Phải “xem lậu” Olympic Việt Nam đá tại ASIAD: Cám ơn sự dũng cảm của VTV

Ngày 19/8, trong cái không khí vỡ òa của người hâm mộ bóng đá cả nước khi Olympic Việt Nam chiến thắng Olympic Nhật Bản tại vòng đấu bảng ASIAD 2018 thì hàng loạt tờ báo lại đăng tải những bài viết với tựa đề: “Xôi lạc TV phát “lậu” U23 Việt Nam hạ Nhật Bản: Tận cùng của sự xấu hổ!”. Nguồn cơn của vấn đề vẫn là do đài truyền hình quốc gia VTV không mua bản quyền ASIAD.

Hình ảnh: Người Việt phải xem bóng đá ASIAD qua trang mạng “lậu”

Không có bản quyền phát sóng, người Việt lại chỉ biết tìm cách xem bóng đá và các môn thể thao khác qua những nguồn phát sóng không bản quyền trên mạng Internet. Phải nói rằng, dù có mua bản quyền hay không, việc “xem lậu” vẫn diễn ra tại Việt Nam như một thói quen trong suốt những năm qua.

Vậy thì “xấu hổ” mà các tờ báo đang muốn đề cập đến là gì? Đầu tiên, sự xấu hổ đến từ hành vi xem truyền hình vi phạm bản quyền của một bộ phận người dân Việt Nam. Thứ hai, và cũng quan trọng hơn cả, đó là cả một đài truyền hình quốc gia như VTV lại không mua được bản quyền phát sóng ASIAD, để cho người dân phải xem bóng đá duy nhất qua các trang “lậu”.

Kết quả, sau khi bài báo được chia sẻ rộng rãi, chóng mặt trên các trang mạng xã hội thì mọi sự chỉ trích cuối cùng chỉ nhằm vào VTV – đơn vị đã không mua bản quyền ASIAD. Cuối cùng, cả những người không “xem lậu” cũng như những người đã “xem lậu” bóng đá đều chỉ biết chỉ trích đài truyền hình quốc gia thật kém cỏi khi có thể bỏ tiền ra làm nhiều thứ nhưng không chịu bỏ tiền ra mua bản quyền ASIAD đáp ứng nhu cầu người dân. Họ nghĩ đến cái viễn cảnh, nếu Việt Nam vô địch môn bóng đá tại ASIAD mà ở quê hương thì lại chỉ đi “xem lậu” thì quá ư là xấu hổ…

Với những hiệu ứng tâm lý đám đông như vậy, một lần, chúng ta hãy cùng bình tĩnh nhìn lại xem, cái gì mới đúng, cái gì mới sai ở đây?

Vấn đề đầu tiên, tiền đâu?

Nếu mua bản quyền phát sóng ASIAD 2018, đài truyền hình VTV sẽ phải trả cái giá đến 5 triệu USD. Một con số kinh khủng mà đến cả những đứa trẻ cấp 1 khi nhẩm tính ra thì đều biết rằng nếu mua thì VTV sẽ lỗ nặng. Chẳng có một loại quảng cáo nào có thể giúp VTV gỡ hòa vốn chứ chưa nói là có lãi. Đầu tiên đó, tiền không có lấy gì mà mua bản quyền phát sóng đây?

Nhiều người cứ nghĩ đài truyền hình quốc gia thì phải gạt bỏ “lợi nhuận” qua một bên mà thay vào đó là nên bảo đảm quyền lợi cho người dân Việt Nam trước. Nhưng không, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước mà nếu kinh doanh không có lãi thì sao mà có thể tồn tại. Cứ nhìn vào những 12 đại dự án thua lỗ của đất nước thì biết, doanh nghiệp nhà nước mà kinh doanh thua lỗ thì cũng sớm phải dẹp bỏ hết thôi.

Ngày hôm nay có nhiều người nghĩ VTV phải chịu lỗ để phát sóng ASIAD cho họ xem, nhưng ngày mai có thể chính họ sẽ tức giận hơn khi biết VTV thua lỗ và lỗ của họ lại mang ngân sách ra gánh chịu…

Sự không ngoan của họ, và sự dại khờ của ta!

Đã có ai tự hỏi, tại sao Việt Nam hay bị ép mua bản quyền truyền hình thể thao đến như thế hay chưa? Vâng, đã rất nhiều người chỉ ra rằng, do tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam quá cao, nên nhà kinh doanh nước ngoài họ lấy cớ đó để phạt, để ép giá chúng ta. Nhưng, sai rồi, sai thật rồi.

