Nhiều đối tượng đang cố tình lợi dụng mạng xã hội
Sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin, cần phải được tuân thủ theo Hiến pháp và quy định của pháp luật Việt Nam, vì lợi ích chung của quốc gia, tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, có văn hóa và có lòng tự tôn dân tộc.
Mạng xã hội đang bị lợi dụng và sử dụng vào mục đích xấu
Nhằm kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/06/1925-21/06/2018), Đoàn thanh niên Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức tọa đàm khoa học “Truyền thông trên mạng xã hội”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan Trung ương – Trần Hữu đã nhấn mạnh, tọa đàm nhằm góp phần giúp các nhà báo trẻ, đoàn viên thanh niên khối cơ quan Trung ương nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng niềm tin, kỹ năng và cách ứng xử với thông tin trên mạng xã hội.
Trao đổi tại tọa đàm về chủ đề “Cuộc chiến chống lại fake news (tin giả) và trách nhiệm xã hội của báo chí”. Ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam cho rằng: Tình trạng tin tức giả mạo các cơ quan báo chí chính thống bằng các website có tên miền gần giống, Fanpage, Blog… đang diễn ra đáng lo ngại.
Trong khi các tác hại của tin tức giả là vô cùng nguy hại, nó có thể gây hoang mang, thậm chí làm khuynh đảo xã hội, có nguy cơ lấn át những nguồn tin chính thống ở khắp nơi. Trong khi các thông tin trên báo chí lại được kiểm chứng bằng sự lỏng lẻo. Vì thế, ông Lê Quốc Minh cho rằng, người dùng mạng xã hội cần “like và share có trách nhiệm”.
Những tin tức giả trên mạng xã hội không chỉ liên quan đến sự tồn vong của những thông tin báo chí chính thống, mà còn liên quan đến sự ổn định của xã hội. Việc các đối tượng ở nước ngoài, sử dụng mạng xã hội và các trang Website kêu gọi biểu tình là những minh chứng cho thấy sự ổn định xã hội bị mất kiểm soát.
Những kẻ phản động, mâu thuẫn với chế độ hiện tại, là tàn dư của chế độ cũ, đã tìm mọi cách bịa đặt ra những thông tin sai trái, nói xấu Đảng, Chính phủ, Quốc hội; danh dự và uy tín của các đồng chí cán bộ, lãnh đạo, Đảng viên và đại biểu Quốc hội đã bị xúc phạm, tấn công ngày một nhiều.
Để thu hút được sự quan tâm của xã hội, các phần tử phản động trong và ngoài nước còn lập ra nhiều tài khoản Facebook, Website, Blog… để cắt ghép thông tin, trà trộn thông tin thật giả, phát tán những hình ảnh bị chỉnh sửa…
Thậm chí, nhiều nhóm, hội, trên mạng xã hội còn được lập ra để tấn công có chủ đích, công khai hóa tổ chức, vận động các đối tượng tù chính trị, bất đồng quan điểm với Đảng, Nhà nước, Đảng viên tha hóa, cán bộ vi phạm. Để làm “nóng” các vấn đề chính trị – xã hội của đất nước, đổi trắng thành đen, gây rối chính quyền địa phương, làm tư tưởng và tâm lý người đọc thay đổi.
Như trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đối tượng Nguyễn Danh Dũng (sinh năm 1987) đã bị công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang sử dụng và quản trị các tải khoản Youtube, Facebook, Blog… Để đăng tải các nội dung, bình luận được thu thập từ các trang phản động; được biên tập thành các bài viết, video, có nội dung gây sự chú ý, thu hút người xem.
Chỉ tính riêng việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, lợi dụng việc này các trang mạng đã đăng tải không ít những bài viết, nguồn tin mang tính chất phản động, nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam với luận điệu: Việt Nam bắt “cóc” Trịnh Xuân Thanh; Đức sẽ trừng phạt kinh tế, chính trị đối với Việt Nam vì hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh; quan hệ hai nước Việt Nam – Đức trở nên căng thẳng;…
Các nguồn tin đó đã được phát tán liên tục trong một thời gian dài bởi các trang như: Danlambao; Nguoi Buon Gio, Ba Sam, Nhật ký yêu nước, Đảng Việt Tân; Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam…
Hệ thống pháp luật phải tạo một môi trường mạng xã hội “sạch”
Sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin, cần phải được tuân thủ theo Hiến pháp và quy định của pháp luật Việt Nam, vì lợi ích chung của quốc gia, tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, có văn hóa và có lòng tự tôn dân tộc.
Trước vấn đề đó, điều cần đặt ra hiện nay đó là việc xử lý theo pháp luật không chỉ nên dừng ở việc điều tra những kẻ tung tin đồn sai trái, xấu độc, bịa đặt, tấn công chủ đích… Mà phải xử lý cả những người tiếp tay cho việc lan tràn thông tin sai trái đó.
Có như vậy, thì nhân dân cả nước sẽ hiểu rõ những bộ mặt nham hiểm, của những phần tử cơ hội; đồng thời người dân trực tiếp sẽ góp phần phá hủy âm mưu độc địa của những kẻ tung tin sai trái, gây mất an ninh – trật tự và đổ vỡ niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng mạng xã hội, nternet để thúc đẩy cán bộ, Đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây nội bộ mất đoàn kết.
Trong thời gian gần đây, với những thông tin phát tán ngày một nhiều, cơ quan Nhà nước đã tiến hành điều tra và xử lý không ít những đối tượng phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt này. Theo điều 258 của Bộ Luật hình sự về: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Ngoài ra, hệ thống hành lang pháp lý hiện hành còn có Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”. Trong đó, có các quy định xử phạt hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Nghị định 72/2013/NĐ-CP về “quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”, tại điều 5 cũng quy định cấm các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống phá Nhà nước, gây thiệt hại an ninh quốc gia; tuyên truyền khủng bố; tiết lộ bí mật Nhà nước; vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự cá nhân…
Năm 2019 tới đây, sau khi Luật An ninh mạng đã được thông qua và chính thức đi vào hoạt động, thì Luật này sẽ có những biện pháp quan trọng hơn để xử phạt đối với những hành vi lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền thông tin, bịa đặt, sai trái với pháp luật, được quy định tại điều 8 như sau: “Sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc”.
Trong một “thế giới phẳng” và “công nghệ số” như hiện nay, việc khai thác Internet và mạng xã hội phục vụ cho lợi ích cá nhân và tổ chức là rất phong phú, đa chiều. Nhưng cũng cần phải hướng đến một thế giới thông tin “sạch”, thể hiện được rõ vai trò và giá trị văn hóa của dân tộc. Chứ không phải là những hành động tấn công, chống phá, bôi nhọ danh dự, uy tín và nhân phẩm của người khác.
(Theo butdanh)