Khi quan chức kiêm thêm nghề “ký giả”
Ngày xưa, khi nhắc đến cụm từ “ký giả”, người ta thường nghĩ ngay đến giới báo chí. Vậy nhưng ngày nay, khi nói đến “ký giả”, không ít người liên tưởng ngay đến những ông quan trong cơ quan nhà nước. Vì sao ư? Đơn giản vì họ “ký giả” quá giỏi, quá tốt, quá xuất sắc, ngay cả người chết cũng được họ lôi dậy để ký thì không nổi tiếng mới lạ.
Vừa qua, câu chuyện một loạt cán bộ ở Quảng Ngãi bị phát hiện có hành vi làm giả giấy tờ, ký mạo danh người khác để lấy tiền ngân sách đã bị phanh phui. Đáng buồn thay, vụ việc trên không chỉ diễn ra ở một địa phương mà nó tồn tại ở rất nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh. Không biết là trùng hợp hay “cùng chung một lò” đào tạo ra mà phương thức, thủ đoạn rút tiền của cán bộ tại các xã trên lại giống nhau như đúc. Nhiều khi, tôi cũng băn khoăn tự hỏi: phải chăng chúng ta đã phổ cập lớp học “ký giả”, phổ cập bài học rút tiền ngân sách cho cán bộ? Trong những vụ việc làm giả chữ ký để nhận tiền hỗ trợ, có những người chiếm đoạt được cả trăm triệu đồng nhưng cũng có nhiều người chỉ nhận được đôi ba triệu đồng – một con số không phải là lớn. Chẳng lẽ, lương tâm con người, giá trị của một ông cán bộ lại chỉ rẻ rúng, hèn mọn như vậy thôi ư?
Chuyện cán bộ nhà nước ký giả nhằm làm khống hồ sơ để trục lợi không phải là điều mới. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, hành động ký giả vẫn được tiếp diễn. Để rồi sau đó, vô số thiệt hại, vô số bức xúc trong xã hội nảy sinh. Nếu một hệ thống chính quyền mà cứ tồn tại những “ký giả” nhiều như hiện nay thì chẳng mấy chốc sự giả dối sẽ trở thành “đặc sản” của nhiều địa phương.
Đặc sản “ký giả” lên ngôi
Không khó để nhận thấy nhiều sự giả dối đang tồn tại trong hệ thống chính quyền của chúng ta hiện nay. Từ làm giả hồ sơ cán bộ, khai man quá trình học tập, sử dụng bằng cấp giả cho đến việc ký giả chữ ký của người khác, muôn hình vạn trạng của sự giả dối được biểu hiện.
Phân tích một số vấn đề trong vụ việc giả chữ ký của người đã chết để ăn chặn tiền chính sách tại Quảng Ngãi kể trên, tôi phải nhấn mạnh rằng không chỉ những người đang bị chỉ mặt điểm tên mà rất nhiều người khác cũng không tránh khỏi liên quan. Vì sao ư? Chúng ta phải thấy rằng ở đây, cán bộ giả mạo chữ ký của người đã chết để nhận tiền. Và hiển nhiên, chuyện một người sống hay chết đâu thể che giấu. Khi một người chết thì người dân địa phương, cán bộ lãnh đạo phường xã chắc chắn sẽ biết (nếu cán bộ lãnh đạo không biết việc đối tượng chính sách đã mất thì đó là một sự vô tâm, thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong công việc). Trong khi đó, nếu chỉ một mình cán bộ phụ trách công tác chi trả tiền chính sách làm giả hồ sơ, chữ ký của người đã chết thì không thể nào qua mắt được lãnh đạo địa phương, qua mắt được đội ngũ bí thư, chủ tịch ở đó.
Vậy điều gì đã khiến cho chuyện “vải thưa che mắt thánh” được diễn ra trên thực tế? Nếu suy luận theo hướng trên thì chắc chắn đó là sự “bật đèn xanh” của đội ngũ lãnh đạo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cán bộ lãnh đạo ở đây cũng có sai phạm, tiếp tay cho cán bộ dưới quyền của mình làm sai. Thậm chí, có không ít trường hợp, chính cán bộ lãnh đạo đã tác động cán bộ dưới quyền làm giả chữ ký để cùng nhau hưởng lợi. Như vậy, khi mà một cơ quan “dột từ nóc dột xuống” thì làm sao có thể phát triển, làm sao có thể trong sạch.
Thực sự tôi không khỏi “xót thương” cho một số ông cán bộ bị phanh phui. Bởi vì sao? Để vụ việc trót lọt, rất hiếm khi chỉ riêng ông cán bộ trực tiếp chịu trách nhiệm về công việc đó quyết định được tất cả. Rất có thể, đằng sau học là những bàn tay khác đang thao túng và cùng hưởng lợi từ việc làm giả hồ sơ. Ấy vậy nhưng khi vụ việc bị phanh phui thì sao, ai là người bị “trảm”? Đương nhiên, đó là bản thân của những ông cán bộ thuộc dạng “tép riu” chứ đâu phải những kẻ “tai to mặt lớn phía sau”. Đúng là không cái dại nào như cái dại nào, tự dưng hi sinh bản thân cho những người khác hưởng lợi. Thôi thì… ngu thì chết chứ bệnh tật gì!
Những sai phạm liên quan đến giả mạo giấy tờ, giả mạo hồ sơ người đã chết để ăn chặn tiền chính sách diễn ra không chỉ một, hai lần cho thấy đằng sau đó không đơn giản một chút nào. Chắc chắn, nó là sản phẩm của rất nhiều người chứ không chỉ của riêng lẻ một cá nhân. Chính bởi vậy, khi giải quyết vụ việc, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, đánh giá một cách toàn diện, tránh để những kẻ phạm tội chui lọt lưới pháp luật.
Đất nước tôi, khi mà những ông quan kiêm luôn nghề “ký giả”, khi mà những sự tham lam vẫn xâm chiếm bộ máy chính quyền thì không biết tương lai sẽ đi về đâu?
(Theo Bút Danh)