Ngừng lên án đi, bao giờ bị tài xế say xỉn đâm phải mới thấy ma men nguy hiểm thế nào!
Lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Thay vì hưởng ứng rất nhiều người đã có những ý kiến trái chiều về điều luật mới. Có ai biết, Việt Nam có tới 10.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm, trong đó tai nạn vì say rượu, uống bia khi lái xe chiếm tỷ lệ 3,8%, tức là có tới 380 người có cơ hội sống nếu tài xế không có nồng độ cồn trong người.
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Những ngày gần đây thông tin chi tiết về dự luật này tạo nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Là người chủ trì thẩm tra dự luật, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đã phải chịu sức ép ghê gớm.
“Nhiều người qua điện thoại vẫn nói kháy, nói mỉa như “mấy ông làm luật như điên, cấm sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông thì Tết này về ông đi bộ mà đi chơi”, hay “làm cái luật khùng điên như thế mà cũng làm được”.
Xin hỏi quy định này tốt hay xấu cho xã hội? Nhậu rồi tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, bệnh hoạn, kinh tế gia đình hao tổn, nếu bớt được rượu bia ai là người hưởng lợi? Biết rằng quy định này sẽ khiến người người cho rằng mất vui, mất tết, nhưng nếu lật ngược vấn đề: Chúng ta sẽ nhận lại được bao nhiêu lợi ích từ luật phòng, chống tác hại của rượu bia?
Có một sự thật không thể phủ nhận rằng, dù kinh tế suy thoái, GDP giảm sút, ngành bia vẫn tăng trưởng đều đặn với mức 10%/năm và người Việt càng ngày uống bia càng nhiều, luôn nằm trong top 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới, thứ 3 của châu Á, và nhiều năm liên tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Nhiều người làm lao động chân tay, thu nhập thấp, không có tiền uống bia thì cũng cũng phải uống vài ly rượu đế. Có nhiều trường hợp uống rượu rẻ tiền, pha nhiều hóa chất, nên uống xong ngã lăn ra chết. Có trường hợp ở Long An thách nhau uống, uống cho đến khi một chết, một nhập viện.
Lắm thứ tuy đứng hạng 1 nhưng không có gì đáng tự hào, ngược lại còn xấu hổ. Các nước trong khu vực có nhiều cái được xếp đứng đầu nghe là bái phục, ví dụ như Singapore số 1 về sạch sẽ, bảo vệ môi trường. Thái Lan số 1 về thu hút du lịch…
Việt Nam uống bia số 1 nên cũng đứng số 1 về tai nạn giao thông. Đố nước nào trên thế giới có người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm bằng Việt Nam. Mỗi ngày lật báo ra, chắc chắn có tin tai nạn giao thông, tai nạn nhiều đến nỗi con người ta vô cảm, trơ lì. Trong các vụ tai nạn đó, nhiều vụ có nguyên nhân từ uống rượu bia. Nhậu xong, lái ô tô, xe máy phóng nhanh, lạng lách, coi thường mạng mình và mạng người khác. Biện pháp đo nồng độ rượu bia dù đặt ra, nhưng ma men quá đông nên xét không thể hết. Quán nhậu Việt Nam nhiều nhất thế giới tính tỉ lệ trên đầu dân, cho nên không thể đủ cảnh sát để xử phạt các bợm nhậu sau tay lái.
Dân nước Việt uống rượu bia kinh hoàng nhất thế giới cho nên có những vụ ẩu đả, chém giết kinh hoàng nhất thế giới. Rượu vào say sưa, ra đường choảng nhau, về nhà choảng vợ con. Nhiều tấn bi kịch gia đình, án mạng chết người sinh ra từ rượu bia. Bà Vũ Thị Minh Hạnh đưa ra ví dụ mới toanh, đó là một thạc sĩ, cán bộ thanh tra kho bạc ở Hải Dương nhậu xong về nhà đánh chết vợ. Rượu bia đã khiến cho một người có học, có địa vị xã hội mất khả năng kiểm soát hành vi. Khi tỉnh rượu thì đã quá muộn.
Rượu bia nhiều thì bệnh tật nhiều, điều này không có gì mới, nhưng không phải ai cũng nhận thức một cách đầy đủ. Bệnh viện Việt Nam quá tải, trong số bệnh nhân chồng chất đó, có nhiều người say xỉn lái xe gây tai nạn, say xỉn đâm chém nhau bị thương, và còn nhiều người bệnh do tác động của rượu bia. Vậy nên, đừng số 1 về nhậu nữa, xấu hổ lắm.
Cái người mệt nhất khi luật phòng, chống rượu bia ra đời phải kể đến là CSGT kìa. Bợm rượu chỉ cần uống 1 ly rượu cũng phạt thì biên bản xử phạt viết chắc mỏi tay. Gặp mấy “ông cố nội” say xỉn mà điều khiển phương tiện, CSGT mà tịch thu xe họ, họ lấy cái cớ “không làm chủ được bản thân” ra tay ẩu đả, chống người thi hành công vụ, ai là người thiệt đây!
Hãy ngừng suy diễn, nói này nói nọ đi, cứ đặt trường hợp mình là người gặp tai nạn hoặc có người thân gặp tai nạn giao thông vì bia, rượu mới thấm cảnh. Lúc đó lại oán trách sao luật không ra đời sớm hơn, không khắt khe hơn nữa đi!
Cát Linh