Thưa ngài Tedros, kỳ thị chính là đây!
Sau khi nghe Tổng giám đốc WHO cáo buộc Đài Loan “kỳ thị chủng tộc” và phát biểu rằng ông có thể chịu đựng việc tấn công cá nhân, nhưng không thể chấp nhận việc công kích vào các cộng đồng chủng tộc hay người châu Phi. Đặc biệt hơn, ông đầy nghĩa khí tuyên bố rằng: “Hôm nay tôi nói ra điều này (cáo buộc Đài Loan) là vì cộng đồng da đen bị kỳ thị. Tôi sẽ lên tiếng khi: Nhân mạng mất, và người da đen bị xúc phạm”, tôi mạo muội viết cho ngài lá thư này.
Thưa Tiến sĩ Tedros Adhanom,
Tôi vẫn luôn trăn trở về vấn nạn kỳ thị sắc tộc, vì thế nên khi nghe bài phát biểu của ngài, tôi gần như muốn reo lên với cộng đồng Phi châu: Hỡi những đứa con của đại lục đen xinh đẹp, nay đã có người vì các bạn mà cất lên tiếng nói!
Trong khi các vị lãnh đạo chỉ thở dài một tiếng là sẽ có ngay câu chuyện đầy kịch tính trên báo đài, hoặc giả họ chỉ nói đôi câu bông đùa là được cả thế giới lắng nghe, thì hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người da đen vẫn đang vật vã từng giờ mà nào mấy ai ngó ngàng đến! Vậy nên, với thiện chí sẵn có của ngài, tôi thay mặt cho những người “muốn nói mà không thể nói” gửi đến ngài dăm ba câu chuyện rất đời thường, vốn cũng chẳng xa lạ gì, nhưng lại chẳng có chính trị gia nào quan tâm tới.
Kỳ thị chính là đây: Người Phi châu ở Trung Quốc
Ngài Tedros kính mến, chúng tôi viết cho ngài trong không khí ảm đạm nhưng vẫn phảng phất màu lãng mạn bên dòng Châu Giang. Đã bốn ngày qua chúng tôi phải vạ vật dưới chân cầu, lấy trời làm nhà, mặt đất làm giường, gầm cầu làm màn, mặc kệ đàn muỗi cứ nghênh ngang. Chúng tôi bụng réo cồn cào, mắt hoa lên vì đói, dẫu rằng hàng quán vẫn mở cửa nhưng ai nấy đều thẳng thừng xua đuổi – chỉ đơn giản vì chúng tôi có cùng chung một màu da kiêu hãnh.
Khi đại dịch Vũ Hán bùng phát, người Trung Quốc đi đến đâu cũng trở thành mối hiểm họa tiềm tàng. Người ta sợ hãi Trung Quốc, xa lánh Trung Quốc, tháo chạy khỏi Trung Quốc, ngay cả giới nhà giàu cũng cao chạy xa bay. Nhưng giữa dòng người ồ ạt thoát thân ấy, chúng tôi vẫn ở đây – phần vì bị mắc kẹt, phần vì không đủ kinh phí, và phần vì chẳng có chính phủ nào dám đón chúng tôi về. Nhưng chí ít là, chúng tôi vẫn sống, và đã cùng họ vượt qua tháng ngày đen tối nhất.
Nhưng đáp lại thịnh tình thiện ý của chúng tôi, giới chức đương quyền lại thẳng thừng quẳng chúng tôi ra khỏi nhà cứ như thể chúng tôi là kẻ gây ra tai họa. Chỉ trong một đêm mà cộng đồng da đen tại đại lục bỗng biến thành người vô gia cư, bị hắt hủi, bị đánh đập, xa lánh, và bị đối xử như những con virus lang bạt bên lề đường. Chúng tôi rõ ràng là nạn nhân, cớ sao phải làm nơi trút giận cho lãnh đạo cầm quyền? Người da đen cũng là người, cũng có lòng tự tôn và nhân phẩm, xin đừng nhìn vào màu da hay túi tiền của chúng tôi mà chà đạp…
Kỳ thị chính là đây: Người Phi châu ở châu Phi
Có phải nạn kỳ thị da đen chỉ xảy ra ở cộng đồng thiểu số nơi xứ người? Sự thực là, chúng tôi còn bị ngược đãi ngay trên quê hương của chính mình.
100 năm trước, các ông chủ phương Tây đến để khai thác tài nguyên, và chỉ duy nhất tài nguyên. 100 năm sau, các chủ nô Trung Quốc không chỉ đến để vơ vét, mà còn tước đi tất cả những gì chúng tôi có, thậm chí là nhân phẩm. Họ khoan dầu, đào vàng, lấy kim cương, chặt gỗ quý, khai thác bauxite, quặng và khí đốt, hay thâu tóm kim loại quý bằng cái giá bọt bèo. Họ giống như gã khổng lồ tham lam tràn đến như cơn lũ, mang theo công nhân, nông dân, thậm chí là gái điếm. Họ cướp đi mọi nguồn sống, ngay cả kỹ nữ người Hoa còn giành giật của chúng tôi từng cơ hội kiếm chác cuối cùng.
