Tôi tin Việt Nam sẽ ổn thôi
– Chính phủ xác định dốc sức tổng tấn công đợt này để đưa cuộc sống trở về nhịp bình thường. Và tôi tin, sự kết thúc của đại dịch đã gần kề và Việt Nam sẽ ổn thôi.
Đại dịch Covid-19 đã làm rung chuyển toàn cầu, thế giới vốn đã phẳng nay trở nên phẳng hơn. Sau ba tháng rung lắc và dịch chuyển, một trật tự ổn định mới bắt đầu được thiết lập.
Các quốc gia từ đông dân nhất, cho đến ít dân nhất; từ bảo thủ nhất, đến tự do nhất, để bảo vệ công dân của mình đều đã vào cuộc và áp dụng triệt để các biện pháp để giảm tốc độ lây nhiễm đồng thời dốc sức chữa trị các ca bệnh, biên giới các nước đã đóng lại, các điểm tụ tập đông người trên toàn thế giới đã đóng cửa gần hết.
Tốc độ lây nhiễm đã có xu hướng chậm lại. Trung Quốc đất nước đông dân nhất, nơi đầu tiên khởi phát đại dịch tốc độ lây nhiễm đã giảm hẳn, các hoạt động thường ngày từng bước khôi phục. Số liệu thống kê cho thấy Hàn Quốc dịch đã thiết lập đỉnh và bắt đầu giảm. Tại Pháp thuốc chữa đã được thử nghiệm thành công và bước đầu cho kết quả đáng khích lệ.
Virus đang từng bước bị cô lập. Những cái bắt tay, hôm hôn thân thiện trong toàn nhân loại gần như đã biến mất, con người cũng trở nên cô đơn hơn trong thế giới thật, bù lại mạng lưới viễn thông toàn cầu hoạt động hết công suất, con người tăng cường kết nối trên thế giới ảo, nơi Covid-19 không thể xâm nhập được.
Việt Nam làm rất tốt trong chống đại dịch đến nay.Với gần 100 triệu dân, Việt Nam đã làm rất tốt công việc của mình, con số 134 ca nhiễm mới với 17 người khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong đã nói lên tất cả. Đã lâu rồi tôi mới thấy lại một Việt Nam phát huy được sức mạnh tổng thể của mình như thế. Điều đáng lưu ý chúng ta đã làm tốt việc của mình với tất cả sự chia sẻ và lòng bao dung, là một phẩm chất vốn có của dân tộc Việt Nam.
Tôi rất ấn tượng với tuyên bố: Đất nước thực sự bước vào “thời chiến” với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. … Chủ tịch nước nói: “Chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”. Thủ tướng khẳng định: “Đã chuẩn bị sẵn sàng kể cả tình huống xấu nhất”… Chính phủ xác định dốc sức tổng tấn công đợt này để đưa cuộc sống trở về nhịp bình thường. Chính phủ cũng lường trước được dịch bệnh có thể kéo dài, vì thế, xác định vừa chiến đấu, vừa sản xuất đúng như thời chiến, tuyệt đối không để nền kinh tế “đóng băng”.
Việt Nam là một đất nước trẻ, sức đề kháng cao. Độ tuổi trung bình Việt Nam là 32, Trung Quốc 38, Ý là 47. Lưu ý từ 32 đến 47 có khoảng cách gần một thế hệ, lực lượng trẻ có ưu thế vượt trội trong mọi cuộc chiến.
Một người bạn vong niên về hưu đồng ý với quan điểm: Kỹ năng quản trị đất nước thời chiến của Việt Nam ta rất tốt và đã được kiểm chứng. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng, cho dù đó là cuộc chiến với Virus thì cả dân tộc sẽ đứng lên thậm chí nếu cần thì mỗi người sẽ đứng yên tại chỗ và kỹ năng này bộc lộ rõ.
Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, một nữ đồng nghiệp cũ của tôi tên Trịnh Hương nói, mỗi người đồng thời là 3 chiến sĩ: chiến sĩ tinh thần, chiến sĩ thể lực và chiến sĩ kinh tế. Tôi đùa, cô là chiến binh 3 trong một đấy.
Một ngươi bạn khác, nữ doanh nhân Trần Hằng rất có niềm tin Việt Nam sẽ thắng được cuộc chiến này, ít nhất là kết quả tốt hơn nhiều so với thế giới. Có thể là 3 tháng nữa cho cuộc chiến nhưng sẽ không có tổn thất y tế nghiêm trọng như nước bạn, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục áp dụng triệt để các biện pháp phòng ngừa và không được chủ quan vì một cánh bướm nhỏ bay ở Hồ Tây vẫn có thể làm rung chuyển cả đất nước.
Theo Giáo sư Michael Levitt, người đoạt Nobel Hoá học qua việc nghiên cứu các con số thì việc ngăn chặn virut Covid-19 sẽ có kết quả sớm hơn mọi người đang lo sợ và nhận định “Sự kết thúc của đại dịch đã gần kề”. Bạn không thể ôm mọi người bạn gặp trên đường bây giờ, và bạn sẽ tránh gặp mặt trực tiếp với người bị cảm lạnh, như chúng tôi đã làm, Levitt nói. Bạn càng tuân thủ nhiều, bạn càng có thể kiểm soát nhiễm bệnh.
Và tôi tin “Sự kết thúc của đại dịch đã gần kề và Việt Nam sẽ ổn thôi”. Chúng ta cần thắp sáng niềm tin và hi vọng trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Nguyễn Xuân Cường