“Hàng hiếm” của chính quyền

Vừa qua, Thành phố Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư. Theo tính toán, nếu đề xuất này được thông qua, mỗi năm chính quyền sẽ thu về khoảng 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, một điều khiến người dân không khỏi lo lắng là nếu đề xuất này được thông qua, liệu bí mật cá nhân của họ có được đảm bảo hay không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 4 Luật Căn cước công dân). Cụ thể, dữ liệu về dân cư bao gồm các thông tin như họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quê quán; tình trạng hôn nhân; dân tộc; tôn giáo; nơi ở; thông tin liên quan đến cha, mẹ, vợ, chồng, v.v.. Như vậy, nếu có lấy được cơ sở dữ liệu dân cư đồng nghĩa với việc nắm bắt được toàn bộ đặc điểm nhân thân của một người.

Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy hiện nay, không chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý dân cư mà rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cả công lập lẫn tư nhân đều đang tiến hành thu thập thông tin cá nhân của dân cư, người tiêu dùng. Tuy nhiên, so với cơ quan quản lý dân cư thì những thông tin mà các chủ thể khác thu thập được ít hơn và thiếu toàn diện hơn rất nhiều. Chính vì vậy, khi chính quyền Hà Nội đề xuất “chia sẻ thông tin dữ liệu dân cư” (thực chất chẳng khác gì mang thông tin của người dân ra bán), không ít người đã tỏ ra bức xúc vì thông tin cá nhân của mình bị biến thành một mặt hàng.

‘Chia sẻ thông tin’?

Rõ ràng, người dân hiện nay đang bị các cơ quan quản lý “làm tình làm tội”. Như vừa qua, để “chiều lòng” các bác quản lý, những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động đã bắt người sử dụng phải đi đăng ký thông tin cá nhân (dù trước đó, nhiều người cũng đã phải cung cấp các thông tin tương tự). Thế rồi hễ làm gì, đi đâu, đến cơ quan nào, người ta cũng đòi người dân phải cung cấp thông tin cá nhân. Điều này cho thấy việc khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đã có còn quá nhiều hạn chế, bất cập, khiến cho người dân gặp không ít rắc rối không cần thiết. Chính vì vậy, việc các cơ quan trong bộ máy nhà nước cùng nhau chia sẻ dữ liệu về dân cư sẽ giúp cho người dân thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh ở đây là cùng nhau chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu chứ không phải mang ra bán và phạm vi chia sẻ cũng chỉ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, với mục đích phục vụ hoạt động quản lý dân cư, điều hành xã hội.

Từ đây nhìn về đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư để “thu giá” của Hà Nội, bản thân tôi cảm thấy không khỏi bức xúc. Bức xúc trước hết bởi chính quyền (từ hồi BOT dậy sóng đến giờ) cứ thích “chơi chữ” với người dân. Bán dữ liệu thì cứ nói thẳng là bán dữ liệu, làm gì phải “vòng vo tam quốc” khiến mọi thứ trở nên rắc rối. Nói thẳng, “thu giá”, “thu phí”… hay gì đi chăng nữa thì chung quy lại cũng chỉ là việc mua bán bình thường, “tiền trao cháo múc” . Bức xúc thứ hai là bởi chính quyền vội vàng đề xuất lên Chính phủ nhưng lại chẳng hề tham khảo ý kiến người dân. Chúng ta phải thấy rằng, cái người ta mang ra chia sẻ để “thu giá” là thông tin của người dân. Hay nói cách khác, nhân dân chính là chủ nhân của “mặt hàng” được mang ra trao đổi. Ở đây, chính quyền chẳng qua chỉ là một người trung gian quản lý “mặt hàng” đó. Vậy nhưng chủ dân của “mặt hàng” còn chẳng được biết hàng của mình bị bán ra sao, sử dụng như thế nào thì liệu có bình thường hay không?

Đối với một số người, những thông tin cá nhân bị công khai cũng chẳng sao nhưng cũng có không ít người, khi thông tin cá nhân bị lộ ra sẽ kéo theo nhiều điều phiền phức. Chính vì vậy, việc “chia sẻ thông tin cá nhân” để “thu giá” chắc chắn sẽ gặp phải không ít sự phản đối của người dân.

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cả công lập lẫn tư nhân đều ra sức thu thập thông tin cá nhân của mọi người. Và cũng không phải ngẫu nhiên người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng để “mua” lại dữ liệu về dân cư. Những thông tin này không chỉ được sử dụng để phục vụ cho việc kinh doanh thông thường mà nhiều khi nó lại được sử dụng vào việc thực hiện các hoạt động phạm pháp. Do đó, việc “bán” dữ liệu của người dân cần phải hết sức cẩn trọng. Tiền quan trọng nhưng lòng dân còn quan trọng hơn rất nhiều, đừng vì những mối lợi nhỏ mà để lại những bức xúc to trong lòng xã hội.

Thông tin cá nhân được người dân cung cấp cho cơ quan nhà nước là để phục vụ hoạt động quản lý, điều hành xã hội. Vì vậy, trước khi nghĩ đến làm giàu, thu lợi, các cơ quan quản lý hãy làm tốt nhiệm vụ của mình. Cuối cùng, tôi xin dẫn lại quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Căn cước công dân hiện hành: “Công dân có quyền sau đây: Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định”.

(Theo Bút Danh)