“Oan án” Hồ Duy Hải: Có dấu hiệu án mạng xảy ra sau 22 giờ, Hải ngoại phạm về thời gian!
Trong hồ sơ vụ án, thời điểm xảy ra án mạng từ 20 giờ 30 đến 21 giờ chỉ do cơ quan điều tra suy đoán mà không có cơ sở thực tế hay phân tích khoa học nào.
Ngược lại, từ thực tế hiện trường máu chưa đông, thức ăn trong dạ dày tiêu hóa gần hết, kết hợp với lời khai của nhân chứng Thu nhìn thấy sau 22 giờ đèn trên lầu vẫn còn cháy sáng cho thấy thời điểm gây án phải diễn ra sau 22 giờ.
Và thời điểm này Hải có bằng chứng ngoại phạm là đang ngồi uống cà phê với bạn và sau đó về nhà ngủ.
Phải chăng do xác định không chính xác thời gian gây án, cơ quan điều tra đã bị lệch hướng và để lọt những nghi can được xác định rõ đã có mặt tại Bưu Điện Cầu Voi vào ngày hôm ấy?
Hai ngày sau khi án mạng xảy ra, cơ quan điều tra đã xác định án mạng xảy ra khoảng từ 20h30 đến 21h. Báo Thanh Niên số ra ngày 16/1/2008 đã ghi “Theo phân tích của các chuyên gia kỹ thuật hình sự thì 2 nạn nhân Ánh Hồng và Thu Vân đã bị giết trong thời điểm từ 20 giờ 30 đến 21 giờ đêm 13/1”. Mốc thời gian này được xác định xuyên suốt các hồ sơ từ cáo trạng đến bản án sơ, phúc thẩm.
Tiến tình điều tra đã xúc tiến theo hướng này, nhiều người đã được triệu tập và lấy lời khai, xác minh nhưng được cho là ngoại phạm vì có nhân chứng xác định được đang ở nơi khác trong thời gian này.
Hơn hai tháng sau, Hải được triệu tập lấy lời khai vì có liên quan đến một vụ cá độ bóng đá.
Sau hai lần đến cơ quan điều tra lấy lời khai Hải đã bị bắt mà theo một bài phóng sự trên báo, điều tra viên yêu cầu Hải chứng minh sự ngoại phạm của mình trong khoảng thời gian từ 20h – 21h ngày 13/01 là thời điểm xảy ra vụ án. Chàng trai ú ớ, rồi thẫn thờ: “Dạ, cháu xin khai”. Điều này cho thấy thời gian xảy ra án mạng trong vụ án này rất quan trọng mang tính quyết định trong việc xác định hung thủ.
Nhưng liệu thời gian ấy có được xác định chính xác, khoa học hay không?
“Thời gian chết” – nội dung bắt buộc trong giám định pháp y bị bỏ qua.
Trái với những thông tin trên báo Thanh Niên, trong các hồ sơ vụ án không hề có một phân tích nào của cơ quan giám định về thời gian, thời điểm xảy ra án mạng.
Về bằng chứng khách quan, không có chứng cứ nào xác định vụ án xảy ra vào thời điểm này. Một chứng cứ gián tiếp cho thấy ít nhất vào khoảng 20 giờ, cô Thu Vân – nạn nhân của vụ án vẫn còn sống, do thời điểm đó cô vẫn còn mua trái cây. Một “chứng cứ” gián tiếp khác là vào khoảng thời gian này, người láng giềng với Bưu điện có nghe một tiếng kêu. Việc xác định vụ án mạng xảy ra vào thời điểm này hoàn toàn do suy đoán của cơ quan điều tra.
Liệu với thực trạng hiện trường vụ án có phương pháp khoa học nào xác định thời gian chết của nạn nhân hay không?
Khoa học pháp y có phương pháp để xác định thời điểm chết của tử thi đã đưa thành bài bản từ những dấu hiệu sau chết sớm, những dấu hiệu sau chết muộn, ngay đến cả những tử thi đã bị phân hủy chỉ còn hài cốt cũng có thể phân tích được. Có nghĩa là trong mọi điều kiện của tử thi, khoa học pháp y đều có thể đọc được thời điểm chết.
