Nhân vật nắm giữ vận mệnh của Tập Cận Bình đã chết một cách bí ẩn

Gần đây, Lữ đoàn Phòng không 81 của Trung Quốc (TQ) tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật đã thu hút sự chú ý của ngoại giới, bởi lữ đoàn này chịu trách nhiệm phòng không cho Trung Nam Hải. Một số phương tiện truyền thông nước ngoài nhận được tin tức tuyệt mật từ quân đội rằng ông Hoàng Hội Luân (Huang Huilun), chỉ huy Lữ đoàn Phòng không 81, nhân vật quan trọng nắm trong tay vận mệnh của ông Tập Cận Bình, đã chết một cách bí ẩn vào năm ngoái. Nhưng chính quyền chưa từng công bố thông tin này cũng như nguyên nhân của cái chết, và liệt nó vào vấn đề bí mật tuyệt đối trong quân đội.

Vào ngày 14/5, Quân đội Trung Quốc đã phát động cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài hai tháng rưỡi tại Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Cuộc tập trận được tổ chức vào thời điểm nhạy cảm với hàng loạt vấn đề khác nhau: trong nước và quốc tế đang truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc (TQ) về việc che giấu dịch bệnh, chuẩn bị kỳ họp Lưỡng hội, căng thẳng trong vấn đề Đài Loan.

Ngoài ra, cuộc tập trận quân sự này diễn ra trong thời gian dài và có khu vực chiến sự rất lớn. Nó sẽ thực hiện nhiều cuộc tập trận thực tế như đổ bộ lên đất liền, chiếm đảo, hạ cánh chiến đấu, phòng không và chống tên lửa. Ngày 14/5, Trung tâm Thông tin Phong trào Dân chủ và Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông đã đưa tin rằng cuộc tập trận quân sự này thực sự là cuộc tập trận phòng không lớn nhất trong lịch sử quân đội của TQ “chuẩn bị cho chiến tranh Đài Loan” và “bảo vệ Bắc Kinh”.

Ngoài Lữ đoàn phòng không 81 và 82, còn có Lữ đoàn Phòng không Lục quân 73 tại chiến khu Đông bộ Phúc Kiến cũng đã tham gia tập trận. Trong số đó, Lữ đoàn phòng không 81 chịu trách nhiệm phòng không Trung Nam Hải. Chỉ huy lữ đoàn này là ông Hoàng Hội Luân (Huang Huilun) đóng vai trò chủ chốt đảm bảo an toàn cho đại biểu lưỡng hội và Trung Nam Hải.

Ông Hoàng Hội Luân luôn được truyền thông quan sát, nhưng ngoại giới đã nhận thấy rằng tên của ông đã biến mất khỏi truyền thông trong gần một năm. Một số truyền thông của Hồng Kông trích dẫn tin tức rằng ông Hoàng, người nắm giữ vận mệnh của Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải, đã chết một cách bí ẩn từ ngày 22/7/2019 và được quân đội coi là vấn đề tuyệt mật.

Tờ Vision Times đã thu thập được một danh sách những quân nhân của TQ đã qua đời, trong đó có: “Hoàng Hội Luân (1973-2019), Tư lệnh Lữ đoàn Phòng không X thuộc Quân đoàn 81 của chiến khu lục quân Trung ương. Nam. Sinh ngày 21/2/1973, Đảng viên TQ, quân hàm Đại tá. Ngày 22/7/2019 không may hy sinh”. Nhưng không nêu rõ nguyên nhân tử vong.

Cho đến nay, chính quyền TQ không tiết lộ bất kỳ tin tức nào về cái chết của Hoàng Hội Luân, và trên các kênh truyền thông lớn của đảng cũng không thể tìm thấy thông tin về cái chết của ông. Tại sao người chịu trách nhiệm bảo vệ Trung Nam Hải lại “hy sinh”? Nó có liên quan đến một sự cố nghiêm trọng ở Trung Nam Hải không? Những câu hỏi này, ngoại giới hiện vẫn chưa rõ.

Đồng thời, chỉ huy quân đồn trú Bắc Kinh, cũng phụ trách an toàn của Trung Nam Hải, Vương Xuân Ninh (Wang Chunning) đã nhanh chóng bị miễn chức, gây ra nhiều đồn đoán.

Theo thông báo chính thức, Vương Xuân Ninh, vừa mới làm chỉ huy quân đồn trú Bắc Kinh, thành viên của Ban Thường vụ Ủy ban thành phố Bắc Kinh trong 4 tháng, đã bị bãi chức vào ngày 11/5 và được thay thế bởi Trương Phàm Địch (Zhang Fandi), ủy viên chính trị của Bắc Kinh.

Trong một chương trình truyền thông vào ngày 13/5, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, ông Trần Phá Không (Chen Pokong) cho biết rằng khu vực bảo vệ ở Bắc Kinh có vẻ như xảy ra chuyện lớn. Chỉ huy Vương Xuân Ninh bị cách chức gấp, điều này giống như cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), đều là điềm báo cho sự ‘ngã ngựa’.

Ông Trần đặt câu hỏi liệu Vương Xuân Ninh, với tư cách là chỉ huy đồn trú của Bắc Kinh đang nắm giữ quyền lực quân sự quan trọng, có tham gia vào cuộc đảo chính không? Có liên quan đến vụ án Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa không? Điều này đáng được chú ý.

Gần đây, tình hình chính trị ở Trung Nam Hải đã trở nên “kỳ quái” hơn. Ngoài những bất ổn do hệ thống chính trị và pháp luật gây ra, quân đội dường như cũng không ổn định.

Ngoài ra, vào thời điểm trước phiên họp Lưỡng hội, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương TQ đã ban hành một thông tư vào ngày 14/5. Theo đó, Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra lần thứ 5, trong đó sẽ kiểm tra ủy ban chính trị và pháp luật, Văn phòng Thông tin Chính trị, Nhân dân nhật báo… và 35 cơ quan trung ương quốc gia.

Học giả Trung Quốc Tiết Trì (Xue Chi) nói rằng những dấu hiệu này cho thấy đại dịch đã làm lung lay nghiêm trọng sự cai trị của TQ, áp lực cả bên trong lẫn bên ngoài, và các cuộc đấu đá nội bộ ngày một gia tăng.

Theo NTDTV