dự báo. Nghĩa là ở đây, các nhà làm luật phải nghiên cứu thực tiễn, nắm bắt xu hướng để từ đó đưa ra các quy định có khả năng bao quát, phù hợp với những gì sẽ phát sinh trong tương lai. Chỉ có như vậy, các quy định được đưa ra mới có thể kéo dài “tuổi thọ” và đáp ứng được nhu cầu của đời sống xã hội, tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội được nó điều chỉnh phát triển đúng hướng.

Nếu tình trạng “trên bảo dưới không nghe” tiếp tục tồn tại thì rất khó để cho sự thống nhất trong quản lý nhà nước được duy trì. Khi đó, sự bất đồng giữa các cơ quan sẽ phát sinh, trở thành rào cản lớn trong quá trình phát triển đất nước.

Theo Bút Danh