Đối với những tử thi chết sớm trong vòng 48 tiếng đồng hồ như hai nạn nhân trong vụ án này, nếu thực hiện phân tích giám định đúng phương pháp, có thể đọc được chính xác đến đơn vị giờ.
Những phương pháp giám định này nằm trong giáo trình khoa học bộ môn Pháp Y và được Bộ Y Tế quy định thành những công đoạn bắt buộc trong quy trình giám định tử thi theo Thông Tư 47/2013. Rất tiếc là việc giám định pháp y trong vụ án này đã bỏ qua hoàn toàn, không giám định về thời gian chết nên đã không hỗ trợ việc điều tra sáng tỏ ở những vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất là thời điểm xảy ra vụ án.
Cách tính thời gian chết rất rõ ràng, chính xác
Cách tính thời gian chết trong những dấu hiệu sau chết sớm gồm có các cách như sau: đo nhiệt độ xem sự nguội lạnh của tử thi, sự giảm trọng lượng của tử thi, xem những vết hoen của tử thi và mức tiêu hóa thức ăn trong bao tử, ruột của tử thi.
Về sự nguội lạnh: Khi chết, các cơ quan ngừng hoạt động và không tạo ra năng lượng nữa, nhưng sau khi chết sờ vào tử thi vẫn còn thấy nóng, sức nóng ấy là năng lượng còn lưu lại của cơ thể khi còn sống. Năng lượng này sẽ mất dần theo thời gian, trung bình về mùa hè, mỗi giờ giảm đi từ 0,5 đến 1 độ C và mùa đông giảm từ 1 – 1,5 độ C. Sự giảm nhiệt độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào thể trạng béo hay gầy, áo quần dày hay mỏng, tử thi ở trong nhà hay ngoài trời. Thứ tự nhiệt độ của tử thi bắt đầu giảm từ đầu, mặt, các ngọn chi rồi tới gốc chi, sau cùng là nách, bụng, tầng sinh môn.
Ðể xác định thời gian chết, cơ quan an ninh Scothland đã đưa ra công thức tính thời gian dựa vào sự giảm nhiệt độ của tử thi như sau:
Thời gian sau chết = (37°C – T°)/1,5°C
Trong đó: 37°C là nhiệt độ trung bình của cơ thể sống. T° là nhiệt độ của tử thi khi khám nghiệm, được lấy ở hậu môn. 1,5°C là nhiệt độ trung bình của tử thi mỗi giờ mất đi.
Ví dụ: Tại thời điểm khám nghiệm đo được nhiệt độ tử thi 25°C, như vậy ta xác định được thời gian của nạn nhân đã chết cách thời điểm khám nghiệm là 8 giờ.
Về sự giảm trọng lượng: Người ta xác định được rằng sau khi chết, nước ở tử thi sẽ mất dần qua bốc hơi ở bề mặt tử thi, khiến trọng lượng của tử thi giảm đi.
Trung bình trọng lượng giảm 1kg mỗi ngày. Vì mất nước nên giác mạc trở nên mờ đục, nhãn cầu xẹp, môi và da nhăn nheo. Ðối với những tổn thương da khi còn sống như: xây xát, ép, hiện tượng mất nước tạo nên hình ảnh y pháp gọi là da bìa, nghĩa là nơi này màu xám khô, rắn chắc, khó cắt.
Về vết hoen tử thi: Hoen tử thi là những điểm hoặc mảng sắc tố xuất hiện sau khi chết, do sau chết máu không đông và dần dần đọng lại ở những vùng thấp của tử thi. Huyết sắc tố (Hemoglobin) ngấm vào trong các tổ chức ở những nơi ấy, lúc đầu thì chỉ tạo thành những điểm có màu hồng, sau đó tạo thành những mảng có màu tím nhạt rồi tím sẫm. Ðiều đáng lưu ý là những nơi bị tỳ, đè ép thì không xuất hiện hoen (thắt lưng, nịt vú…).
