Căn bệnh trầm kha của nền công vụ bao giờ có hồi kết?

Sáng ngày 29/6, Ban Bí thư TƯ Đảng tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 7 khóa 12 của Đảng theo hình thức trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, TP cả nước. Một lần nữa, nạn ô dù, bao che diễn ra ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Thi tuyển cũng không bằng “ô, dù”

Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước cho tiến hành thi tuyển công chức, viên chức đủ các chức danh như cán bộ, chuyên viên, lãnh đạo, quản lý thuộc cơ quan hành chính. Việc này được đánh giá là một bước đột phá trong việc cải tổ cơ chế hành chính ở Việt Nam. Bởi đây không chỉ là chuyện nâng cao chất lượng “đầu vào”, mà mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Tuy nhiên, dư luận xã hội cũng như khá nhiều người trong cuộc khi tham dự kỳ thi vẫn thiếu niềm tin vào các kỳ thi tuyển công chức. Vô hình trung nó đã trở thành tâm lý phổ biến trong xã hội, mặc dù các kỳ thi vẫn diễn ra công khai, theo đúng quy trình. Công khai nhưng chưa chắc đã minh bạch. Và những sinh viên giỏi sau khi ra trường vẫn rất ít hy vọng nếu họ không có quan hệ quen biết hay “con ông cháu cha”.

Thực tế vẫn chứng minh, việc thi tuyển công chức vẫn không bằng người có “ô dù”

Điều này cũng có nghĩa, điều mà người dân trông đợi không phải là những cuộc thi tuyển sẽ được rầm rộ tổ chức khắp mọi nơi, ở mọi cơ quan ban ngành. Mà thông qua việc thi tuyển cần minh bạch để làm sao chọn lựa đúng người đúng việc, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.

Ngay chính Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng đã nhìn thẳng vào thực tế khi nói trước 63 điểm cầu, rằng: “Nạn ô dù, bao che, sự phân hóa giàu – nghèo diễn ra ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở không ít nơi, lợi ích cá nhân lấn át lợi ích tập thể, lợi ích cục bộ lấn át lợi ích toàn cục; tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu vén cá nhân, trục lợi”.

Chính tình trạng trên sẽ khiến cho bộ máy không trong sạch, giảm đi tính hiệu quả và những người đã “chạy” khi vào bộ máy rồi rất dễ tạo nhũng nhiễu, tiêu cực, tiếp tục chạy chức, chạy quyền. Hơn thế, hiện tượng “con cháu”, hiện tượng “chạy việc”… có thể gây ra tình trạng bất bình đẳng, gây âu lo, thiệt thòi cho con em nhiều gia đình không có mối quan hệ hay dư dả tiền bạc.

Nên, có một câu hỏi luôn được đặt ra là: Hệ thống đề bạt, bổ nhiệm của chúng ta theo một quy trình khá phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc nhưng tại sao để “con voi chui qua lỗ kim”?

Thật ra, quy trình suy cho cùng cũng do con người đặt ra, thì cũng chính con người nếu muốn cũng có thể lách được. Vả lại, nếu nói về quy trình thì chẳng mấy khi sai cả, nhưng cái chính là những người thực hiện quy trình ấy có làm đúng không hay là trí trá.

Liên quan đến việc này, người viết chợt nhớ tới “lời đề nghị” của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa trong buổi tiếp xúc cử tri gần đây thế này: “Tham nhũng chỉ xảy ra ở những người có chức, có quyền. Ở Đà Nẵng, tôi đề nghị cử tri giám sát Thường trực Thành ủy, đứng đầu là Bí thư, rồi các cán bộ trong Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ, Thường trực UBND Thành phố, Giám đốc sở. Vì đó là những cơ quan dễ bị tham nhũng nhất”.

Thế nhưng, cử tri, nhân dân giám sát cán bộ bằng cách nào? Ra làm sao? Đây là một vấn đề khó, không phải một sớm một chiều giải quyết được. Cũng như việc các vị có trách nhiệm không thể nói theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” cho qua chuyện trước những bức xúc, băn khoăn của dư luận, cử tri.

