Thấy bộ đội nhường chỗ, ăn bờ, ngủ bụi, nhóm Việt kiều về nước tránh dịch có chạnh lòng?

Trong khi hàng trăm người cách ly ở doanh trại quân đội được chăm sóc tận tình và phục vụ ngày ba bữa đúng giờ, các chiến sĩ bộ đội phải chịu nhiều khổ cực vì ăn bờ, ngủ bụi và dậy sớm mỗi ngày để chuẩn bị đồ ăn, thức uống.

“Nơi đâu trên trái đất này, bộ đội nhường nhà, nhường chiếu vào rừng nằm lá để cho dân được chăn ấm, đệm êm”, trích tâm sự một cô gái Việt trước khi rời khu cách ly tập trung tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Ngoài chuyện nhường chỗ, các anh bộ đội cũng vô cùng vất vả khi phải phục vụ ngày 3 bữa cho hàng trăm người đến cách ly. Ban đêm, sáng sớm, khi họ vẫn đang ngủ thì các chiến sĩ bộ đội phải thức dậy để chuẩn bị đồ ăn, thức uống. Các anh không ngại khó và khổ để đưa đến cho hàng trăm công dân những suất cơm nóng hổi, đúng giờ.

Xem những hình ảnh dưới đây, nhiều dân mạng cảm thương các chiến sĩ bộ đội và càng bức xúc hơn với những Việt kiều không biết điều, đòi hỏi đủ thứ khi về nước tránh dịch COVID-19.

Dậy sớm chuẩn bị bữa ăn cho hàng trăm người cách ly – ảnh: Tiền Phong

Sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly ở trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, một cô gái viết vài dòng thơ thay lời cám ơn Chính phủ Việt Nam nói chung và các anh bộ đội nói riêng:

“Ra đi cánh gió phương trời lạ.

Vẫn nhớ non sông một mái nhà.

Bởi khi khó khăn, nơi đó luôn dang rộng vòng tay để ôm chúng ta vào lòng. Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Nơi đất khách quê người, nếu vấp ngã không thể thoát ra, thì là lúc Tổ quốc giúp ta tìm ra những con đường thoát”.

Về chuyện nhóm khách Việt kiều hồi hương từ châu Âu nói chuyện khó nghe với cán bộ hải quan, đòi được đưa cách ly sớm hoặc về nhà tự cách ly và chê bánh mì miễn phí nhân viên sân bay Nội Bài mang tới hôm 15.3, Facebooker Đặng Như Quỳnh bình luận: “Những ngày qua, hàng chục nghìn người Việt, rồi kiều bào tha hương khắp nơi trở về với quê mẹ để phòng chống dịch COVID-19 hoặc bị trục xuất.

Rất nhiều người đã thấu hiểu được sự cố gắng của Việt Nam nên vui vẻ chấp hành sự phân luồng hay cách ly khi nhập cảnh để đảm bảo an toàn cho chính bà con và người thân của mình.

Bên cạnh đó, còn nhiều người không biết chui ở đâu ra lên mặt vì nghĩ mình có tiền. Không chịu chờ đợi đến lượt mà nói chuyện như muốn “ăn tươi nuốt sống” nhân viên an ninh và y tế để thỏa mãn ý kiến chủ quan của mình.

Quy trình có khó khăn vất vả thì những người thực hiện mới căng thẳng mệt mỏi chứ ai chả muốn nhanh, ai chả muốn gọn.

Những lúc căng thẳng mệt mỏi các vị hãy thử nhìn những hình ảnh này đi, bao nhiêu nghìn con người phải hi sinh nơi ở, miếng ăn, căng mình để nhường cho quý vị. Quý vị được cơm bưng nước rót, được đo kẹp y tế cả ngày. Lướt mạng đọc tin để rồi chửi bới ha….

Hàng nghìn người khác thầm lặng hi sinh để các vị có chỗ an toàn mà ở, sạch sẽ mà cách ly, thế còn đòi hỏi gì…

Đành rằng nó không được như nhà quý vị, không sang chảnh như nơi quý vị đang hưởng nhưng vẫn an toàn chứ chưa đến mức đứng đường đứng chợ.

Thế nên nhìn mà sống, nghĩ rồi nói, kẻo đến khi nó bùng lên thì lại không được hưởng cách ly nữa.

Cũng cần phải yêu cầu người cách ly tham gia hoạt động và cùng tham gia nấu cơm, dọn nhà chứ kẻo quen resort lại hư sớm thôi ạ.

Còn anh chị mới về nhập cảnh cứ nổi điên khéo bị hốt khi chưa sốt đấy ạ. Thân ái chào cách ly vui vẻ!”.

Gần 7.000 người Việt về nước ngày 18.3

Theo số liệu từ cơ quan quản lý hàng không, ngày 18.3 có tới 1.095 khách từ châu Âu và 5.700 khách từ khu vực ASEAN trở về Việt Nam.

Trong số 1.095 khách trở về từ châu Âu có 999 khách là người Việt, 96 khách nước ngoài không lưu trú tại khu vực Schengen và Anh. Sự trở về của lượng lớn người Việt diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang bị dịch COVID-19 tàn phá, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đóng cửa biên giới của toàn khối trong 30 ngày để ngăn nCoV lây lan.

Đối với 999 khách Việt Nam, có tới 325 khách về từ Anh, Pháp và Đức. Đây là 3 quốc gia mà dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội. Số khách Việt còn lại đi trên những chuyến bay không xuất phát từ vùng dịch nhưng có tỷ lệ lớn khách nối chuyến từ châu Âu.

Cũng trong ngày 18.3, dự kiến có 5.711 khách từ ASEAN về Việt Nam trên 78 chuyến bay. Cụ thể, sân bay Nội Bài đón 22 chuyến với 1.623 khách; sân bay Đà Nẵng đón 7 chuyến, 342 khách; sân bay Cam Ranh đón 2 chuyến, 220 khách; sân bay Liên Khương đón 2 chuyến, 159 khách; sân bay Tân Sơn Nhất đón 43 chuyến với 3.159 khách; sân bay Cần Thơ và Phú Quốc chỉ đón 1 chuyến với số khách tương ứng là 129 và 79 khách.

Để tạo điều kiện cho khách vừa nhập cảnh vừa khai báo y tế, các sân bay có cung cấp miễn phí nước, sữa tươi, bánh mì sandwich, bánh mì nhân gà nấm, khăn ướt, tăm… Hành khách nhận suất ăn và chờ đến lượt khai báo.

Theo Một thế giới