Hoen xuất hiện 2 giờ sau chết, trong thời gian đầu nếu thay đổi tư thế của tử thi thì vết hoen cũng thay đổi. Trên 10 – 12 giờ sau chết, các vết hoen cố định, mặc dù tử thi thay đổi, nhưng vết hoen không thay đổi theo. Ví dụ: Khi chết tử thi nằm ngửa, hoen tử thi sẽ xuất hiện mặt sau cơ thể, nếu sau 10 giờ lật úp xác xuống một thời gian, thì hoen vẫn ở phía sau lưng chứ không xuất hiện ở mặt trước cơ thể.
Như vậy, vị trí của hoen phản ánh tư thế lúc chết, đây là dấu hiệu rất quan trọng để ta biết có sự thay đổi tư thế của tử thi không.
Về độ cứng của tử thi: Sau chết, men ATP (Adenozine Triphosphate) của tổ chức thoái hóa giải phóng acid lactique, acid này làm đông protéine của các sợi cơ, khiến cơ bị co cứng lại và kéo theo sự cứng xác. Hiện tượng co cứng cơ được xác định theo thứ tự: Các cơ ở mặt (cơ nhai), ở thân, chi rồi các cơ trơn ở phủ tạng. Trẻ sơ sinh, người già yếu, người chết trong tình trạng nhiễm trùng, suy kiệt, hiện tượng cứng xác xảy ra rất chậm và ít. Thông thường, đặt tử thi nằm ngửa thì tư thể
co tự nhiên là: Hai tay hơi co ép vào mạng sườn, hai chân duỗi thẳng.
Sự cứng xác xuất hiện khoảng 2 giờ sau chết và có thể kéo dài đến 48 hoặc 72 giờ.
Ðối với những trường hợp chết ngạt hoặc có hiện tượng vùng vẫy trước khi chết thì hiện tượng cứng xác xảy ra sớm hơn. Trong vòng từ 2 đến 6 giờ, nếu phá cứng thì sẽ xuất hiện cứng trở lại. Sau 6 giờ, nếu phá cứng thì hiện tượng cứng không xuất hiện trở lại nữa. Ðây cũng là một dấu hiệu quan trọng để phát hiện xem có hiện tượng đụng chạm vào xác không (trong các trường hợp làm giả hiện trường).
Rất tiếc là biên bản giám định pháp y trong vụ án này đã bỏ qua các bước đã nêu.
Kết luận giám định chỉ nêu về nguyên nhân chết do một vật sắc bén cắt đứt cổ mà không đề cập gì đến thời gian, thời điểm chết của tử thi.
Vi phạm, thiếu sót trong quá trình tố tụng, nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án?
Sau 13 giờ, máu chưa đông là vô lý.
Trong đơn kêu oan của Luật sư Trần Hồng Phong đã đưa ra nghi vấn về thời điểm chết của hai nạn nhân không đúng như cáo trạng nêu mà phải là nhiều giờ sau đó.
Cơ sở để đưa ra nghi vấn này là ngay chính từ kết quả khám nghiệm hiện trường của Pháp Y qua hai biểu hiện: sau hơn 13 giờ kể từ thời điểm chết máu chưa đông/ khô và thức ăn được tiêu hóa nhuyễn trong ruột nạn nhân.
Việc khám nghiệm hiện trường được tiến hành từ 8h30- 13h30 ngày 14/1/2008, sau thời điểm cơ quan điều tra kết luận chết khoảng 13 giờ. Qua các tấm ảnh, thể hiện xác hai nạn nhân được đặt trên tấm vải màu trắng. Trên thân thể Hồng máu có màu đỏ tươi, vẫn còn chảy ra và thấm vào tấm vải lót. Trong Biên Bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận “trên sàn nhà nơi hai nạn nhân nằm có vũng máu đọng chưa khô hoàn toàn”.
Một bác sĩ nội khoa (dấu tên) cho biết, theo nguyên lý cơ bản về huyết học, sự đông máu diễn ra theo nguyên tắc 3/7. Với những vết thương nhỏ, máu chảy ra trong ba phút sau đó những hạt hồng cầu, tiểu cầu sẽ kết tủa tách rời khỏi dung dịch huyết tương và máu bắt đầu đông lại. Trừ những người có bệnh lý đặc biệt máu không đông, còn lại đều đông theo công thức này. Với vết thương lớn gây chết người như vậy, máu sẽ chảy ra nhiều nhưng mãi đến 13 tiếng đồng hồ mà chưa đông còn chảy là không hợp lý.
