Hãy dạy trẻ kỹ năng sống, đừng lo dạy trẻ “công nghệ giáo dục”

Sáng nay, đạp xe đi uống cà phê, đến Cây xăng Tân Thuận (Q.7) thấy một bà mẹ trạc 30 tuổi, ngồi xe wave, chở bé gái chừng 3 tuổi, bánh xe trước từ trên vỉa hè vừa xuống lòng đường, thì xe lật ngã ra đường.

Bà mẹ bò dậy đỡ bé gái đứng lên, không dẫn cháu vào lề, mà lo đỡ xe máy, trong lúc bánh xe sau đang quay.
Tôi hét to: “tắt máy!”, xô xe đạp vào lề để chạy tới hất chị ra, giành tắt máy. Tôi dựng xe lên, 2 bánh nằm trên vỉa hè, đá chống nghiêng, rồi lùi về lấy xe đạp.

Chị không dẫn xe xuống lòng đường, mà đỡ con lên, và chạy xe từ vỉa hè xuống đường lần hai, báo hại tôi phải níu đuôi xe để giữ thăng bằng cho chị.

Chị vọt đi một phát như chữa thẹn, không thèm cám ơn, nhưng tôi chỉ buồn vì chị ta không học được gì từ cú ngã xuống đường do chống chân hụt!

Có nhiều bà mẹ hồn nhiên dắt con nhỏ đi trên lòng đường mà lại để con đi phía ngoài!

Dịp gần Tết năm 2005, cũng đi uống cà phê ở thị trấn Nhà Bè, một bà mẹ từ Cần Giờ đến, mua quần jean cho con trai chừng 5 tuổi.

Bà cởi quần đang mặc ra để thử quần mới, nhưng cháu không mặc quần lót, nên khi mẹ kéo zipper lên thì nó dính vào da quy đầu.

Cháu khóc thét khi bà mẹ cố kéo khóa xuống, tôi xô bà mẹ ra, ẵm cháu chạy qua bên kia đường là Trạm Y tế Thị trấn Nhà Bè.

Loài vật biết dạy kỹ năng sống rất cao!

Trâu không sợ nước nhưng bò sợ, trước khi đi qua tấm ván bắc qua mương, bò lấy chân trước dậm vài cái để xem “sức bền” và “tính ổn định” của tấm ván.

Nhiều phụ nữ đi xe tay ga, vespa có thói quen thòng hai chân xuống đường, mà không sợ nếu ngã, bửng để chân sẽ nghiền gãy cổ chân. Trong khi, nếu để hai chân lên bửng, khi ngã chỉ bị trầy mông, hông, vai, cùi chỏ.

Xem kênh Animal Planet, bạn sẽ thấy đại bàng không mớm mồi cho con tận miệng, mà để trên cao để con phải nhón lên lấy mồi và phải dang hai cánh để giữ thăng bằng.

Khi con đủ lông cánh, đại bàng mẹ dẫn ra bờ vực cạn để con tập bay, nếu có rớt sẽ không bị chấn thương, đại bàng mẹ gắp cổ con bay lên bờ vực, tập cho tới khi bay được.

Trong khi chương trình giáo khoa phổ thông dạy kỹ năng sống ít, dạy lý thuyết nhiều, thì người ta đang mất công chỉ đạo Bộ GD& ĐT phải rà soát sách “công nghệ giáo dục” tiếng Việt và toán lớp một của GS Hồ Ngọc Đại có đạt tiêu chuẩn dạy không?

Lớp một cần gì phải dạy “công nghệ” cao xa? Sách lớp một cần gì phải cỡ GS TS soạn?

GSTS hãy lo nghiên cứu và đăng các “case study” trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới.

Sách lớp một hãy để các giáo viên tiểu học già dặn kinh nghiệm viết, rồi GSTS thẩm định.

Sách giáo khoa tiểu học toàn do các “Think Tank” “viết tranh ăn” với giáo viên tiểu học.

Trong khi nghề chính của “Think Tank” vạch ra các chính sách, chính lược giáo dục cho các bậc học.

“Think Tank” đâu phải “suy nghĩ về xe tăng” đâu!

Fb Ba Kiem Mai