Làm ơn, giảm lãi ngân hàng và giá điện mạnh, để giúp dân trong mùa dịch bệnh!
Tình hình dịch bệnh, theo lệnh cách ly toàn xã hội của Chính phủ cùng ý thức tự giác của người dân, đa phần người dân sẽ ở nhà. Mùa này, ngoài Bắc lạnh, ẩm, trong Nam nắng nóng, tất thảy đều dùng điều hoà: Bắc dùng điều hoà làm ấm để hạn chế virus; Nam thì đợt cao điểm nắng nóng, nên tiêu thụ điện qua điều hoà quá lớn.
Làm ơn, giảm lãi ngân hàng và giá điện mạnh, để cứu dân trong mùa dịch bệnh!
Giảm giá điện
Chính phủ cũng muốn người dân ở nhà, người dân cũng ủng hộ chính phủ và ủng hộ chính sức khoẻ của mình, cũng như của toàn xã hội để ở nhà. Nhưng ở nhà hoài như thế này, thì chắc chắn không chịu nổi tiền điện.
Bộ Công thương mới đề xuất Chính phủ giảm giá điện tối đa trong 3 tháng 4,5 và 6 mức 10% cho các đối tượng khách hàng sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. 10%, nói thẳng, là một con số rất thấp so với tình hình tiêu thụ điện trong mùa dịch bệnh này.
Nó hơi “khác biệt” so với xăng dầu, hiện ông xăng dầu thì mạnh tay hơn, giảm tẹt ga, nhưng éo le thay, người dân giờ có ra ngoài nhiều đâu, dù biết giảm là tốt, nhưng lại giảm vô tư đúng cái mà người ta đang tiêu thụ ít. Còn cái người ta tiêu thụ nhiều mà giảm ít, thì khôn như ngành điện, ai mà chịu cho nổi?
Nếu ngành điện chung tay cùng người dân chống dịch, thì hãy đảm bảo rằng, người dân hoàn toàn được khoẻ mạnh về sức khoẻ, chứ để dân không dám tiêu thụ điện (ví dụ, vì tiết kiệm điện mà không dám bật điều hoà), và hoàn toàn được an toàn về mặt tài chính. Chứ giờ người nghỉ làm ở nhà cả, không đủ tiền mà trả tiền điện, nhà điện tống cho mấy cái thông báo cắt tới tấp rồi đến cắt thật như vẫn làm bao năm nay, dân sống ra sao?
Tôi nghĩ Chính phủ cần hỗ trợ dân nhiều hơn trong việc giảm giá điện. Bởi lúc này, khi dân ở trong nhà là chủ yếu, thì hỗ trợ giá điện nhiều cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm nguồn sống cho người dân trong mùa dịch bệnh.
Giảm lãi suất ngân hàng
Tiếp theo, lãi ngân hàng: Ngân hàng cũng khôn chả kém gì anh điện đâu. Phải nói thẳng nếu cứ cái đà này, khi chúng ta chưa biết mùa dịch bệnh sẽ còn kéo dài bao lâu (dĩ nhiên, kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc không nhỏ vào ý thức người dân nữa), thì khi dịch bệnh được đẩy lùi theo một kịch bản khả quan nhất, thì cũng là lúc hằng hà sa số doanh nghiệp sẽ nói lời trăng trối.
Vì sao? Khi không được tụ tập đám đông, các doanh nghiệp sản xuất sẽ gần như không hoạt động. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gần như khó ngọ nguậy, cũng là để phòng dịch, thì càng sản xuất ra càng mệt. Mà một khi ngành sản xuất ngưng trệ, cũng đồng nghĩa với việc một cuộc khủng hoảng kinh tế nguy cơ sẽ đến rất gần.
Tương tự, hệ thống các ngành dịch vụ cũng gần như tê liệt. Và tất cả các ngành khác, tuỳ vào mức độ, nhưng căn bản, một màn đêm đang có dấu hiệu đang bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, đến cùng cái bóng dáng đầy đáng sợ của con virus.
Giữa lúc này, nếu ngân hàng không nới lỏng cho doanh nghiệp thở, nguy cơ doanh nghiệp ngưng thở có khả năng rất cao. Dịch bệnh không ai muốn, cả về phía doanh nghiệp lẫn ngân hàng, nhưng nếu cứ tất tay ngang bướng hoặc thiệt hơn từng đồng mà không nghĩ đến đại cục, rằng ông doanh nghiệp cứ phải sống đã, thì nguy hiểm lắm.
Doanh nghiệp là một chuyện, còn một hệ thống khách hàng không nhỏ đó chính là khách hàng mua nhà trả góp, mua xe trả góp, mua đủ thứ trả góp. Việt Nam đang là đất nước của những người mới giàu và dĩ nhiên, họ có thu nhập ổn định thì ngân hàng mới cho vay. Vậy hiện nay, ngân hàng trả lời dùm: Khi dịch bệnh đến, thu nhập của họ có còn được ổn định nữa hay không? Chắc chắn là không.
Một chị nọ vay tiền ngân hàng mua nhà, trả góp mỗi tháng 20 triệu. Trước đây thênh thang lương mỗi tháng 40 triệu. Giờ rơi bẹt một phát về 10 triệu, nguy cơ trở thành bạn thân của các cuộc gọi đòi tiền vô cùng cao. Nếu họ chọn giữa việc ưu tiên nuôi sống gia đình họ và trả tiền cho ngân hàng để không làm mất uy tín tín dụng cá nhân, thì chắc chắn họ chọn vế đầu. Uy tín tín dụng cũng cần thiết đấy nhưng nguồn sống của con người cần thiết hơn và hơn ai hết, ngân hàng phải hiểu điều này – mà chắc chắn họ hiểu – nhưng làm hay không, thì…chịu!
Mấy năm qua, người người mua đất người người mua nhà, người người mua xe, số phận của họ bây giờ hình như phần lớn đang được định đoạt bởi…ngân hàng. Tôi gọi họ là một bộ phận mới tập giàu, nhiều vô kể, đa phần là công dân mới của các đô thị. Đợt đại dịch này, họ là một trong những nhóm cư dân bị ảnh hưởng nhiều nhất khi mà việc làm giảm, không biết làm nhiều việc để kiếm thêm tiền, trong khi đó, áp lực nợ nần sẽ làm họ stress nặng.
Nói chung, nếu họ đang vay ngân hàng, thì ngân hàng làm ơn làm phúc nói, “Đây, tao giảm cho mày nửa lãi suất, mày uống đi cho khoẻ”, cũng đã là hồng phúc cho thế hệ công dân mới tập giàu này lắm rồi. Trong đó có…tôi!
Vậy, anh điện và anh ngân hàng, hai anh làm gì thì làm, cùng chung tay cứu dân nhé. Lúc này quyền lợi kinh tế không quan trọng bằng sự sống của dân đâu. Kính 2 anh trước đã!
Hoàng Nguyên Vũ