Tiền của tôi đi đâu? Nó có đang ở túi ai hay ai đã “trấn lột” chúng ta ?
Số tiền khổng lồ thu từ nguồn chênh lệch kéo dài trong bao nhiêu năm, với hàng trăm lượt đi về hiện đang ở đâu? Vào túi ai? Và có thể thu hồi lại chí ít là nộp vào ngân sách được không?
“Tiền của tôi đi đâu? Nó có đang ở túi ai hay ai đã “trấn lột” chúng ta suốt mấy năm trời?. Đó câu hỏi bật ra trên đường tôi về quê nghỉ lễ.
Quê tôi ở Thái Bình, cách Hà Nội khoảng trên 100km. Cách đây ít lâu, mỗi lần về quê rồi lên Hà Nội, tôi đều phải trả 290 ngàn đồng tiền phí đường bộ.
Cụ thể: Đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ: 45 ngàn đồng, Cầu Giẽ – Liêm Tuyền: 30 ngàn. Đoạn Liêm Tuyền – Nam Định: 35 ngàn và đoạn Nam Định – Thái Bình: 35 ngàn. Tổng số mỗi lượt là 145 ngàn X 2 = 290 ngàn đồng.
Thế nhưng hiện tại, mỗi lần đi về, tôi chỉ mất 160 ngàn đồng. Cụ thể, tuyến Hà Nội – Liêm Tuyền: 65 ngàn. Liêm Tuyền – Nam Định: 15 ngàn. Tổng số 80 ngàn X2 = 160 ngàn đồng.
290 ngàn – 160 ngàn = 130 ngàn đồng.
Vì sao có sự “hạ giá khủng khiếp” (khoảng 40%) này?
Xin thưa, đó là thành quả đấu tranh của nhiều tầng lớp nhân dân, từ báo chí, mạng xã hội, Đại biểu Quốc hội và cả những người dân sử dụng “biện pháp mạnh”.
Người viết bài này không cổ súy và cũng không đồng tình với việc tụ tập đông người gây mất trật tự an ninh. Song, thực tế không thể phủ nhận, để cho hàng loạt các BOT trên phạm vi cả nước phải chấm dứt hành vi “trấn lột” (chữ của ĐB Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) có phần góp sức không nhỏ của những “biện pháp mạnh” và sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ.
Trở lại với chuyện về quê, tôi xin đặt mấy câu hỏi.
Thứ nhất, tại sao lại có sự “hạ giá” khủng như vậy? Nếu có hiện tượng nâng giá, ai đã cho phép họ làm điều này? Vai trò của Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính và hàng loạt cơ quan khác ở đâu?
Thứ hai, nếu không có sự đấu tranh quyết liệt, liệu việc “trấn lột” có còn tiếp diễn?
Thứ ba, có hay không sự “tiếp tay” cho hành vi “trấn lột” này? Ai phải chịu trách nhiệm về hành vi “móc túi dân” lộng hành và sâu xa hơn, việc làm sai trái này đã phá hỏng BOT, một chủ trương đúng đắn khiến cụm từ này trở thành một “tính từ xấu” chỉ trò gian dối?
Thứ tư, số tiền khổng lồ thu từ nguồn chênh lệch (cụ thể chỉ với cá nhân tôi đã là 130 ngàn/ đi về) trong bao nhiêu năm, với hàng trăm lượt đi về hiện đang ở đâu? Vào túi ai? Và có thể thu hồi lại chí ít là nộp vào ngân sách được không?
Và cuối cùng, mong rằng sớm làm rõ những sai phạm để xử lý đồng thời rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện BOT bởi đó là chủ trương đúng đắn và cũng là phương cách tốt nhất để giải quyết vấn đề cốt tử của nền kinh tế, huyết mạch quốc gia: Giao thông Vận tải.
Theo Bùi Hoàng Tám