Nhà máy nhiệt điện: Bom nổ chậm
Trong tiến trình đổi mới từ sau 1986 của Việt Nam đến nay, tôi đặc biệt chú ý đến nhiệt điện. Với một phóng viên viết môi trường lâu năm như tôi, nhiệt điện là một loại “bom nổ chậm”. Khi nó “nổ”, dù bạn cách nó hàng trăm km bạn cũng sẽ mau chóng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Thuốc nổ” của nhiệt điện là gì? Xin thưa: xỉ than. Hãy tưởng tượng nếu nhà máy nhiệt điện ở Tuy Phong, Bình Thuận (đang hoạt động) và nhà máy nhiệt điện Cần Giuộc, Long An (dự kiến xây) cùng được “kích nổ” thì trung tâm kinh tế cả nước sẽ ra sao? Xin thưa, một vùng rộng lớn sẽ bị trùm trong bụi! Khắc phục được hậu quả là vô cùng mất thời gian và tốn kém. Mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội,… sẽ bị phủ bụi, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhiệt điện than là nguồn phát ra các chất nguy hại như thủy ngân, selen, asen, chì, cadmi, kim loại nặng, tro bụi,… gây ô nhiễm không khí, nước, đất, các bệnh đường hô hấp, ung thư,… Đặc biệt, khói thải nhiệt “dính” vào không khí sẽ gây mưa axit phá hủy nền nông nghiệp, ngư nghiệp, phát khí thải nhà kính, làm trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu… Một kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ là số liệu đã được nghiên cứu và chứng minh.
“Số liệu của tổ chức CHANGE thu thập, trung bình 3,5 phút, một nhà máy nhiệt điện than 500 MW sẽ hút lên một lượng nước đủ để chứa trong một bể bơi tiêu chuẩn Olympic (tương đương 2.500 m3) để làm mát hệ thống. Sau đó nước được trả lại sông, hồ, biển với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 8 đến 13 độ C khiến môi trường sống của các sinh vật biển như cá, tôm, tảo, san hô… bị ảnh hưởng nặng.” (Trích TBKTSG). Tôi đã đến Tuy Phong, Bình Thuận để kiểm chứng điều này sau khi nghe người dân Cà Ná, Ninh Thuận (gần đó chỉ hơn 10 km) phản ánh.
Riêng ngành sản xuất nước mắm cá cơm ở Cà Ná coi như bị tiêu diệt! Tôi coi đây là tội ác vì không chỉ làm tan nát kinh tế ven biển mà “tàn sát” luôn ngành nghề truyền thống và các giá trị văn hóa lâu đời.
Tại Mỹ, nhà máy điện than Bayshore tại bang Ohio giết 60 tấn cá lớn mỗi năm. Nhà máy Huntley ở New York làm kẹt 96 triệu tấn cá mỗi năm trong hệ thống làm mát của họ. Nhìn rộng ra, bất cứ nhiệt điện ven biển nào cũng không có ngoại lệ trong việc hút nước vào hệ thống làm mát giết chết rất nhiều cá.
Động thái tàn sát môi trường gần nhất là nhà máy nhiệt điện Tuy Phong xin được xả 1 triệu m3 (*) xuống biển. Bộ Tài nguyên và môi trường đã đồng ý việc này. Hãy xem tâm tư của nhà báo Phương Nam – cũng là tâm tư của những người yêu môi trường:
“Không thể im lặng bởi khi đặt bút ký giấy phép cho đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Vĩnh Tân, người ta vẫn chưa thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda, cơ sở sản xuất tôm giống… trước khi bắt đầu hoạt động nhấn chìm để làm cơ sở so sánh, đối chứng trong khi họ đã tập kết cơ giới chuẩn bị hoạt động. Vị trí tọa độ xả bùn, cát nằm rất gần với ba rạn san hô nguyên thủy là rạn cụt, rạn tàu chi và rạn tàu mới. Ở đây có những giá trị rất lớn cần phải bảo vệ và phải thay đổi, rà soát lại các dự án ở Vĩnh Tân từ bài học Formosa!“
Tôi không phải dân Bình Thuận, Ninh Thuận nhưng thực sự lo nếu điều này xảy ra. Nó tương tự nỗi lo sinh kế của đồng bào bốn tỉnh miền Trung khốn khổ hậu Formosa. Nó không khác trước nỗi lo sinh kế đồng bào miền Tây trước các thủy điện của Trung Quốc. Nỗi lo này cũng giống việc nhiều trí thức, người dân Hà Nội hỏi tôi về việc lấp sông Đồng Nai làm dự án.v.v..
Chúng ta không vô can. Càng không thể vô cảm. Và tôi tin rằng việc im lặng trước cái sai, cái xấu, cái ác cũng là cách mỗi người tự “may miệng” mình lại chờ cái ác, cái sai, cái xấu đến “xẻ thịt”!
“Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình!”- quan điểm được Thủ tướng Chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường diễn ra sáng 24/8/2016. Hy vọng chủ trương này sẽ không bị “bẻ cong” bởi các cấp thấp hơn!
Chú ý: Khốn khổ cho đất nước, những dự án nhiệt điện đại đa số đều nằm ở ven biển và cũng đại đa số dùng công nghệ Trung Quốc. Ngoài việc nhập “rác công nghệ” do Trung Quốc đóng cửa nhiệt điện thì các hậu quả khác nếu có sự cố quá đáng lo.
Nghĩ đến “bom nổ chậm”, thật hãi hùng!
(Theo FB Mai Quốc Ấn)