Mục đích chính của việc “mặc đồng phục” mới là để chia chác với nhau?

Nếu các vị cứ khăng khăng phải “mặc đồng phục” trụ sở cho bằng được, vậy xin hỏi thẳng: Mục đích chính của việc “mặc đồng phục” trụ sở công quyền là gì? Là vẽ ra những dự án để thông đồng chia chắc với nhau? Chứ đất nước thì nợ công ngày càng tăng lên, cả đứa trẻ mới sinh ra phải gánh trên vai 36 triệu tiền nợ công, thậm chí dân nhiều nơi còn đói, trường học, bệnh viện, cầu đường còn thiếu rất nhiều… Ấy vậy mà các ông ăn lương của dân chỉ biết vét ngân sách ra nước ngoài học tập xong về thì xây dựng ngay cái đề án xa xỉ như thế này? Nó có cần thiết trong bối cảnh này không? Câu hỏi này chắc chắn lương tâm các vị tự có câu trả lời! 

So với các địa phương trên cả nước, sự phát triển của Hà Nội tương đối ổn định, phát triển hơn nhiều tỉnh thành khác. Nhưng, đố ai, đố lãnh đạo nào của TP dám khẳng định Hà Nội đã là TP giàu, mọi người dân đều được “ăn sung mặc sướng”, từ đó dư dả ngân sách để đồng loạt xây trụ sở công quyền mới theo một chuẩn mực, khuôn mẫu.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến mới đây của TP Hà Nội, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các quận, huyện vào phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, gần 500 trụ sở xã, phường Hà Nội dự tính sẽ thống nhất hình ảnh nhận diện, thống nhất về tiêu chuẩn vật liệu hoàn thiện; Bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.

Ý tưởng “mặc đồng phục” cho gần 500 trụ sở xã, phường, thị trấn của Hà Nội bị các chuyên gia và dư luận phản đối gay gắt

Chỉ là một cuộc đua về chuyện “thay áo mới”?

Thời gian qua, tình trạng các địa phương đua nhau xây trụ sở to lớn nhưng sử dụng không hết công năng, gây lãng phí ngân sách. Và đâu chỉ các trung tâm hành chính, mà còn hàng loạt dự án quảng trường, tượng đài, nhà hát nghìn tỷ nữa. Nó bị chính các chuyên gia, nhà khoa học nhìn nhận như một phong trào, kiểu như “anh có thì tôi cũng phải có”, “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Cái cuộc đua này ở các địa phương đã được đề cập nhiều lần trên các diễn đàn về công tác thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí. Dư luận đã từng sốc trước thông tin hàng loạt địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Khánh Hòa… trình đề án xây trung tâm hành chính với số tiền mỗi dự án từ vài nghìn tỷ đồng trở lên. Khủng nhất là Hải Phòng, với 10.000 tỷ đồng..v..v.

Giữa lúc Quốc hội đang lo lắng về tình trạng nợ công sắp chạm trần, ngân sách quốc gia eo hẹp dần, công tác điều hành ngân sách như “đu trên dây”. Chính phủ không có tiền phải lỗi hẹn tăng lương cho cán bộ công chức, giáo viên, người về hưu…nhiều lần, thì quả thật, nghe những dự án nghìn tỷ “trăm hoa đua nở” nêu trên, ai cũng choáng váng!

Công bằng mà nói, hiện đại hóa công sở cần được xem như một tiền đề quan trọng để từng bước xây dựng một nền văn hóa hành chính theo hướng văn minh. Những trung tâm đô thị lớn, những địa phương có nguồn lực dồi dào, việc xây dựng Trung tâm hành chính tươm tất, tạo nên điểm nhấn kiến trúc thay cho những công trình tồi tàn cũng là việc nên làm. Bởi đó còn là niềm tự hào của địa phương. Nếu không mạnh dạn thì biết bao giờ chúng ta mới có những công trình đẹp, góp phần làm nên những đô thị văn minh, hiện đại.

Vấn đề ở chỗ, trong lúc đất nước khó khăn, thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nguồn lực để xây dựng đất nước, cải thiện điều kiện sống của người dân mới là tối thượng. Thì việc TP Hà Nội chủ trương xây mới gần 500 trụ sở xã, phường, thị trấn bị dư luận cho là lãng phí, phong trào… là điều đương nhiên.

Hà Nội chắc gì đã giàu!

Ở các nước phát triển, cũng có những quy định cụ thể về chuẩn mực các cơ quan hành chính, làm giống nhau kể cả khuôn chữ như chữ “Uỷ ban nhân dân” sẽ viết theo một khuôn chữ. Họ cũng sẽ có những quy định cụ thể để các khuôn đó là giống nhau, màu sơn là giống nhau, kiểu kiến trúc là giống nhau, để người dân dễ nhận ra. Và đó cũng là chuẩn mực hành chính cần thiết.

