Quan liêu, cứng nhắc và lỗi khổ mang tên “rừng luật”
“BHXH An Giang không đồng ý giấy BV Chợ Rẫy cấp ghi chữ “tóm tắt bệnh án”, vì cho rằng thiếu hai chữ “hồ sơ”, đòi phải ghi: “tóm tắt hồ sơ bệnh án” – bệnh nhân N.H.H (55 tuổi, bị ung thư).
Thủ tục hành chính của nước ta nhiêu khê, phức tạp là điều chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy. Dù rằng các cấp lãnh đạo luôn nhắc đến chuyện cải cách thủ tục hành chính, coi người dân là khách hàng để phục vụ. Vậy nhưng không khó để chúng ta thấy không ít cán bộ, công chức khi tiến hành thực hiện các dịch vụ công vẫn làm việc theo kiểu ban ơn cho người dân. Câu chuyện Bệnh nhân ung thư đi 250 km chỉ để bổ sung hai chữ ‘hồ sơ’ để thỏa mãn đòi hỏi của cán bộ bảo hiểm xã hội tại An Giang được báo Thanh niên online và một số trang báo mạng khác đưa tin là minh chứng cụ thể cho vấn đề này.
Trong câu chuyện trên, cha con ông N.H.H (55 tuổi, ngụ An Giang) đã phải lặn lội bắt xe từ An Giang về bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để xin tóm tắt bệnh án nhằm hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của BHXH. Đáng chú ý, không phải bệnh viện trước đó không cung cấp bản tóm tắt bệnh án cho ông N.H.H mà chỉ vì bản tóm tắt bệnh án thiếu hai chữ “hồ sơ” (theo yêu cầu của BHXH An Giang, bản tóm tắt phải được ghi là “Tóm tắt hồ sơ bệnh án”).
Quan liêu, cứng nhắc và lỗi khổ mang tên “rừng luật”
Qua câu chuyện trên, một điều mà chúng ta có thể nhận thấy là BHXH An Giang đã quá cứng nhắc trong cung cách làm việc. Nếu lúc nào chúng ta cũng bắt bẻ câu từ như trường hợp trên thì người dân còn mệt mỏi dài dài khi phải đối mặt với cơ quan nhà nước.
Vậy nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, trong trường hợp này, chúng ta cũng chẳng thể hoàn toàn trách cứ những cán bộ BHXH. Vẫn biết cách hành xử như trong vụ việc trên là cứng nhắc và gây ra nhiều phiền hà cho người dân. Đặc biệt, với một người mang trong mình bệnh hiểm nghèo, việc “hành” là “chính” như trên có phần không phù hợp với đạo đức, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, qua đây, một lần nữa chúng ta thấy được sự bất cập trong việc ban hành và áp dụng các văn bản dưới luật của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, trong khi BV Chợ Rẫy căn cứ vào Thông tư 14/2016 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành một số điều của luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế và Thông tư 20/2016 liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn giám định bệnh tật, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ để đưa ra bản “tóm tắt bệnh án” thì bảo hiểm xã hội lại căn cứ vào Thông tư 56/2017 quy định chi tiết thi hành luật BHXH và luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế để yêu cầu bệnh nhân phải cung cấp bản “tóm tắt hồ sơ bệnh án” (trong khi đó, theo quy định tại khoản 2, điều 27, Thông tư 56/2017/TT-BYT ghi nhận: Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành”.
Rõ ràng, trong trường hợp này, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cái khổ cho bệnh nhân là sự lằng nhằng, chồng chéo, thiếu thống của các văn bản quy phạm pháp luật và sự hạn chế trong việc tiếp cận các quy định mới nhất từ phía những người áp dụng pháp luật.
Đừng để thời kì 4.0 nhưng lại quay lại cách thức làm việc của thời 0.4
Cũng từ câu chuyện trên, một lần nữa chúng ta thấy được như cầu của việc cải cách hành chính. Chúng ta không thể sống trong thời công nghệ 4.0 nhưng khi động đến thủ tục hành chính, động đến cơ quan công quyền là phải quay lại làm việc theo kiểu 2.0, 3.0.
Từ vụ việc này, theo cá nhân tôi, có 3 vấn đề lớn mà chúng ta cần phải giải quyết.
Thứ nhất: có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất. Như đã nói ở trên, chuyện người dân gặp rắc rối như trên cũng không thể hoàn toàn trách cứ cán bộ BHXH. Bởi suy cho cùng, không phải là người có chuyên môn về y tế nên chẳng ai có thể khẳng định “tóm tắt bệnh án” và “tóm tắt hồ sơ bệnh án” là một. Thôi thì đành cứ theo câu từ trong luật quy định mà làm. Và khi đó, điều chúng ta cần là hệ thống pháp luật phải thống nhất. Đặc biệt, các văn bản dưới luật của các Bộ khi ban hành cần tránh sự chồng chéo.
Thứ hai, có một đội ngũ cán bộ am hiểu pháp luật và có đạo đức. Muốn cải cách hành chính thành công, con người phải đóng vai trò trọng tâm. Cùng với việc rút gọn thời gian làm thủ tục hành chính thì việc nâng cao thái độ phục vụ nhân dân là điều tối quan trọng. Nếu không, cái đích mang lại sự hài lòng cho nhân dân sẽ không thể nào đạt được.
Thứ ba, cần phải đẩy mạnh việc liên kết giữa các cơ quan công quyền. Bây giờ là thời đại khoa học công nghệ. Thay vì làm một cách thủ công, thiết nghĩ các cơ quan công quyền cần liên hệ chặt chẽ với nhau. Thậm chí, nếu có chung nhiệm vụ thì có thể xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để cùng nhau khai thác.
(Theo but danh)