Tôi lấy một ví dụ thế này, Việt Nam là một quốc gia phát triển mạnh mẽ về Internet với tốc độ thuộc top đầu thế giới, vậy nhưng, những công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google,… đều không có trụ sở, chi nhánh tại Việt Nam để bán những sản phẩm bản quyền của họ. Việt Nam là một quốc gia có người dân sử dụng điện thoại Iphone nhiều vô số, nhưng lại không có nổi một cửa hàng Apple Store chính hãng. Thay vào đó, tại Thái Lan, Singapore,… thì lại có nhiều. Lý do đơn giản là người Việt dùng Windows “lậu” nhiều quá, dùng Iphone “xách tay” thay cho chính hãng,… Thế nên, các công ty nước ngoài họ chọn cách dừng phát triển ở Việt Nam vì tình trạng vi phạm bản quyền.

Vâng, vi phạm bản quyền thì dừng cung cấp dịch vụ. Nhưng sao đối với truyền hình thì họ lại chọn cách tăng giá bản quyền chứ không phải là “dừng bán”? Đơn giản vì thị trường Việt Nam đã được nghiên cứu quá kĩ bởi các công ty nước ngoài kia.

Riêng về vấn đề bản quyền truyền hình, các công ty nước ngoài họ luôn tự tin sẽ ép giá cao được mà Việt Nam vẫn phải mua. Đó mới là lý do chính yếu mà chỉ có Việt Nam sẽ bị ép giá cao nhất thế giới.

Việc ép giá được tạo ra từ cái gọi là sức ép dư luận đối với kênh truyền hình quốc gia. Phải mang chữ “quốc gia” nên VTV dường như sẽ chịu trách nhiệm cao hơn với dư luận và có thể bị chỉ trích bất cứ lúc nào.

Xoilac TV nổi lên như là “đấng cứu thế” của người hâm mộ đội tuyển Olympic VN

Chỉ mấy tháng trước thôi, trước sức ép dư luận, VTV đã từng phải mua bản quyền World Cup với cái giá hàng chục triệu đô (mức giá đắt top đầu thế giới) nhưng cũng may là có sự giúp đỡ của công ty tư nhân. Với cái tư duy “họ sẽ buộc phải mua vì dư luận nước nhà”, nên các công ty nước ngoài sẽ càng ngày càng ép giá Việt Nam mua bản quyền truyền hình với mức giá cao ngất ngưởng.

Thế thì, bây giờ VTV đã quyết định mạnh mẽ không mua bản quyền ASIAD rồi, chúng ta tự xấu hổ đến tận cùng có phải là “dại khờ” hay không?

Cám ơn sự dũng cảm của VTV

Phải nói rằng, VTV lần này dám chịu chỉ trích, một lần không mua bản quyền ASIAD là một sự dũng cảm lớn. Qua đây, để một bộ phận người dân chúng ta phải hiểu cái giá của việc vi phạm bản quyền ở đâu, để các công ty nước ngoài hiểu giá trị thật của bản quyền họ bán ở đâu,…

Thay vì tận cùng xấu hổ, các bạn à, hãy một lần nhìn lại xem chúng ta nên biết điều gì. Giá bản quyền cao ngất ngưỡng không phải vì quá khứ chúng ta vi phạm bản quyền quá nhiều hay sao? Giá bản quyền cao hơn nữa không phải vì chúng ta chỉ biết đi chỉ trích VTV hay sao?

Dừng lại sự xấu hổ đi, hãy tập một lần không xem bóng đá qua các trang “xem lậu”, hãy tập một lần không chỉ trích VTV mà ủng hộ họ kinh doanh hợp lý. Hành vi của người Việt có thay đổi, thì các công ty nước ngoài mới thôi sự ép giá của họ vào những giải đấu sau này. Xin đừng để, những năm tới, Việt Nam lại vẫn xảy ra những câu chuyện bản quyền tương tự.

Bóng đá hay đấy, đội tuyển của chúng ta cần sự cổ vũ đấy, nhưng hãy nghĩ xem, môt đội tuyển bóng đá vô địch ASIAD dù quốc gia mình nghèo không đủ tiền mua bản quyền phát sóng là đáng tự hào hay xấu hổ? Nghèo mà giỏi giang thì nên tự hào chứ sao lại phải xấu hổ cơ chứ.

Ngày mai, báo chí vẫn theo dõi từng cầu thủ bóng đá đá ra sân, từng vận động viên bơi lội thi đấu,… Chúng ta hãy ủng hộ họ theo cách văn minh nhất, và để sự thay đổi lần đầu tiên này đánh dấu cả bước ngoặt của hình ảnh đất nước.

(Theo But Danh)