Nhưng, tất nhiên đó là chuyện ở những nước giàu, còn Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng nếu muốn hướng tới chuyện đó, chúng ta cần phải có những bước đi hợp lý và đặc biệt không gây lãng phí.

Ngân sách đang eo hẹp và cần chi hơn nữa cho đời sống dân sinh

Chuyện xây các trụ sở chính quyền ở xã, phường, thị trấn tương đối giống nhau thì tiết kiệm được tiền thiết kế. Song, phải làm rõ, trong bao nhiêu xã, phường, thị trấn đó thực trạng của nó hiện như thế nào? Cái nào còn dùng được, cái nào không? Cái nào xuống cấp thực sự không dùng được nữa thì mới xây lại còn cái nào còn sửa chữa được thì nên sửa chữa. Còn những cái dùng quá tốt thì cứ dùng bình thường.

Đó là chưa nói đến chuyện, mỗi xã, phường, thị trấn ở Hà Nội cũng có đặc thù khác nhau, nơi thì đồng bằng, nơi miền núi. Mỗi cái thiết kế đồng bộ nhà cao tầng, nhà thấp tầng ra sao cũng phải được tính toán. Nhà thấp tầng thì ở TP không được, cao tầng đưa về nông thôn chưa chắc đã thích hợp.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn: “Việc áp dụng chung một mô hình như thế có phù hợp với đặc điểm về địa lý của từng địa phương không khi Hà Nội, ngoài vùng đồng bằng còn có cả miền núi? Rồi việc xây dựng trụ sở như thế có đảm bảo yếu tố tiện lợi, khoa học không? Và tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề nữa là trong quá trình xây dựng và mua sắm, làm sao để chúng ta tránh được thất thoát và tham nhũng? Những câu hỏi đó buộc Hà Nội phải có những đề án cụ thể nếu muốn triển khai chủ trương này”.

Còn dưới góc nhìn của người dân, lâu nay tình trạng đập đi xây lại trụ sở các cơ quan xảy ra quá nhiều, nay lại thêm ý tưởng “đồng phục” trụ sở là không kinh tế, không thực tế. Đành rằng, “mặc đồng phục” cho trụ sở các phường, xã, thị trấn và tiến tới là cấp cao hơn. Nó đẹp đấy, hoành tráng đấy! Song, lấy kinh phí từ nguồn nào? Tiền thuế dân đóng để nuôi bộ máy “siêu khủng” đã mệt rồi, thưa các vị lãnh đạo đề xuất ý tưởng!

Mặt khác, ngân sách đang “mòn”, dân đang oằn mình đóng thuế. Nhà nước đang tinh giảm biên chế. Vậy “thay áo mới” để làm gì? Người viết rất đồng tình với quan điểm của ông Phạm Sỹ Liêm ( nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) rằng: “Hà Nội cũng như cả nước đang vào cuộc cắt giảm biên chế, sát nhập các ngành và vì thế biên chế công chức có chiều hướng giảm. Do đó, việc làm mới, xây dựng mới đồng phục có cần thiết không?”

Có thể, so với các địa phương trên cả nước, sự phát triển của Hà Nội tương đối ổn định, phát triển hơn nhiều tỉnh thành khác. Nhưng, đố ai, đố lãnh đạo nào của TP dám khẳng định Hà Nội đã là TP giàu, mọi người dân đều được “ăn sung mặc sướng”, từ đó dư dả ngân sách để đồng loạt xây trụ sở công quyền mới theo một chuẩn mực, khuôn mẫu.

Thực tế, TP còn nghèo lắm, nhiều công trình giao thông, trường, trạm cần đầu tư xây dựng. Nên cần cân nhắc kỹ trong việc xây dựng, cải tạo trụ sở cơ quan công quyền. Bởi lẽ đây không phải tiền của cá nhân mà là ngân sách nên tất cả sáng kiến như trên phải giải trình rõ ràng với xã hội về mặt lợi ích, văn hóa, kinh tế và mục đích.

Còn nếu các vị cứ khăng khăng phải “mặc đồng phục” trụ sở cho bằng được, vậy xin hỏi thẳng: Mục đích chính của việc “mặc đồng phục” trụ sở công quyền là gì? Nó tương tự như kiểu “cái áo đâu làm nên thầy tu”… Điều này cũng có nghĩa, mẫu trụ sở không quan trọng, mà quan trọng là cách tiếp dân, giải quyết công việc cho người dân sao cho nhanh chóng và thuận tiện.

Đó mới chính là điều người dân cần ở Chính quyền cơ sở – nơi truyền tải thông điệp chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ở mọi giai đoạn, thời kỳ phát triển.