Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải: Cải cách giáo dục không phù hợp với nguyên lý giáo dục loài người, phải bỏ ngay

Cải cách giáo dục không chỉ là sửa sách giáo khoa. Chưa hết cảnh chen chúc nhau chạy trường chạy lớp, thi cử gian lận… giờ đến sách giáo khoa cũng khan hiếm, mua sách giáo khoa cũng phải chen chúc, giành giật nhau. Những tưởng nhu cầu căn bản là được đến trường, cùng với sự phát triển của xã hội, của đất nước và những nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục, nhu cầu ấy phải được đáp ứng một cách dễ dàng hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn… Thế nhưng, hàng năm cứ vào “cuối hè” và trên không có những đám mây bàng bạc… thì cả phụ huynh lẫn học sinh lại hoang mang khi nghĩ đến ngày tựu trường.

Những “cải cách” khiến nội dung sách giáo khoa bị thay đổi liên tục, nhưng không có công trình nào đo lường được tính hiệu quả của những cải cách “không đâu vào đâu” ấy, và cũng chưa ai phải đứng ra chịu trách nhiệm cho việc “sửa tới sửa lui” ấy. Việc sửa và in mới sách giáo khoa hàng năm khiến học sinh năm sau không dùng sách của năm trước mà bắt buộc phải mua sách mới… đang tạo ra một nguồn thu béo bở cho các đơn vị độc quyền làm sách giáo khoa. Thế nhưng đối với xã hội, đây là một sự lãng phí rất lớn mà bản chất của nó lại vẫn không mang ý nghĩa thực sự của cải cách giáo dục.

Việc thay đổi sách giáo khoa liên tục hàng năm còn cho thấy sự lúng túng trong việc định hướng cải cách giáo dục. Vì rằng, nếu ngành giáo dục xác định được mục tiêu cải cách một cách rõ ràng và thực hiện triệt để, thì những thay đổi nếu có, phải là những thay đổi có tính căn cơ theo một lộ trình cụ thể, chứ không phải là năm nào cũng sửa tới sửa lui trên sách giáo khoa như đang làm.

Các nền giáo dục lớn trên thế giới đều xác định cải cách giáo dục là thay đổi một cách tổng thể cả về triết lý giáo dục lẫn giải pháp thực hiện, trong đó mục tiêu của cải cách chính là hướng đến việc xây dựng một xã hội mới văn minh hơn, tốt đẹp hơn từ những con người mới được tạo ra từ một nền giáo dục đổi mới.

Với cách hiểu này, muốn xây dựng chương trình cải cách giáo dục, ngành giáo dục phải đưa ra được hình ảnh của xã hội Việt Nam trong tương lai và hình ảnh “con người mơ ước” với những tiêu chí giáo dục cụ thể. Từ đó, ngành giáo dục cần xây dựng lộ trình cải cách một cách tổng thể cả về hệ thống trường học, thiết bị, hệ thống giáo dục xã hội, hệ thống tài chính giáo dục, xây dựng hệ thống triết lý giáo dục mới cho đến việc đào tạo giáo viên, cải cách giáo dục đại học, giáo dục phổ thông… theo đúng mục tiêu dài hạn đã đề ra.
Trên thực tế, trong khoảng 10 năm trở lại đây, cải cách giáo dục ở Việt Nam chỉ loay hoay quanh việc biên soạn lại sách giáo khoa và thay đổi cách thức thi cử. Trong đó, ngành giáo dục tập trung thay đổi những tiểu tiết trong nội dung biên soạn sách giáo khoa cũng như thay đổi cách tổ chức các kì thi mà chưa thực hiện được những mục tiêu, hiệu quả để nâng cao chất lượng học sinh từ những thay đổi đó.

Những phản biện của các nhà giáo dục trong nước đối với việc cải cách giáo dục, biên soạn sách giáo khoa, đổi mới thi cử vì thế cũng chỉ sa vào tiểu tiết như nên đánh vần kiểu này, học chữ cái nào trước, nên bỏ bài thơ này, thêm bài thơ kia hoặc thi như thế này, như thế nọ… Kì thực, đây không phải là vấn đề mấu chốt của cải cách giáo dục nếu mục tiêu của cải cách giáo dục là tạo ra một thế hệ con người mới có phẩm chất, năng lực tiến bộ hơn.

Câu chuyện đánh vần tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục là một ví dụ. Nếu các nhà khoa học giáo dục vẫn còn sa đà vào việc thay đổi cách đánh vần tiếng Việt hoặc nên học chữ A hay chữ E trước thì đừng hy vọng có một sự thay đổi thực sự trong giáo dục. Chưa thấy có một nhu cầu bức thiết nào đặt ra là phải thay đổi cách đánh vần trong tiếng Việt, khi mà cách đánh vần hiện tại vẫn đảm đương được vai trò của nó như mục tiêu đề ra.

Xã hội hiện đại đặt ra những yêu cầu cụ thể trong việc giáo dục, đào tạo con người. Vai trò của ngành giáo dục, của những người làm giáo dục là nhìn thấy những yêu cầu đó để xây dựng một hệ thống giáo dục đủ sức cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Giáo dục không phải là ngành kinh doanh để toan tính lời lỗ. Cho dù nhân danh bất cứ điều gì để trục lợi từ giáo dục thì đó cũng là việc làm phi đạo đức và gây ra những hệ lụy khôn lường cho cả quốc gia, dân tộc.