Hiện tượng máu vẫn còn chảy, còn ở thể lỏng khi khám nghiệm hiện trường có thể đưa đến giả thiết là nạn nhân phải chết gần thời điểm khám nghiệm hơn là 13 tiếng theo như cáo trạng đưa ra. Màu máu cũng không thể đỏ tươi mà lúc này máu đã thẫm màu và khô đông từ lâu. Chưa kể trong khi kết luận nạn nhân Hồng chết trước thì máu vẫn chảy, trong khi Vân chết sau thì máu lại khô hơn cho thấy có sự bất hợp lý.
Phải bốn giờ sau khi ăn mới bị giết
Một thực tế khác cũng từ kết quả giám định pháp y cho thấy thời gian xảy ra án mạng phải gần thời điểm giám định hơn là giờ ghi trong Cáo trạng. Biên bản giám định ghi nhận trong dạ dày Hồng “có thức ăn đã nhuyễn, lượng ít”. Quy trình giám định pháp y với tử thi đã quy định như sau: “Khi cần thiết phải xác định thời gian chết đặc biệt chú ý tới tính chất và số lượng chất chứa dạ dày và các phần khác nhau của ruột – đo khoảng cách từ đầu ruột non đến nơi phát hiện các phần tử thức ăn ở trong đó tương tự giống như ở trong dạ dày, thu chất chứa của ruột và dạ dày để sau này nghiên cứu dưới kính hiển vi, xét nghiệm…”. Rất tiếc là các giám định viên đã không thực hiện điều này.
Tuy nhiên từ việc xác định “có thức ăn đã nhuyễn” trong dạ dày cũng có thể suy đoán được thời gian từ lúc ăn đến lúc xảy ra án mạng. Theo pháp y, hoàn toàn có thể dựa vào độ nhuyễn của thức ăn trong dạ dày để xác định thời gian từ bữa ăn cuối cùng đến khi chết. Các loại thức ăn thông thường (cơm, trứng, cá… ) sẽ tiêu hóa hết trong dạ dày trong khoảng 3-4 giờ. Các loại thịt (bò/heo) tiêu hóa hết trong khoảng 4-5 giờ. Như vậy, nhìn chung thức ăn sẽ tiêu hết trong dạ dày trong vòng 3-5 giờ kể từ khi ăn.
Thức ăn trong dạ dày nạn nhân Hồng “đã nhuyễn” cho thấy nạn nhân đã ăn tối trước khi chết ít nhất 4 giờ đồng hồ. Vấn đề còn lại là xác định Hồng ăn vào lúc nào?
Tại biên bản ghi lời khai của chị Hiếu (nhân chứng trong vụ án là bạn thân của Hồng và Vân) “tôi và chị Hồng đi nấu cơm ăn, khoảng 12g cùng dọn lên ăn, xong rửa chén tôi và chị Hồng vào buồng ngủ còn chị Vân thì thức. Ngủ tới gần 17g dậy rửa mặt xong về nhà”. Lúc 17h chiều, khi chị Hiếu ra về thì chén bát đã rửa. Với lời khai này thì giả thiết thức ăn từ bửa ăn trưa bị loại bỏ vì sau sáu tiếng đồng hồ các thức ăn rắn như cơm đã bị tiêu hóa hoàn toàn. Như vậy, Hồng ăn chiều vào lúc nào?
Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận “phía trong sát với đùi phải Hồng có một bàn bếp, trên bàn có ly, tô, dĩa đã sử dụng nhưng chưa rửa”.
Các tình tiết trên cho thấy hai nạn nhân (hoặc ít nhất một nạn nhân Hồng) đã ăn tối trước khi chết.
Khi chị Hiếu ra về lúc 17g, tại bưu điện vẫn chưa hề chuẩn bị gì bữa tối. Nếu muốn ăn sớm nhất sau khi Hiếu về thì Hồng và Vân phải chuẩn bị tối thiểu một tiếng đồng hồ để nấu nướng và ăn vào lúc 18 giờ và như vậy thời điểm thức ăn tiêu hóa gần hết theo pháp y phải là 22 giờ (cộng bốn giờ tiêu hóa) chứ không thể bị giết trong khoảng từ 20h30 – 21g như trong Cáo trạng.