Cho dù có phải sống thêm cả thập kỷ trong đói nghèo và tuyệt vọng, thì chúng tôi cũng không cần những đồng nhân dân tệ mời chào đường mật. Người Trung Quốc có tiền và luôn hứa hẹn rất nhiều tiền, nhưng chúng tôi thà không có tiền còn hơn bị đối xử như thể không phải là người. Trong khi họ nghiễm nhiên coi bản thân là ông hoàng bà chúa, thì dân bản địa chúng tôi lại biến thành kẻ nô bộc, và bị khinh khỉnh gọi là những “con khỉ đen xì”.
Kỳ thị chính là đây: Đến trẻ nhỏ cũng không tha
Những câu chế giễu như “Negro” hay “con khỉ đen xì” nào có thấm vào đâu khi ‘ông chủ tốt’ đang dạy thế hệ tương lai của chúng tôi học cách tự sỉ nhục chính mình?
Họ khiến con em của chúng tôi phải mặc Hán phục, học tiếng Hán, và ca ngợi những vị chủ tịch mà chúng thậm chí chưa bao giờ thấy mặt. Họ còn biến con em của chúng tôi thành trò tiêu khiển, dạy chúng nhảy múa và nói những câu ngô nghê bằng tiếng Hán kiểu như: Tôi là quỷ đen, có IQ thấp. Họ chụp hình, họ quay phim, rồi đem lũ trẻ ra làm trò hề giữa bàn dân thiên hạ. Ngài thử nói xem, đó có phải là tận cùng của kỳ thị, là chà đạp lên nhân phẩm, là chế nhạo sắc tộc và màu da?
Khi người Trung Quốc đến, họ không chỉ mang theo tệ nạn, tham nhũng, và những cô gái điếm, mà còn cả thứ văn hóa méo mó dị hình. Ngài Tedros xin chớ giận, tôi nào đâu dám thêu dệt cho ai, chẳng phải chính họ cũng từng thừa nhận rằng “Người Trung Quốc xấu xí” đó sao? Tất nhiên, tôi không có ý phản đối cho dù nó có méo mó thế nào, chỉ xin họ hãy mang thứ văn hóa ấy về nơi nó sinh ra, chứ đừng tiếp tục làm ô nhiễm văn hóa Phi châu của chúng tôi vốn rất chất phác, hiền hòa.
Bà Thái Anh Văn phản đối mạnh mẽ cáo buộc vu khống của ông Tedros (Ảnh: Twitter)
Kỳ thị có là đây?
Ngài Tedros đáng kính, nghe nói ngài phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ Đài Loan, chúng tôi cũng gắng sức tìm cho bằng được bằng chứng thực tế để bổ khuyết vào ba ví dụ trên đây. Chỉ tiếc là những người bạn xứ Đài tiếp đón chúng tôi quá nồng hậu, khiến chúng tôi chẳng chê trách được gì.
Chúng tôi đã đi khắp nơi, đến Hồng Kông là cảm nhận được tinh thần tự do dân chủ, đến Nhật Bản là thấy được ý thức và trách nhiệm cộng đồng, đến Đài Loan là được tận hưởng tình hữu nghị, thiện lương, và bác ái. Nhưng khi đến Trung Quốc, chúng tôi khó tránh sao khỏi số phận bạc bèo. Nào chỉ riêng người da đen bị người bản địa kỳ thị thôi đâu, mà còn là quan chức kỳ thị dân thường, nhà giàu kỳ thị nhà nghèo, xe hơi kỳ thị xe đạp, thành phố kỳ thị nông thôn…
Thưa ngài Tedros, dăm ba câu chuyện trên đây chỉ là lời điểm xuyết cho hàng ngàn, hàng vạn tình cảnh bất công trên thế giới này. Chúng tôi biết ngài bận trăm công nghìn việc, chỉ hy vọng ngài sẽ dành chút thời giờ vàng ngọc để thay chúng tôi nói với thế giới. Bởi như ngài đã phát biểu, ngài nhất định sẽ lên tiếng khi người da đen bị xúc phạm.
Và thực tế là chúng tôi đã bị xúc phạm, mà không chỉ bị xúc phạm, còn bị lăng nhục và chà đạp từng giờ…
Cuối cùng, thay mặt cho những người da đen “muốn nói mà không thể nói”, chúng tôi cảm ơn ngài tiến sĩ rất nhiều!