Gian lận chấm thi chấn động cả nước: Cảm ơn Hà Giang!
Báo điện tử VTC News giới thiệu bài viết của thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An thể hiện quan điểm sau vụ việc gian lận điểm thi chấn động ở Hà Giang.
Hai tuần nay, giới truyền thông, báo chí và mạng xã hội đã quá “nóng” vì Hà Giang. Địa phương này đã là một mảnh đất quá “màu mỡ” mà người ta khai thác, mổ xẻ, cày sâu bừa kỹ để “canh tác”, để trút mọi cảm xúc và sự phẫn nộ…
Tôi thì cho rằng, bây giờ chúng ta nên cảm ơn Hà Giang nhiều lắm. Hà Giang, giúp chúng ta nhận ra nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn, phẫn nộ nhiều hơn và cũng yêu thương nhiều hơn. Nói như người Nghệ quê tôi là giận thì giận mà thương cũng thật nhiều.
Từ Hà Giang để ngược dòng thời gian, để hiểu căn bệnh “2 không” mà “bác sỹ” Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra, đã kê đơn và đưa ra phác đồ điều trị cách đây 10 năm đã phản tác dụng. Nó đã di căn và bùng phát khắp cơ thể.
Ngày xưa là học gì, thi nấy. Nay là thi gì, học nấy. Và nếu không đủ năng lực kiến thức và nhận thức thi thì phải tiêu cực, phải gian dối để thi. Con cái không thi được thì phụ huynh phải “thi” thôi.
Tiêu cực thi cử ở Hà Giang như một “vết dầu loang”, lan rộng ra nhiều địa phương trên toàn quốc và Bộ GD-ĐT đã căng sức, bung nhân lực và làm việc hết công suất đã “chữa cháy” mà đám cháy vẫn không ngừng “phủ sóng” trên cả 2 bình diện “rộng và sâu”.
Từ Hà Giang, để giúp chúng ta “ngộ” ra rằng, việc học tập, thi cử bây giờ không đơn thuần chỉ là việc của học sinh và thí sinh. Thi THPT quốc gia không còn chỉ đánh giá năng lực học của học sinh mà còn kiểm tra “thực lực” của các phụ huynh và là 1 bài “text” kiểm tra sức mạnh khủng khiếp của tiền bạc và quyền lực.
Từ Hà Giang, thêm một nhận thức mới về giáo dục ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Họ không còn thấp hơn mà thậm chí còn cao hơn và cao vượt trội so với học sinh đô thị, đồng bằng về thực lực và điểm số bài thi.
Từ Hà Giang, giúp Bộ GD-ĐT cần thẳng thắn, trung thực nhìn lại thực chất của kỳ thi “2 trong 1” và nhiều nhược điểm, sự bất cập của hình thức thi trắc nghiệm. Lâu nay người ta đã khen nhiều về cái gọi là sự “ưu việt”, “khách quan”, “an toàn”…
Còn thực tế của 2 kỳ thi THPT Quốc gia 2017, 2018 đã “phản biện” một cách sòng phẳng và đầy thuyết phục các “lý luận” mang tính áp đặt và khiên cưỡng đó!
Cuối cùng nhưng lại quan trọng nhất và quyết định nhất là công tác tổ chức cán bộ, là con người. Từ Hà Giang, thêm những minh những sinh động về khả năng siêu việt của những kẻ nắm trong tay quyền lực có thể đổi trắng thay đen, biến không thành có, biến giả thành thật, biến trượt thành thủ khoa chỉ trong giây lát…
Cảm ơn Hà Giang, vì biết đâu từ sau kỳ thi THPT Quốc gia 2018, có thể có những thay đổi lớn. Dẫu là không nên kỳ vọng nhiều nhưng vẫn phải có chút hy vọng sau cơn mưa trời sẽ sáng hơn. Đôi khi trong cái rủi biết đâu lại có cái may, cái hay.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược (1979 – 1989), Hà Giang đã chịu nhiều khổ đau, mất mát với mặt trận Vị Xuyên nổi tiếng( 1984). Trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục, Hà Giang lại rúng động dư luận, tan nát nỗi lòng.
Dù sau vụ cố tình gian lận tày trời này của một nhóm lợi ích của tỉnh Hà Giang, nhiều người đã có sự nhìn nhận khác về địa danh này. Còn tôi, chưa 1 lần đến địa đầu Tổ quốc, vẫn mong một lần đến để nghe mãi không biết chán ca khúc “Hà Giang quê tôi”!
22/7/2018 trên chuyến xe về miền đất đạn bom một thuở.
(Giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An)
Trần Trung Hiếu