Tóm lại từ bằng chứng khách quan là máu chưa khô, thức ăn tiêu hóa gần hết cho thấy thời điểm xảy ra án mạng phải gần với thời điểm giám định tử thi hơn là 21 giờ.
Nhân chứng nhìn thấy 22 giờ đèn vẫn còn cháy sáng
Ngoài ra, có một nhân chứng cung cấp thông tin quan trọng nhưng không được các cơ quan điều tra ghi nhận đưa vào hồ sơ vụ án mặc dù đây là nhân chứng chính thức được các cơ quan tố tụng công nhận. Đó là anh Thu, đội viên dân phòng hành nghề lái xe ôm. Anh là người tham gia dọn dẹp hiện trường của vụ án cũng là một trong những người phát hiện ra con dao Thái Lan được cơ quan điều tra xác định là hung khí giết người.
Theo lời kể của anh Thu thì tối 13/1/2008, lúc gần 19h anh Thu đã chở Hải (chở xe ôm) về nhà. Hải xuống bến xe bus trên chuyến xe từ TP.HCM về Long An, tại ngã ba Bình Ảnh. Lúc này Hải mặc áo sơ mi, đội nón kết và trên tay cầm tờ báo. Anh Thu đã chở Hải tới tận cổng nhà. Lúc khoảng 21h30 – 22h đêm xảy ra án mạng, anh Thu chở (xe ôm) hai người khách, đi ngang qua Bưu Cục Cầu Voi và thấy “trên lầu một Bưu cục còn sáng đèn. Cổng, cửa phía trước bưu điện đều đã đóng”.
Lời khai này phù hợp với những chứng cứ về máu và thức ăn như đã nêu và còn đặt ra một mâu thuẫn mới với cáo trạng. Theo cáo trạng, vụ án hoàn toàn xảy ra ở tầng trệt, cửa lên lầu một đã khóa, vào sáng hôm sau khi phát hiện thì đèn đã tắt.
Thời điểm anh Thu đi ngang Bưu Cục Cầu Voi theo Cáo trạng thì hai cô Hồng và Thu Vân đã chết, Hải đã về nhà như vậy còn ai ở lại Bưu Cục để mở đèn và tắt đèn sau đó. Theo nguyên tắc tố tụng hình sự, lời khai được xem là chứng cứ khi nó phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án, nên lời khai của anh Thu cần phải được xem là chứng cứ. Và như thế, có thể khằng định rằng thời điểm gây án ghi trong Cáo trạng ghi theo lời khai của Hồ Duy Hải là không phù hợp, vì nó không gắn với một bằng chứng khách quan nào. Có căn cứ khoa học và khách quan để khẳng định rằng thời điểm xảy ra án mạng phải sau thời gian được ghi trong cáo trạng ít nhất là từ một tới nhiều tiếng đồng hồ.
Như đã nói ở trên, nếu thời gian xảy ra án mạng sau 21 giờ thì Hải hoàn toàn có bằng chứng ngoại phạm. Biên Bản ghi lời khai ngày 7-4-2008, Hải khai “lúc này khoảng 22h giờ, tôi không về nhà mà chạy thẳng đến quán bà 2A gặp anh Chương và anh Lĩnh (làm công trình siêu tốc) đang ngồi xem đá banh. Tôi không nói gì, xem đá banh, khoảng 30 phút tôi chạy xe Honda về nhà”. Nghĩa là vào thời điểm xảy ra án mạng thật sự, Hải ở những vị trí cụ thể có những nhân chứng cụ thể xác định được và không thể là hung thủ của vụ án.
Xác định sai giờ, Hải bị bắt oan, bỏ lọt nhiều nghi phạm.
Ngược lại, từ tư liệu báo chí trong những ngày mới vừa xảy ra vụ án cho thấy cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều người có liên hệ với nạn nhân và có đến hiện trường vụ án. Manh mối đầu tiên, được một số người dân sống gần hiện trường cung cấp là có bốn thanh niên thường xuyên đến chơi với hai thiếu nữ vào các buổi tối. Điều tra nhanh, công an được biết trong số bốn thanh niên này, có ba người quê ở Vĩnh Long, người còn lại thì nhà ngay tại xã Nhị Thành.
