Lạ lùng thay: sai quy định nhưng lại đúng quy trình

Thời gian qua, hàng loạt vụ bổ nhiệm cán bộ sai bị phanh phui. Có vụ bổ nhiệm sai nhưng được bọc bởi cái vỏ đúng quy trình; có những vụ “ăn vụng không biết chùi mép”, quy trình cũng bị bỏ ngơ. Và hiển nhiên, cuối cùng thì lỗi chẳng thuộc về ai. Thôi thì thân ai người ấy giữ, ghế ai người ấy ngồi.

hình ảnh Sở giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang

“Chánh thanh tra được bổ nhiệm khi chưa có bằng đại học…không có lỗi” là bài báo đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng. Khi bài báo này được đưa ra, không ít người đã phải thốt lên: Lạ lùng nhỉ, hài hước nhỉ! Suy cho cùng, cái sai thì chềnh ềnh nằm đó nhưng khi đi tìm nguồn gốc của sự việc lại chẳng có ai làm sai, chẳng có ai mắc lỗi. Thế hóa ra, tất cả lỗi đều tại… ông trời à?

Chán lắm rồi những chuyện “huề cả làng”!…

Câu chuyện Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang, ông Trương Ngọc Phước, được bổ nhiệm khi chưa có bằng đại học khiến dư luận râm ran đã lâu. Sau bao ngày chờ đợi kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Kiên Giang đã đưa ra kết luận của mình. Vậy nhưng không như mọi người dự đoán, Ủy ban kiểm tra tỉnh Kiên Giang đưa ra một kết luận khá khó chấp nhận, và cũng rất hời hợt… ông Trương Ngọc Phước không có lỗi.

Ừ thì cứ cho là ông Phước không có lỗi trong việc mình được bổ nhiệm vị trí cao. Vậy nhưng cuối cùng lỗi thuộc về ai? Điều này trong bản kết luận của Ủy ban kiểm tra tỉnh không chỉ rõ. Như vậy chẳng lẽ là “huề cả làng”?

Mà cũng phải thôi. Nói thẳng ra thì đâu phải chỉ Kiên Giang là việc theo kiểu nửa vời như vậy. Rất nhiều địa phương khác trên cả nước cũng giải quyết tiêu cực, sai phạm theo kiểu có đầu nhưng chẳng có đuôi như vậy.

Theo một mô tip chung, một “quy trình” chung, khi vụ việc mới được phanh phui, khi dư luận còn đang “nóng hừng hực”, sẽ có người nhanh chóng đứng lên đại diện cơ quan chức hứa này hứa kia với dư luận. Thế rồi họ cũng “vào cuộc một cách mạnh mẽ” bằng cách thành lập đoàn kiểm tra để xác minh sai phạm. Tiếp đến, như một truyền thống, họ lại “đúng quy trình” để kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Chờ đến khi mọi người bị quên lãng vụ việc hoặc vụ việc tạm lắng xuống, họ “nhẹ nhàng” tung ra những bản kết luận xác minh vụ việc với nội dung không đầu không cuối, kết luận nửa vời.

Trong khi cấp trung ương đang từng ngày, từng giờ nỗ lực lấy lại niềm tin của nhân dân thì không ít lãnh đạo địa phương lại coi trời bằng vung, làm cho người dân cảm thầy bất mãn. Đặc biệt, với kiểu kết luận sai phạm chung chung, nửa vời (mà vụ việc của ông Trương Ngọc Phước là một ví dụ điển hình), dân không khỏi bực mình. Thà rằng không kết luận, không kiểm tra thì thôi, đỡ tốn kém tiền của, công sức!…

Không đúng quy định nhưng lại… đúng quy trình?!

Quay lại với vụ của ông Phước, dù rằng không biết ông Phước và người tố cáo ông Phước có sai phạm gì hay không. Vậy nhưng rõ ràng, việc bổ nhiệm ông Phước là không đúng quy định được đưa ra. Như đã nói ở trên, có thể ông Phước không phải là người có lỗi trong việc mình được bổ nhiệm (vì theo kết luận được đưa ra, ông Phước trước đó đã báo cáo đầy đủ bằng cấp của mình). Tuy nhiên, câu chuyện không thể dừng lại ở đây. Theo báo chí đưa tin, trong thông báo 279, về việc trả lời đơn tố cáo của ông Nguyễn Hoàng Vũ về vụ việc bổ nhiệm ông Trương Ngọc Phước, Ủy ban kiểm tra tỉnh Kiên Giang đã nêu rõ: “Việc bổ nhiệm ông Phước là không đúng với quy định tại khoản 1, điều 7, quyết định 343/1997/PC-VT, và điểm b, khoản 2, phần II thông tư 02/2008/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Vậy nhưng sau đó, chính trong bản lại “lý luận hùng hồn” rằng: quy trình bổ nhiệm này đã được thực hiện công khai, được các cơ quan chức năng thẩm định, cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.” Và cuối cùng, người ta kết luận, một cách lửng lơ rằng ông Phước không sai.

Ấy hóa ra chẳng phải họ khẳng định vụ việc trên dù sai quy định nhưng vẫn… đúng quy trình? Chẳng phải họ đang chối bỏ văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, chối bỏ hiệu lực của các quy định được cơ quan có thẩm quyền đưa ra à?

Cũng từ đây, chúng ta càng thấy rõ hơn kiểu “ông nói một đằng, bà làm một nẻo” trong các cơ quan nhà nước. Quy định thì có, hướng dẫn cũng có. Vậy nhưng thay vì chấp hành đúng quy định, người ta lại cứ muốn làm theo ý của mình, cứ muốn “trứng không hơn vịt”. Để rồi sau đó, họ sẵn sàng xé rào, phá rào, đạp rào để làm những gì mình thích.

Tôi cũng phải hỏi thêm, không biết cơ quan có nào lại có cái quyền tự ý phá luật được cơ quan cấp trên đưa ra? Nếu ở đâu cũng làm việc theo không tôn trọng quy định thì nhà nước này sẽ biến thành cái gì? Mặt khác, nếu cứ “ưu tiên” phá luật như vậy với một số người thì liệu công bằng ở đâu?

Một vụ việc sai phạm chắc chắn sẽ có những người gây ra sai phạm. Chúng ta không thể “huề cả làng”, không thể để kiểu sai quy định nhưng… đúng quy trình diễn ra.

(Theo but Danh)