“Quân đông nhưng không tinh”?

Về chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, khá nhiều chuyên gia đưa ra nhận định: Hiện có khoảng 45% cán bộ công chức ở các bộ, ngành làm việc có hiệu quả cao, khoảng 30% kết quả có mức độ, còn lại là không có sản phẩm gì. Còn ở cấp xã có gần 40% cán bộ công chức chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của công việc.

Trong buổi trực tuyến, ông Phạm Minh Chính đã so sánh: Năm 1997 cả nước có hơn 1,3 triệu cán bộ, công chức, viên chức trong khi dân số khoảng 77 triệu người. Năm 2017, có trên 2,7 triệu cán bộ, công chức, viên chức (tăng 100%) trong khi dân số khoảng 92 triệu người (chỉ tăng 20%). Theo ông, tỷ lệ công chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước trên 1.000 dân (kể cả lực lượng vũ trang, quân đội và công an) là 43, cao hơn nhiều nước.

Lượng cán bộ công chức “đông nhưng không tinh” đang được ví như cảnh sinh viên có trình độ, năng lực thất nghiệp

Nghịch lý ở chỗ, đội ngũ cán bộ công – viên chức đông như thế nhưng lại thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực, tỉ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học trên tổng dân số còn thấp.

Đã vậy, lại không được phân công trách nhiệm rõ ràng, vẫn còn những cán bộ, công chức, nhất các xã phường chưa thành thạo kỹ năng làm việc, thiếu tận tụy, khách quan trong giải quyết công việc. Đó là chưa nói đến thái độ, tinh thần phục vụ của không ít cán bộ công chức thường gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp..v..v.

Đáng buồn thêm ở chỗ, lượng “quân đông nhưng không tinh” ấy không chỉ ở các cấp địa phương như phường/xã, quận/huyện, mà còn ở cấp tỉnh/bộ. Nói vậy chẳng ngoa chút nào khi nhiều năm chỉ đạo và theo dõi công tác tổ chức bộ máy, ông Nguyễn Văn Thất – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) cho rằng: “Một chuyên viên chính thì ít nhất cũng soạn thảo được các văn bản như Thông tư, Chỉ thị, Nghị định, Nghị quyết, nhưng thực tế nhiều chuyên viên chính của ta không làm được việc này”.

Thế nên, khi nhìn và đọc lên những con số thống kê trên, một lần nữa lại cho thấy sự mù mờ trong công tác cán bộ, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ. “Các ông cứ rung đùi vào được quy hoạch cán bộ rồi thì yên tâm. Giữa nhiệm kỳ có người ra, người vào thì phải coi đó là bình thường. Đây là bệnh trầm kha của Đảng và Nhà nước mình. Vào thì không ra, lên thì không xuống. Chúng ta phải lựa chọn nhân sự, chống tham nhũng từ những người đứng đầu” – Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nói.

Đó là tình trạng “gởi gắm” giữa các quan chức với nhau. Ông (A) nhận vào cơ quan mình con cháu ông (B) thì ông (B) cũng nhận lại con cháu ông (A). Hoặc là cùng nhau “gởi” xoay vòng, quanh đi quẩn lại, cơ quan nào cũng có công chức học hành lôm côm, làm việc không có chất lượng, yếu kém năng lực nhưng lại là diện 5C (con cháu các cụ cả) nên không không thể bỏ đi đâu được cả. Trong khi, có nhiều người có năng lực, trình độ thật sự lại không hoặc khó được tuyển dụng, bổ nhiệm.

Từ những thực trạng trên, rõ ràng cho chúng ta thấy, một xã hội tiến bộ là một xã hội pháp trị chứ không phải nhân trị. Tức là, việc quản lý, quy hoạch cán bộ nói riêng và quản lý con người nói chung phải dựa trên nền tảng luật và thể chế. Nếu không nghiêm túc chấn chỉnh thì những căn bệnh trầm kha của nền công vụ nước nhà (chạy chọt, ô dù, không tinh, không giỏi…) sẽ không bao giờ có hồi kết.

(Theo Bút Danh)