Năng lực không có lại còn xa dân

Đó có thể sẽ là lời đánh giá xác thực nhất cho câu chuyện “Ở một phường, 21 căn nhà cạnh nhau một lúc. Hỏi phường xây lúc nào, chủ tịch phường không biết. Trong khi hỏi người dân ở đó, họ biết hết…”.

Câu chuyện được nhắc lại bởi chính ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trong buổi tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua khen thưởng năm 2018 và phát động phong trào thi đua năm 2019 vào chiều 26/3.

Bùng nổ xây dựng không phép, trái phép tại thành phố Hồ Chí Minh

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cần bổ sung thêm tiêu chí về quản lý xây dựng trên địa bàn vào Chương trình Chỉnh trang đô thị của thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, nếu còn tình trạng xây dựng không phép thì đồng nghĩa với việc không có chỉnh trang đô thị.

Quận Thủ Đức năm 2016 có 314 công trình xây dựng không phép, trái phép. Năm 2017 khoảng 150 công trình, đến 2018 chỉ còn 72 công trình. Huyện Bình Chánh, năm 2016 khoảng 850 trường hợp xây không phép, trái phép; năm 2017 là 1.092 trường hợp; năm 2018 khoảng 870 trường hợp. Ba năm cộng lại là khoảng 2.700 trường hợp. Tại huyện Hóc Môn, việc cho phép xây dựng, chia đất giao cho dân sai khoảng 1.500 trường hợp, khắc phục chưa xong. Người dân có nhu cầu xây nhà nộp 1.400 hồ sơ huyện cũng không giải quyết.

Đang tổ chức công tác thì đua khen thưởng mà nói ra cả một núi sai phạm thế này thì còn khen thưởng được ai, còn ai thi đua với ai nữa?

Hàng nghìn công trình xây dựng không phép, trái phép như đã đề cập nhưng chính quyền quận, huyện không thể nắm được. Trong đó, nhiều trường hợp là do huyện chia đất giao cho dân sai. Thậm chí, đến cả khi người dân nộp hồ sơ khắc phục thì huyện cũng… “bó tay”!

Nói thẳng, cấp chính quyền huyện, quận tại thành phố Hồ Chí Minh đang quá thiếu cán bộ đủ năng lực công tác. Một ngôi nhà, một công trình đã đủ to; thì cả hệ thống hàng ngàn công trình lại càng phải dễ thấy. Vậy mà, hỏi chính quyền địa phương không biết thì phải chăng là họ “mù”?

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân có so sánh các cán bộ này với người dân địa phương để chỉ ra là “cán bộ không biết nhưng người dân thì biết hết”. Lời so sánh này có thực ra còn có thể hiểu theo nhiều ý. Có thể đang nói cán bộ năng lực kém cả người dân bình thường, không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ dù đó là việc đơn giản mà một công dân bình thường có thể thực hiện. Cũng có thể là đang nói cán bộ địa phương thật… xa dân. Dân biết công trình không phép nhưng cán bộ không biết tức là cán bộ không biết nắm tình hình dư luận, không biết dùng sức mạnh nhân dân trong quản lý.

Quả thực, đã yếu kém về năng lực, còn xa dân thì hậu quả là những gì đang hiện hữu trước mắt. Thành phố Hồ Chí Minh thì đang tích cực “chỉnh trang đô thị” nhưng các quận, huyện thì vẫn đang dậm chân loay hoay chẳng biết “chỉnh trang” điều gì với cả đống những công trình không phép, trái phép. Đã không phép, đã trái phép thì quản lý lại càng “bất lực”!

Sau vụ nhiều công trình không phép, trái phép, nhiều cán bộ đã bị xem xét xử lý kỷ luật mà theo Bí thư Nhân thì đó là “Việc này rất tiếc, cái này dễ mất cán bộ”. Thiết nghĩ, mất cán bộ yếu năng lực và xa dân là chuyện đáng mừng mới đúng. Cán bộ mà xa dân thì sao lo được cho người dân, cán bộ mà xa dân thì sao quản lý cho sát thực tiễn, cán bộ mà xa dân thì nói được ai,…

Như vậy, quá trình “chỉnh trang đô thị” của thành phố Hồ Chí Minh không chỉ cần bổ sung thêm các tiêu chí cần thiết. Điều quan trọng nhất vẫn là người tiến hành, chỉ đạo thị hiện kế hoạch chỉnh trang ấy như thế nào. Với đội ngũ cán bộ như bây giờ thì e rằng là sức không đủ, lực chẳng đầy. Một lần nữa yếu tố con người sẽ vẫn là mấu chốt cho việc thành – bại của cả một chương trình phát triển.

Muốn có đô thị chỉnh trang – hãy chỉnh lại cán bộ cho chắc đã…!

(Theo Bút danh)