“Đừng mượn bóng ma thế lực thù địch để công kích người góp ý”

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói đừng vội quy kết những người phản ứng với chính sách là “thế lực thù địch”, trước hết cán bộ hãy tự kiểm vì sao không nhận được sự đồng thuận.

Ông Nghĩa nêu quan điểm trên khi phát biểu tại Quốc hội chiều 15/6. Đây là lần thứ hai trong hai ngày Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội, luật sư này phát biểu về nội dung liên quan đến “thế lực thù địch”.

Theo ông Nghĩa, từ cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, Việt Nam nên rút ra ba bài học. Bài học đầu tiên, xưa nhưng không bao giờ cũ là khi chủ trương, đường lối của Đảng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân thì dù phải hy sinh xương máu hay tài sản, hoặc hạn chế tự do, chấp nhận giảm thu nhập, mất việc làm, nghỉ học, đảo lộn cuộc sống thường ngày của từng gia đình… như trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, nhân dân vẫn hưởng ứng, ủng hộ.

“Khi ý Đảng hợp lòng dân thì không thế lực thù địch nào có thể phá hoại được”, ông Nghĩa nói và cho rằng, mỗi khi người dân phản ứng với chính sách, hành động của chính quyền, cán bộ, công chức thì các tổ chức, cá nhân liên quan phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận.

“Đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch”, ông Nghĩa nêu vấn đề.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Võ Hải
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Võ Hải

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các cơ quan chức năng có trách nhiệm “tìm cho ra, cho đúng” thế lực thù địch để nghiêm trị, nhưng không được mượn “bóng ma” của vấn đề này để công kích những người góp ý, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử.

Ông Nghĩa nói “trong hội trường Diên Hồng (tòa nhà Quốc hội) này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả”.

Vị đại biểu phân tích, trong thể chế chính trị Việt Nam, Quốc hội – cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vững mạnh là tiền đề và điều kiện thiết yếu để tăng sức mạnh, hiệu quả trong hoạt động cho các cơ quan hành pháp và tư pháp cũng như cả hệ thống chính trị. Từ cách tiếp cận này, ông đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cử tri cả nước quan tâm “xây dựng Quốc hội mạnh, tốt, hiệu quả hơn nữa trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV tới đây”.

Cuộc tranh luận trên nghị trường bắt đầu từ sáng 13/6, khi đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, nhiều vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ trong nhân dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng. Đơn cử vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước… Theo ông Thắng, những vụ án này là “phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp”.

Tuy nhiên sau đó, ông Phạm Hồng Phong, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP HCM, phản biện rằng “không nên qua một vài thông tin mà đưa ra nhận định thiếu cơ sở, để thế lực phản động lợi dụng, chống phá”.

Đáp lại, ông Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, muốn không để thế lực thù địch lợi dụng chống phá thì “chúng ta phải sửa mình cho tốt, không được làm sai, làm trái thì ai chống phá chúng ta được”.

Tiếp đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng tham gia tranh luận, bày tỏ không đồng tình ý kiến của ông Phong. “Nếu không muốn kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là đánh giá, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì bưng bít người ta cũng biết”, ông Nghĩa nói và dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “không phải cứ đỏ mà tưởng là chín”.

Vnexpress