Khi Đảng không “sạch”: đất nước sẽ đi về đâu?
Hiệu trưởng có sai phạm nghiêm trọng, tập thể bỏ phiếu với 58% đồng ý khai trừ khỏi đảng. Vậy nhưng lạ thay, mặc kệ ý kiến của tập thể, lãnh đạo cấp trên vẫn ngang nhiên cho vị hiệu trưởng “quyền lực” này vẫn chễm chệ giữ chân trong Đảng, chỉ bị kỷ luật khiển trách.
Như vậy thử hỏi nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số trong sinh hoạt Đảng có được thực hiện nghiêm túc hay không? Liệu tổ chức Đảng ở đơn vị có thể trong sạch, vững mạnh và đoàn kết hay không?
Câu chuyện về nữ hiệu trưởng Lê Thị Thu Hiền ở Thanh Hóa đang thu hút được không ít sự quan tâm của dư luận. Trong khi bà Hiền mắc hàng loạt sai phạm, trong khi 58% đảng viên nơi bà Hiền sinh hoạt đồng ý khai trừ bà Hiền ra khỏi Đảng thì bà Hiền vẫn chẳng hề hấn gì. Thậm chí, dù đang trong thời gian bị kỉ luật Đảng, bà Hiền vẫn được lãnh đạo ký quyết định chuẩn y chức danh bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020. Phải chăng, địa phương quá hiếm đảng viên nên phải níu kéo một người sai phạm ở lại tổ chức Đảng? Phải chăng ở đây không ai có thể đảm đương chức danh Bí thư nên đành “méo mó có hơn không” chuẩn ý một người chẳng có uy tín, sai phạm chồng chất ngồi vào vị trí “chèo lái” tổ chức Đảng cơ sở? Hay chăng, vì một vài bàn tay “ma quỷ” nào đó ở phía sao thao túng dẫn đến sai phạm bị phớt lờ?
Sai từ trên mà xuống
Là một đảng viên, là một hiệu trưởng nhưng bà Lê Thị Thu Hiền lại chẳng hề có đạo đức của một đảng viên, đạo đức của một nhà giáo. Trong công tác quản lý chuyên môn, bà này đã lạm thu không ít tiền của phụ huynh học sinh. Nói thẳng, chẳng phải tự nhiên mà một vị hiệu trưởng lại đặt ra muôn vàn khoản thu vô lý để buộc phụ huynh phải nộp. Hành động này chắc chắn có những mờ ám phía sau. Có lẽ, một phần không nhỏ số tiền thu được đã chảy về chiếc “túi ba gang” của vị nữ hiệu trưởng này. Về mặt đảng, với tư cách là người đứng đầu tổ chức đảng, trong suốt 5 tháng liên tục bà Hiền không tổ chức sinh hoạt chi bộ. Như vậy thử hỏi chi bộ này có cần tồn tại nữa hay không? Khi mà một chi bộ chỉ có cái vỏ mà lõi bên trong đã rỗng tuếch thì sự suy yếu là điều hiển nhiên. Cùng với đó, việc nó tồn tại cũng là một điều hết sức thừa thãi. Ngoài ra, bà này còn bị doanh nghiệp tố cáo có hành vi tham ô tài sản khi ký hợp đồng với công ty này sửa chữa 12 phòng học của nhà trường với giá trị hợp đồng hơn 94 triệu đồng nhưng sau đó không thực hiện. Đó là những sai phạm mà ta có thể của bà Hiền. Nếu cơ quan điều tra vào cuộc, có lẽ không ít sai phạm khác cũng bị phát hiện và đưa ra ánh sáng.
Vậy nhưng bất chấp hàng loạt sai phạm trên, bà Hiền vẫn yên vị, chẳng hề hấn gì. Nếu nói không có bất kì “góc khuất” nào phía sau chuyện này thì đúng là chẳng ai có thể tin được. Điều này ta có thể thấy rõ qua việc quyết định hình thức xử lý cũng như các quyết định khác về mặt đảng đối với bà Hiền. Nói về việc 58% đảng viên nơi bà Hiền sinh hoạt đề nghi khai trừ bà Hiền ra khỏi đảng nhưng sau đó cấp trên chỉ quyết định lỷ luật khiển trách, ông Doãn Văn Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Thanh Hóa, cho biết: “Khi nhận được báo cáo của xã, Thành ủy đã xem xét, căn cứ vào mức độ sai phạm, ưu điểm, danh hiệu tiên tiến của nhà trường, nên chúng tôi bỏ phiếu 100% đề nghị mức kỷ luật khiển trách“. Chuyện này coi như cho qua vì theo quy định, cần có 2/3 số đảng viên nơi người vi phạm đồng ý thì mới có thể khai trừ (nếu không cần cấp trên quyết định). Vậy nhưng đến chuyện đang trong thời gian kỷ luật, bà Hiền vẫn được ký quyết định chuẩn y chức danh bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020 thì sao? Đến đây thì có lẽ chẳng có ông cán bộ cấp trên nào có thể lấp liếm bao che những khuất tất phía sau. Đúng là sai từ trên mà xuống. Nếu tất cả được phanh phui, chắc chắn không ít kẻ sẽ bị rơi rụng.
Đừng hỏi vì sao tổ chức đảng không thể phát triển
Việc một người mắc hàng loạt sai phạm nhưng vẫn yên vị trong tổ chức Đảng đã khiến không ít người bức xúc. Đã vậy, kẻ sai còn được ngồi lên vị tri có thể “đè đầu cưỡi cổ” người khác thì liệu ai có thể phục? Trường hợp một đảng viên sai phạm, bị đồng chí, đồng nghiệp tố cáo, thậm chí là bỏ phiếu khai trừ ra khỏi đảng nhưng sau đó “lật ngược tình thế”, biến mình từ sai phạm to biến thành nhỏ, chễm chệ ngồi lại vào chiếc ghế lãnh đạo của đơn vị tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Có lẽ, những người “trót dại” nói ra sự thật tố cáo bà này cần phải cẩn thận nếu không sẽ bị “xử” lúc nào chẳng hay.
Qua vụ việc trên, chắc chắn sẽ có rất nhiều người mất niềm tin vào tổ chức đảng, mất niềm tin vào lãnh đạo cấp trên. Và hiển nhiên, khi họ biết lãnh đạo cấp trên bao che cho sai phạm thì chẳng ai có thể tôn trọng lãnh đạo. Đây là nguyên nhân dẫn đến nội bộ tổ chức đảng bị lục đục, sự đoàn kết bị rạn nứt.
Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vậy nhưng ngay chính nội bộ đảng còn chưa yên ổn, ngay chính tổ chức đảng còn bị kẻ sai phạm lãnh đạo thì liệu con đường mà Nhà nước, xã hội được đảng chỉ dẫn sẽ đi về đâu?
Theo Bút Danh