Làm báo và nói thẳng
Nói thẳng đâu dễ bởi không phải ai cũng muốn lắng nghe. Xem sự thật là tối thượng và phục sự bạn đọc là mục đích tối cao, những người làm báo chúng tôi luôn muốn nói thẳng
1. Từ tháng 8-2017, Người Lao Động mở mục “Nói thẳng” trên báo điện tử, cùng với hai mục khác là “Tin độc quyền” và “Trích dẫn nóng”, mục đích ban đầu chỉ là bổ sung vài món vào thực đơn để mời độc giả mỗi ngày.
Và rồi, vượt lên trên hai mục cùng thời kia, tầm vóc của “Nói thẳng” tiến xa hơn hẳn, thể hiện qua số lượt xem (page view) tăng đột biến và lượng ý kiến phản hồi (comment) theo từng bài nhiều gấp bội so với các bài thông thường. Chúng tôi cố gắng mỗi ngày xuất bản một bài, tất nhiên không phải bài “Nói thẳng” nào cũng hay và đạt được hiệu ứng như kể trên song món lạ này luôn cho thấy sự ăn khách.
Bạn đọc gửi comment khen hay, sắc sảo; động viên báo vững tay bút. Thậm chí có bạn đọc bày tỏ sự lo lắng, rằng nói thẳng quá thì đụng chạm nhiều nên phải cẩn trọng… Cũng có ý kiến không đồng tình, thậm chí bác bỏ luận điểm báo nêu. Tuy nhiên, chỉ là số ít. Tất cả các ý kiến đều được chúng tôi tiếp thu, chịu khó phản hồi không chỉ qua báo điện tử mà còn qua mạng xã hội (hầu hết các bài đều được chúng tôi dẫn lên fanpage của báo và mở comment để độc giả tranh luận).
Chúng tôi đã viết gì trong những bài “Nói thẳng” ấy mà được độc giả đón nhận đến vậy?
2. Trước hết là nói (viết) phải thẳng, đúng như tên gọi của mục. Vậy, hóa ra trước giờ toàn nói vòng, nói cong, nói lấp lửng thôi sao? Chưa hẳn vậy.
Đó là đi thẳng vào vấn đề muốn nói mà không cần dẫn dắt vòng vo. Ngay từ câu đầu tiên, trễ lắm là câu thứ hai, bạn đọc đã biết bài báo nói gì. Nhập đề trực khởi cũng là cách tạo hấp dẫn, giữ chân bạn đọc.
Đó là nói “thẳng ruột ngựa” quan điểm của tác giả, cũng là quan điểm của tờ báo về một sự việc/hiện tượng nào đó, về một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Người đọc có thể đã biết thông tin ban đầu nhưng chưa tỏ đúng/sai, chưa biết ngả về bên nào, vì thế chưa thể bày tỏ chính kiến… Do vậy, bằng nguồn tin báo chí, tác giả phải cung cấp thông tin thêm, đầy đủ hơn cho người đọc; bằng góc nhìn báo chí, người viết có nghĩa vụ kiến giải vấn đề, nói rõ ai đúng/ai sai, đâu là địa chỉ phải chịu trách nhiệm… Làm tốt những việc này chắc chắn giúp tác phẩm trở nên có giá trị, đạt được sự đồng tình cao từ phía tiếp nhận và tạo sự lan tỏa rộng hơn cho bài báo, cho mục “Nói thẳng” và cho thương hiệu Người Lao Động.
Đó là nói giùm bạn đọc, nói thay người dân suy nghĩ và cảm xúc của họ theo cách “toạc móng heo”! Bức xúc, giận dữ, phẫn nộ cũng có. Hào hứng, hoan hỉ, hả hê cũng có. Chân tình, cầu thị, xây dựng cũng có. Toàn bộ những cung bậc cảm xúc được chuyển tải một cách sống động, thành thật cùng với vấn đề bài báo đề cập. Chúng tôi lấy lòng độc giả bằng cách làm này.
Nói thẳng được lòng nhiều người nhưng gây phật ý cũng không ít. Dù “sự thật – mất lòng” nhưng “thuốc đắng – dã tật”, chúng tôi chọn “sự thật” và chọn “dã tật”, đồng thời kiên quyết trung thành với hướng đi của mình.
3. Bài báo gây hiệu ứng mạnh mẽ trong giai đoạn đầu của “Nói thẳng” là bài bình luận xung quanh một bức ảnh về lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 tại một điểm trường ở xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Tấm ảnh ghi cảnh mái trường sơ sài nằm dựa bên núi, sân trường hẹp và lầy lội, mấy chục em ngồi xổm để khỏi ướt, chỉ lèo tèo mấy cái ghế nhỏ đủ cho vài em dùng, học sinh nghèo và nhếch nhác, giáo viên cũng tội nghiệp. Lễ khai giảng ở đó chỉ có thế. Còn bao nhiêu điểm trường như vậy nữa, trẻ con vùng cao cơm không có thịt, áo chẳng đủ ấm, phòng học tranh tre vách nứa trống trước hụt sau. Cách mạng 4.0 thì cứ nói ra rả mà thực tế thì hết sức phũ phàng vậy đó. Và trái ngược với cảnh nghèo ấy là hàng loạt đề án ngàn tỉ của ngành giáo dục không hiệu quả và biết bao đại án kinh tế thất thoát, tham nhũng trăm tỉ, ngàn tỉ… Đọc bài báo, ai cũng phẫn nộ theo…!
Không chỉ phê phán, tiêu chí của “Nói thẳng” là xây dựng và cố gắng đưa ra giải pháp. Tại những bài bình luận về các dự án BOT gây phản ứng trong dân chúng, chúng tôi luôn nỗ lực chỉ ra hướng giải quyết, như một cách hiến kế cho cơ quan chuyên ngành. Tương tự, trong những bài đấu tranh với các đề xuất tăng thuế chưa hợp lý của Bộ Tài chính, chúng tôi không những nêu ra nguy cơ để cảnh báo bộ – ngành hữu quan phải cân nhắc mà qua đó còn “chở” tiếng dân đến cửa cơ quan nhà nước để họ nghe thấy mà đo lường, mà đưa ra quyết sách hợp lý.
(Theo Nguoi Lao Dong)