Ngoài nghi phạm người tại địa phương sau ít giờ điều tra được xác định không liên quan, đánh giá các thanh niên còn lại ít nhiều gì cũng có liên quan đến vụ án hoặc cũng có thể cung cấp manh mối gì đó cần thiết điều tra phá án, bằng biện pháp kiểm tra đăng ký tạm trú, tạm vắng tại địa phương, ba thanh niên quê Vĩnh Long được xác định tên là Nguyễn Văn Sơn (SN 1980); Nguyễn Tuấn Anh (SN 1981); Trần Văn Chiến (SN 1980) cùng là thợ bạc đến tạm trú và làm thuê cho một tiệm vàng tại địa phương.
Được triệu tập đến cơ quan điều tra làm việc, cả ba thanh niên đều cho biết có mối quan hệ quen biết với cả hai nạn nhân, đều đang theo đuổi thiếu nữ Hồng nhưng chưa ai được cô gái chấp nhận. Đêm xảy ra vụ án, cả 3 đều đến chơi và trò chuyện với Hồng, rồi cùng đi về vào lúc hơn 19h.
Để chứng minh mình ngoại phạm, ba anh thợ bạc cho biết lúc về đến nhà trọ có tổ chức uống rượu với mấy người cùng khu nhà trọ, có bà chủ nhà trọ và một số người cùng tham gia sòng nhậu làm chứng.
Trong lời khai của 3 thanh niên này có một chi tiết là Nguyễn Văn Nghị (SN 1978, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) từng là một đối tượng nghiện ma túy thường đi xe máy đến bưu điện chơi. Nghị là bạn của một thợ bạc là người yêu của Hồng, tình cờ gặp thì cũng mến Hồng. Lúc ấy bất chấp hai gia đình không đồng ý, anh thợ bạc vẫn đeo đuổi cô gái, đã có một vài lần anh và Nghị cãi nhau trước cổng bưu điện, tình bạn bị sứt mẻ. Một số nhân chứng cho biết Nghị đã nhiều lần yêu cầu Hồng không được trò chuyện với anh thợ bạc nữa.
Thêm một tình tiết xác định Nghị có thể liên quan đến vụ án là vào đêm xảy ra án mạng, có người dân thấy thanh niên này điều khiển xe máy đến gặp hai thiếu nữ. “Anh ta lúc đó mặc quần jean, có mặc áo gió bên ngoài màu xám” – nhân chứng khẳng định. Nghị khai nhận đúng là đêm đó có đến gặp Hồng nhưng do có gặp nhóm thợ bạc “bạn cũ” nên khi những thanh niên kia ra về thì mình cũng về theo.
Chứng minh mình vô can, Nghị đưa ra nhân chứng xác định vào thời gian từ 20h10 tối 13/1, Nghị đã cùng bạn uống nước tại một quán cà phê tại thị tứ Cầu Voi. Chủ quán cà phê cũng xác nhận điều này vì tối đó có một sự việc rất đặc biệt, lúc uống cà phê thì giữa Nghị và một thanh niên khác đã xảy ra tranh cãi về việc “nhìn đểu” khiến chủ quán phải đến can ngăn.
Ngoài ra còn có một kỹ sư tên Trung ở Bình Dương và Nguyễn Mi Sol ở TP.HCM cũng được nhân chứng xác định có quan hệ với Hồng và có thể có mặt ở địa phương vào đêm xảy ra tai nạn. Tuy nhiên tất cả những người này đều có dấu hiệu ngoại phạm vào thời điểm từ 20 giờ 30 đến 21 giờ. Nhưng với khả năng vụ án xảy ra sau 22 giờ thì họ có ngoại phạm không? Rất tiếc là những bản ghi lời khai của các đối tượng này từ lúc mới khởi tố vụ án đến khi bắt được Hải đã bị biến mất không ghi nhận trong hồ sơ vụ án. Đây là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng và sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc phục hồi điều tra vụ án.
Trương Châu Hữu Danh (Nhà báo)